(Baothanhhoa.vn) - “Nếu mạng sống của mình có thể đổi lại quyền được sống cho hàng trăm con người khác thì quá xứng đáng phải không? Thời điểm đó, sự lựa chọn đó, với tôi, quá dễ dàng. Tuyệt nhiên, không hề có sự đắn đo, suy nghĩ”. Chính bởi điều tuyệt nhiên không đắn đo ấy, anh Lò Quốc Tính, Trưởng bản Poọng đã cứu được hơn 400 người trong lũ dữ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Người hùng” bản Poọng

“Nếu mạng sống của mình có thể đổi lại quyền được sống cho hàng trăm con người khác thì quá xứng đáng phải không? Thời điểm đó, sự lựa chọn đó, với tôi, quá dễ dàng. Tuyệt nhiên, không hề có sự đắn đo, suy nghĩ”. Chính bởi điều tuyệt nhiên không đắn đo ấy, anh Lò Quốc Tính, Trưởng bản Poọng đã cứu được hơn 400 người trong lũ dữ...

Trưởng bản Lò Quốc Tính thăm hỏi, động viên các gia đình gặp nạn trong đợt lũ.

Chưa đầy 1 tháng, tôi và anh Lò Quốc Tính, Trưởng bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát) gặp nhau tới 2 lần. Mới đó thôi, anh Tính còn ngồi say sưa kể cho tôi nghe về nguồn gốc của bản; về những đổi thay của người dân nơi đây, sau 10 năm cơn bão trắng ma túy đi qua. Thế mà, giờ đây, chỉ một trận lũ về, bức tranh tươi đẹp anh Tính vẽ lên cho tôi của ngày hôm đó, đã trở thành quá khứ. Cảnh tượng tan hoang của bản Poọng khiến tôi không tin vào mắt mình. Bản làng đông đúc giờ chỉ còn là một bãi đất đá ngổn ngang, cùng với những nóc nhà xiêu vẹo. Hơn 30 ngôi nhà đã bị nước lũ cuốn mất và những gương mặt người dân thất thần. Nhiều tài sản, vật nuôi, hơn 90% diện tích hoa màu của người dân nằm sâu dưới lớp bùn đất.

“Mọi thứ thay đổi nhanh quá!” Anh Tính mở đầu cho cuộc gặp gỡ lần 2 bằng câu nói trầm buồn như vậy. Sau những giây phút trầm tư bởi những xúc cảm ngổn ngang, câu chuyện được anh tiếp tục gợi lên với dòng ký ức về cái ngày định mệnh hôm ấy.

...

4 giờ sáng, ngày 30-8, sau một đêm thao thức bởi những cơn mưa nặng hạt trút xuống mãi không ngừng, anh Tính vội vàng rời khỏi nhà với những bất an, lo lắng. Trước khi đi, anh chỉ kịp dặn dò gia đình: “Nếu nước lũ về, phải chạy thật nhanh ra khỏi nhà. Cứ hướng tới những mô đất cao mà đứng. Mọi người, không ai được phép chủ quan”. Đến tận giờ phút này khi nhớ lại, chắc hẳn, anh cũng không thể ngờ rằng, chỉ 6 tiếng sau lời dặn dò đó, một thảm họa đã giáng xuống với ngôi làng mến thương của anh.

Ngoài trời, mưa vẫn không ngừng rơi. Dòng suối Lát hiền hòa thân thương, gắn bó với người dân trong bản, nay bỗng trở nên hung tợn. Nước lên nhanh, chảy xiết, ào ào như thác đổ. Từng lớp đất đá trên núi nứt toác đang có dấu hiệu sạt xuống. Anh Tính chạy vội dọc con đường từ đầu bản đến cuối bản, gõ cửa từng nhà, hô hoán mọi người mau chóng chạy thoát thân. Tiếng của anh, át cả tiếng mưa rừng. Lời hô hoán chỉ vừa kịp dứt, thì cũng là lúc nước lũ ập đến. Tất cả người dân đổ xô chạy ra trục đường chính. Tiếng la hét, tiếng bước chân, tiếng trẻ con khóc,... chưa bao giờ bản Poọng trở nên hỗn loạn đến như vậy. Giây phút đó, anh Tính hiểu rằng, nếu không trấn an được mọi người, sự hoang mang, có thể dẫn đến một thảm kịch đáng tiếc. Bởi xung quanh chỉ mênh mông toàn nước, trên đầu, từng lớp đất đá đang ầm ầm đổ xuống, chỉ cần đứng sai vị trí, mạng sống sẽ gặp hiểm nguy. Anh hướng mọi người chạy tới những mô đất cao, tránh xa những sườn núi. Còn anh, lại tiếp tục lao vào biển nước, sục sạo từng ngôi nhà để chắc chắn không một ai còn sót lại. Chỉ đến khi, đã kiểm tra đủ nhân khẩu của bản không còn ai gặp nguy hiểm, anh mới chạy theo sau mọi người.

Vẫn còn nhớ như in, hình ảnh của anh Tính hôm ấy, Vi Thị Thu, 19 tuổi xúc động, kể lại: “Đúng hôm lũ về, thì em lại trở dạ. Chồng đi làm ăn xa, trong nhà chỉ còn có bố mẹ chồng già yếu. Chẳng còn cách nào khác, trưởng bản phải cõng em chạy đua cùng dòng nước lũ hung ác. Ngay cả đến áo mưa của mình, anh ấy cũng nhường luôn cho em mặc. Bất chấp mạng sống của mình, cõng một bà bầu, dầm mình trong mưa lũ, em nghĩ, đôi khi tình yêu thương con người còn lớn hơn cả bản năng sống của bản thân”.

