(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 2 năm gắn bó với cây sâm Báo, chị Lê Thị Vân ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) đã thuê đất, liên kết phát triển với tổng diện tích các vụ đến gần 15 ha. Với mong muốn phát triển đại trà, biến sâm thành sản phẩm phổ thông để mọi người có điều kiện sử dụng, nữ Việt kiều này còn thử nghiệm trồng sâm thành công ở nhiều vùng của tỉnh.

Nữ Việt kiều “mê” trồng sâm bản địa xứ Thanh

Sau hơn 2 năm gắn bó với cây sâm Báo, chị Lê Thị Vân ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) đã thuê đất, liên kết phát triển với tổng diện tích các vụ đến gần 15 ha. Với mong muốn phát triển đại trà, biến sâm thành sản phẩm phổ thông để mọi người có điều kiện sử dụng, nữ Việt kiều này còn thử nghiệm trồng sâm thành công ở nhiều vùng của tỉnh.

Nữ Việt kiều “mê” trồng sâm bản địa xứ ThanhChị Lê Thị Vân tại mô hình trồng sâm Báo ở xã Lương Sơn (Thường Xuân) khi mới triển khai vào đầu năm 2022. Ảnh: Lê Đồng

Sau nhiều năm bôn ba xứ người, năm 2018 khi đang kinh doanh bên Liên bang Nga, chị Vân quyết định hồi hương. Vốn là “dân” ngoại ngữ từng bảo vệ thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng chị lại thích nông nghiệp. Chưa có nhiều kinh nghiệm, những tháng đầu về quê, chị đã lần mò các kênh thông tin, đến các mô hình sản xuất nông nghiệp trong tỉnh để tìm hiểu. Trong các lần chuyện trò với chị, chúng tôi đều cảm nhận được tình yêu và sự đam mê với các mô hình cây trồng, con nuôi đặc sản, mong muốn nâng tầm các sản phẩm nổi tiếng ở các địa phương trong tỉnh. Theo chị, Thanh Hóa có nhiều sản vật, nhiều nông sản đặc hữu của các vùng quê nhưng việc phát triển thì chưa xứng tầm, rất cần đồng hành với các chủ thể sản xuất để vực dậy. Đó cũng chính là lý do, người phụ nữ trẻ tuổi này quyết định mở một cửa hàng giới thiệu và bày bán các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh tại TP Thanh Hóa. Qua các kênh quảng bá online, chị còn phát triển thị trường thành công cho hàng chục sản phẩm của nông dân trong tỉnh đến với các chuỗi cung ứng tỉnh ngoài.

Về “cái duyên” với cây sâm Báo, theo chị là hoàn toàn tình cờ. “Vào đầu năm 2019, khi đi tham quan một mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tôi được nghe kể về một giống sâm quý của địa phương. Chưa bao giờ thấy hình dáng cây sâm, tôi tò mò và được giới thiệu đến mô hình trồng sâm trên núi Báo của một người dân địa phương tên Xuân. Nghe sự tích, nghe câu chuyện “tiến vua” của sản phẩm khiến tôi thấy thú vị. Rõ ràng đây là dược liệu quý, nhưng quá ít người canh tác, việc trồng cũng nhỏ lẻ khiến tôi trăn trở. Khi ấy cây sâm còn nhỏ, được anh Xuân mời lên cùng thu hoạch sâm vào dịp cuối năm nên tôi chờ đợi, rồi quay lại để trải nghiệm đào và nhổ sâm” – chị Vân chia sẻ.

Ngay trong buổi thu hoạch, có nhiều người đến mua sâm nên chị nhận thấy việc tiêu thụ sản phẩm này không khó, vấn đề là cần tăng cường quảng bá. Ý tưởng phát triển đại trà cây sâm Báo bắt đầu, chị đặt tiền nhờ người thu gom 1kg hạt sâm với giá 6 triệu đồng. Thuyết phục, hợp tác với một hộ dân địa phương, chị góp vốn và hạt giống, hộ dân góp công chăm sóc để phát triển gần 1 ha sâm ngay khu vực núi Báo – nơi được coi là “quê hương” của giống sâm đặc hữu này. Năm đầu thử nghiệm thành công, đến cuối năm 2020, mô hình cho thu hoạch gần 5 tạ sâm. Sau khi bán đủ vốn đầu tư, chị dùng số sâm còn lại để biếu tặng các đối tác, người thân quen nhằm quảng bá để nhiều người biết đến sản phẩm. Vụ sâm sau đó, nhận thấy núi Báo có chất đất khô cằn, ít màu mỡ nên chị thuê đất và liên kết phát triển thêm 3 ha trên một ngọn đồi ở huyện Ngọc Lặc. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc huyện Bá Thước, tiếp tục 3 ha sâm Báo khác được triển khai. Đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm nên sâm lớn nhanh, củ to hơn nhiều so với trồng ở vùng đất Vĩnh Lộc. Năm thứ 2, mỗi mô hình cho thu nhập hơn 2 tấn sâm củ, “bà chủ trẻ” cho ngâm rượu, sấy khô và nấu cao. Tuy nhiên, những mẻ chế biến đầu chưa có kinh nghiệm, thất bại liên tiếp làm thất thu cả trăm triệu đồng.

