(Baothanhhoa.vn) - HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Yên Nhân (Thường Xuân) là một trong số ít những HTX ở khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh phát triển thành công mô hình liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất và xây dựng được sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Sản phẩm mật ong hoa rừng Yên Nhân được công nhận 3 sao trong Chương trình OCOP cấp tỉnh đã và đang vươn xa, khẳng định vị trí, chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao. Điều đặc biệt là người cầm lái cho tập thể này là nữ giám đốc 9x nhanh nhạy về thị trường - Cầm Thị Thuyết.

Nữ giám đốc HTX 9X và ước mơ nâng tầm sản phẩm nông sản rừng núi

HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Yên Nhân (Thường Xuân) là một trong số ít những HTX ở khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh phát triển thành công mô hình liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất và xây dựng được sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Sản phẩm mật ong hoa rừng Yên Nhân được công nhận 3 sao trong Chương trình OCOP cấp tỉnh đã và đang vươn xa, khẳng định vị trí, chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao. Điều đặc biệt là người cầm lái cho tập thể này là nữ giám đốc 9x nhanh nhạy về thị trường - Cầm Thị Thuyết.

Chúng tôi gặp Cầm Thị Thuyết, khi cô gái dáng người mảnh khảnh, sinh năm 1996 đang đi kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển và tạo mật của đàn ong trên địa bàn. Chia sẻ về cơ duyên trở về gắn bó với địa phương, chị Thuyết cho biết: Tốt nghiệp ngành công tác xã hội, đại học công đoàn, nhưng từ nhỏ tôi đã yêu cỏ cây và yêu rừng nên dù đã ra học ở Thủ đô nhưng vẫn canh cánh làm thế nào để phát huy được lợi thế của rừng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cùng với đó, tôi dần nhận ra cuộc sống của mình thật mờ nhạt, lạc lõng ở chốn thị thành vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp tôi đã trở về quê hương lập nghiệp.

Những năm gần đây, ngoài việc phát triển kinh tế đồi rừng, nhiều hộ gia đình còn có thêm thu nhập từ thu lượm mật ong rừng. Hơn nữa, mật ong từ hoa rừng ở Yên Nhân có chất lượng tốt, đặc sánh, người dân địa phương thường sử dụng và làm quà biếu, được đánh giá cao. Với những suy nghĩ đó, Cầm Thị Thuyết đã sử dụng trang cá nhân như facebook, zalo để quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, thời điểm năm 2018-2019, HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Yên Nhân đang kiện toàn bộ máy nên chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia vào HTX để sản xuất, kinh doanh.

“Tôi muốn tạo một mô hình sản xuất các đặc sản từ rừng một cách bền vững và thành công. Trong đó, chú trọng đến các sản phẩm, như: mật ong, măng nứa, măng khô,... Sau đó nhân rộng và liên kết với các hộ nông dân được giao đất rừng xung quanh để nuôi ong mật, khai thác hiệu quả nguồn măng rừng. Đồng thời, phát triển và hoàn thiện các sản phẩm có nguồn gốc bản địa để đưa ra thị trường” - Cầm Thị Thuyết khẳng định. Nhờ đó, từ năm 2020, với sự năng động, ngoài việc tiêu thụ các sản phẩm của gia đình, Cầm Thị Thuyết đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã tiêu thụ lượng lớn mật ong, măng tươi, măng khô và các sản phẩm nông nghiệp khác. Năm 2021, chị Thuyết được UBND xã và các thành viên trong HTX bầu giữ chức giám đốc HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Yên Nhân. Chị Thuyết được xã viên tin tưởng, ủng hộ vì ngay từ năm đầu về tiếp quản, HTX nông, lâm nghiệp Yên Nhân đã tiêu thụ được hàng tấn mật ong cho nông dân và phát triển mạnh các ngành dịch vụ khác. Chị cũng đứng ra vận động nông dân xây dựng dự án sản xuất mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP và chu trình OCOP. Chị Thuyết tâm sự: “Khi bắt tay vào làm mới thấy đủ thứ phải học, phải làm. Trong đó, khó nhất vẫn là các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục để được hỗ trợ khi triển khai dự án phát triển mật ong thành sản phẩm OCOP”.

Với sự nỗ lực của nữ giám đốc HTX trẻ năng động này, cuối năm 2020, sản phẩm mật ong hoa rừng Yên Nhân được công nhận là sản phẩm OCOP. Sự kiện này như bước đà để HTX kết nối đầu ra với các kênh tiêu thụ lớn như: một số cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP, các siêu thị mini trong, ngoài tỉnh và các kênh bán lẻ hiện đại.

Thành công bước đầu đã được khẳng định, song Cầm Thị Thuyết luôn ghi nhớ những khó khăn trong suốt thời gian qua. Chị cho biết: Là người trẻ tuổi, để thay đổi thói quen sản xuất, tư duy của các hộ là rất khó khăn. Vì vậy, tôi phải bắt tay vào làm việc “để nói có người nghe”. Theo đó, để khuyến khích các hộ xã viên nuôi ong theo chu trình OCOP, thu hái, chế biến măng rừng an toàn... hằng ngày, tôi cũng vào rừng hái măng về chẻ, phơi, sấy... Đồng thời, phát triển gần 100 đàn ong mật và đưa vào rừng sâu để ong thu mật từ hoa rừng và thường xuyên vào rừng kiểm tra, chăm sóc đàn ong theo định kỳ. Tuy công việc có vất vả song khi hiệu quả được khẳng định, các hộ xã viên sẽ nghe theo, HTX xây dựng được định hướng phát triển. Nhờ đó, doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm.

Nhận xét về Cầm Thị Thuyết, nữ giám đốc HTX 9X, ông Lê Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân, khẳng định: Thuyết là người năng động, chịu khó học hỏi và không ngại thử thách. Chính vì vậy, chị đã “vực” một HTX làm ăn hiệu quả kém, trở thành một điểm sáng của huyện, tỉnh. Bên cạnh sự chủ động, sáng tạo của Thuyết và HTX, UBND xã Yên Nhân cũng tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất của HTX. Đồng thời, nghiên cứu, thông tin về nhu cầu thị trường, xu hướng áp dụng khoa học công nghệ để HTX chủ động tiếp cận, tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.

Với chị Cầm Thị Thuyết, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài chính là gắn sao cho các sản phẩm nông sản lợi thế của địa phương. Tiếp sau mật ong sẽ là măng khô và nhiều loại nông sản khác. Mọi thứ mới chỉ bắt đầu, nhưng cứ nhìn vào sự say mê và cách chị đang làm, tin rằng con đường chị đang đi sẽ biến ước mơ thành hiện thực, đưa HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Yên Nhân trở thành địa chỉ tin cậy, chất lượng cho những sản phẩm đặc sản, lợi thế của miền rừng núi.

Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]