(Baothanhhoa.vn) - Đó chính là tấm gương nghị lực của thầy Lê Thanh Tùng - giáo viên dạy môn Tin học ở Trường Trung cấp Nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa, người đã vượt lên số phận, tích cực học tập, cập nhật kiến thức để truyền đạt cho học sinh, trở thành một thầy giáo tâm huyết, mẫu mực, được đồng nghiệp nể phục và học trò kính trọng.

Người thầy đặc biệt ở trường nghề đặc biệt

Đó chính là tấm gương nghị lực của thầy Lê Thanh Tùng - giáo viên dạy môn Tin học ở Trường Trung cấp Nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa, người đã vượt lên số phận, tích cực học tập, cập nhật kiến thức để truyền đạt cho học sinh, trở thành một thầy giáo tâm huyết, mẫu mực, được đồng nghiệp nể phục và học trò kính trọng.

Người thầy đặc biệt ở trường nghề đặc biệtThầy giáo Lê Thanh Tùng hướng dẫn cho học sinh trong buổi học thực hành trên máy tính.

Thầy giáo Lê Thanh Tùng sinh ra trong gia đình có địa chỉ tại phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa; bố làm nghề sửa chữa xe máy, mẹ về mất sức nên cuộc sống không dư giả gì. Ông bà sinh được 2 người con, thầy Tùng là con cả. Ngay từ khi sinh ra, đôi chân của Tùng đã không được lành lặn. Mặc dù bố mẹ đã đưa Tùng đi khám, chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình của Tùng không hề thuyên giảm.

Đến tuổi cắp sách tới trường, những cơn đau luôn hành hạ mỗi khi Tùng trượt ngã. Song, Tùng không bao giờ trùn bước vì nỗi khát khao được đến trường. “Tuổi thơ tôi là những chuỗi ngày khó khăn để hòa đồng với bạn bè. Mỗi lần nhìn chúng bạn chạy nhảy vui đùa, chơi đá bóng, thả diều tôi lại ước ao giá như... Rồi những hôm đi học bị các bạn trêu chọc tôi chỉ biết tìm đến một góc khuất để khóc vì tủi thân; những đợt trị liệu, châm cứu dài ngày, những mũi kim đau buốt đến tận xương tủy... cũng không làm tôi nản chí bởi trong tâm niệm lúc nào tôi cũng đau đáu một khát khao được khỏe mạnh, được đi học và chơi đùa cùng bạn bè. Bên cạnh đó là tình yêu thương, sự động viên, khích lệ của gia đình đã tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực tinh thần để tôi vượt lên chính mình” - Tùng chia sẻ.

Với quyết tâm thay đổi bản thân bằng con đường học tập, Tùng đã lựa chọn ngành công nghệ thông tin để học vì thấy phù hợp với sức khỏe và khả năng của mình. Tùng cho biết, việc được đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh là một mơ ước cũng là động lực để Tùng phấn đấu thi vào ngành công nghệ thông tin Trường Đại học Vinh. Sau khi ra trường, Tùng xin vào làm tại các công ty tư nhân nhưng nhận được ít sự thiện cảm, sẻ chia từ đồng nghiệp. Như một cơ duyên, tình cờ Tùng đến Trường Trung cấp Nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa, Tùng gặp những em học sinh khuyết tật và cảm thấy đây chính là ngôi trường mà Tùng có thể dùng những kiến thức đã học để truyền đạt cho các em, chắp cánh những ước mơ cho các em cùng cảnh ngộ giống mình.

"Hơn 10 năm gắn bó với trường, một chặng đường tuy không ngắn cũng không dài, đã có bao lớp học sinh ra trường nhưng chưa bao giờ tôi giảm đi sự nhiệt huyết của mình. Tôi luôn quan niệm rằng, học sinh luôn là trung tâm của lớp học. Mỗi học sinh là một “bài toán” với người làm thầy. Và, tôi luôn bắt đầu từ cái còn thiếu, yếu của học sinh để từ đó bồi đắp, khích lệ và “thắp lửa” để các em hoàn thiện hơn. Với những học sinh có hoàn cảnh cá biệt, ngoài việc dạy kiến thức, các em cũng cần ở thầy cô sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông. Bởi có những chuyện, dù không thể nói với bố mẹ, nhưng học sinh sẵn sàng chia sẻ với thầy. Điều thành công với người thầy được tính bằng những học sinh trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội...” - thầy Tùng chia sẻ.

Sự thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia và lòng nhiệt huyết cống hiến của thầy Tùng khiến nhiều học sinh dành tình cảm, sự quý mến, trân trọng, nhận xét về người thầy đặc biệt của mình như: “Thầy là tấm gương sáng cho chúng em học tập và noi theo về sự lạc quan và nghị lực sống”, “Chúng em rất thích học với thầy, trong bài giảng thầy luôn đưa ra tình huống sát thực tế để chúng em vận dụng vào thực tiễn”, “Chúng em rất tin tưởng ở sự tư vấn của thầy, có nhiều bạn có tiến bộ rõ rệt sau khi được thầy vận động, giúp đỡ”...

Với mong muốn học sinh sau khi ra trường sẽ có nghề, có thể tự lo được cuộc sống cho bản thân, trở thành những người công dân gương mẫu, trong quá trình giảng dạy, thầy Tùng không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi chuyên môn, luôn tư duy đổi mới phương pháp giảng dạy, biến những kiến thức khô khan thành những câu chuyện, những tình huống, những bài học bổ ích giúp học sinh dễ hiểu. Tấm gương nghị lực của thầy Tùng đã tạo sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới đồng nghiệp và các thế hệ học sinh trong học tập, giảng dạy và cống hiến.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]