Đến thời điểm này, có thể nói, anh vẫn còn ngồi trò chuyện được với tôi, hoàn toàn phải dựa vào hai chữ “may mắn”. Bởi lẽ, chẳng có dòng nước lũ nào đủ kiên nhẫn, không có lớp đất đá nào đủ yêu thương để chờ anh, tránh anh khi anh liên tục lao mình vào đối mặt với chúng như vậy. “Anh có sợ chết không?” – Tôi vẫn luôn muốn biết, tại sao, trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” đó, con người ta lại có thể bình tĩnh, hành động dứt khoát, xem nhẹ tính mạng của mình đến như vậy. Anh nhìn tôi mỉm cười: “Có. Đó là bản năng sống của con người mà”. Nhưng, anh nhanh chóng phản biện: “Nếu mạng sống của mình có thể đổi lại quyền được sống cho hàng trăm con người khác thì quá xứng đáng phải không? Thời điểm đó, sự lựa chọn đó, với tôi, quá dễ dàng. Tuyệt nhiên, không hề có sự đắn đo, suy nghĩ”.

Đưa ánh mắt nhìn vào những lớp đất đá ngổn ngang trước mặt, giọng anh như lạc đi: “Ông nội của tôi đã mất trong đợt lũ dữ vừa qua. Ông mất vì bị cảm lạnh. Em gái tôi cõng ông trên vai chạy suốt mấy tiếng ròng rã trong lũ... Ông mất lúc 10 giờ đêm, mãi đến tận 2 giờ sáng ngày 31-8 sau khi đưa bà con đến nơi an toàn, trở về nhà tôi mới biết. Ông là người tôi kính yêu nhất. Điều này, khiến tôi không khỏi day dứt. Có lẽ, cuộc đời này, chẳng có sự lựa chọn nào mang đến một kết quả trọn vẹn. Tôi cứu được bà con, nhưng không cứu nổi người thân của mình. Điều an ủi lớn nhất với tôi lúc này là sự hy sinh của tôi, của gia đình tôi đã được đền đáp khi giữ được tính mạng cho bà con trong bản. Họ có thể bị mất hết tài sản, nhưng còn người thì còn có thể tiếp tục viết lên được tương lai”. Trong cái ngày định mệnh ấy, suốt 22 tiếng đồng hồ từ 4 giờ sáng ngày 30–8 đến 2 giờ sáng ngày 31–8, anh Tính đã hướng dẫn 418 người dân đến nơi an toàn và cũng chính anh vượt dòng nước lũ trong đêm cứu hàng chục người mặc kẹt đến nơi an toàn. Những con số chưa đủ để khắc họa lên hình ảnh về anh, nhưng phần nào đã nói lên được ý nghĩa về những việc làm của anh.

4 ngày sau lũ, anh Tính bàn với vợ đem nốt con lợn – chút tài sản quý giá nhất còn sót lại trong gia đình để cứu đói cho bà con. Anh Tính bảo, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, giúp đỡ nhau, nếu không phải trong lúc hoạn nạn thì còn đợi đến khi nào. Chắc hẳn, sẽ chẳng có người dân trong bản Poọng nào quên được hình ảnh anh trưởng bản đáng kính tất tả ngược xuôi chạy hết Đồn Biên phòng Tam Chung, ra khu trường tiểu học cũ xã Tam Chung đến xuống huyện đội cũ – những nơi mà bà con phải di dời trong bản đang trú ngụ tạm thời để hỏi han, thăm hỏi, động viên từng người một. Cuốn sổ tay luôn thường trực bên người. Anh cập nhật tất cả những tâm tư, nguyện vọng của bà con vào đó, không để ai sót, cũng không để ai phải thiệt thòi, tủi thân sau lũ.

Trước khi chia tay, anh Tính đưa tôi tới thăm bé Hà Việt Cường, 18 ngày tuổi, con trai của chị Hà Thị Thu, bé chào đời sau thời điểm trận lũ lịch sử quét qua nhà 3 ngày. Trộm vía, bé vẫn khỏe mạnh sau cái đêm bé nằm trong bụng mẹ, được anh Tính cõng trên vai chạy đua cùng dòng nước hung ác. Nhà bé không còn nữa, hai mẹ con vẫn đang phải nằm trên nền nhà của khu lán trại mới được dựng lên tạm bợ, cạnh những ngôi nhà còn sót lại của bản. Mẹ bé ăn cơm trắng với măng rừng để có sữa. Cơm thì cứng, măng rừng thì đắng, chắc hẳn chỉ có tình thương mới tạo nên được dòng sữa ngọt ngào. Bé không trách mẹ, ngược lại như hiểu được hoàn cảnh mà ngủ nhiều, ít khóc và ít đòi bú. Bé được đặt tên là Cường, Cường trong chữ “kiên cường”. Anh Tính nói với tôi, bản Poọng tan hoang, bé chính là tương lai của bản. Rồi đây, khi chuyển sang một vùng đất mới để gây dựng lại từ đầu, chắc hẳn, sẽ khó khăn, nhưng người dân bản Poọng vẫn vững niềm tin sẽ vượt qua tất cả. Dịp gần nhất, anh hẹn tôi hãy quay trở lại, để thêm lần nữa chứng kiến một bản Poọng hồi sinh.


Bài và ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]