“Sâm được gửi sấy khô tại lò ở huyện Hậu Lộc, bị cháy hoặc quá nhiệt làm teo tóp nên phải vứt bỏ 3 tạ. Hơn 3 tạ sâm khác tôi nhờ một cơ sở chuyên nấu cao cà gai leo ở huyện Triệu Sơn chế biến, nhưng họ chưa có kinh nghiệm nên bị loãng, cũng không thể đưa ra thị trường được” – chị Vân chia sẻ. Sau những lần trả “học phí” đầu tiên, chị không nản lòng mà tiếp tục triển khai, thậm chí thu mua sản phẩm của các mô hình khác về chế biến và ngâm rượu. Những thành công trong năm 2021 khiến chị có doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, theo chị: Để nhiều người biết và có điều kiện dùng sản phẩm, tôi chủ yếu lấy giá gốc và cho tặng nên phần lợi nhuận còn rất ít. Với những mô hình được mở rộng, những vụ thu hoạch gần đây, củ sâm Báo được bán ra với giá khoảng 300.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều thời kỳ khan hiếm trước đây tại các địa phương”.

Từ thành công của những vụ đầu tiên nên sang đầu năm 2022, nữ Việt kiều quê gốc xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa) tiếp tục liên kết phát triển thêm hơn 1 ha sâm Báo tại xã Lương Sơn (Thường Xuân), gắn với một mô hình tham quan du lịch. Không chỉ ở các vùng núi, chị tiếp tục thử nghiệm trồng 1 ha sâm ngay tại bãi bồi sông Chu ở xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa), hiện đang phát triển xanh tốt và sinh trưởng nhanh hơn các mô hình trên núi cao. Ở vùng núi xã Nam Tiến của huyện Quan Hóa, hiện 3 ha sâm khác cũng được chăm sóc, đang cho thấy sự phù hợp với khí hậu mát mẻ và đất đai màu mỡ nơi đây. Hợp tác trồng hoặc thuê người chăm sóc, hàng tuần, hằng tháng chị đều đến các mô hình để kiểm tra, mỗi lần đều thấy cây sâm một lớn.

Qua nhiều mô hình, chị Vân đúc rút được cho mình nhiều kinh nghiệm quý. Ví như cây sâm ưa ẩm ướt nhưng lại không chịu được ngập úng. Trước đây chủ yếu được trồng trên núi dốc, người dân ở Vĩnh Lộc chưa quan tâm đến điều này. Nhưng khi trồng ở các địa hình bằng phẳng, phải đánh luống cao, có độ dốc để mưa không bị ngập, dễ gây thối củ. Cây sâm Báo cũng có thể trồng ở nhiều nơi mà thành phần dược chất quý nhất là saponin cũng tương đương. Đây chính là cơ sở để phát triển đại trà cây sâm Báo – loài thực vật bản địa của xứ Thanh ở các vùng khác nhau trong tỉnh.

Qua câu chuyện với chúng tôi, chị tin tưởng rằng, có thể biến sâm Báo thành sản phẩm dùng thường xuyên và đại trà như người dân Hàn Quốc với sản phẩm sâm nổi tiếng của mình. Đó cũng chính là lý do, chị đang tìm hiểu du nhập máy sấy dẻo để chế biến sâm dạng mứt, đấu mối hợp tác với các nhà máy chế biến tại Hà Nội để sản xuất nước sâm đóng hộp, kẹo sâm... Chế biến để sản phẩm bảo quản được lâu hơn chính là bước đi vững chắc giúp các nông sản, dược liệu nói chung, củ sâm Báo nói riêng dễ dàng mở rộng thị trường tiêu thụ. Vụ thu hoạch sâm Báo năm 2022 đang hứa hẹn với các tín hiệu tích cực, nếu thành công về mặt quảng bá, chắc chắn các sản phẩm từ sâm bản địa Thanh Hóa càng có cơ hội vươn xa.

Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]