(Baothanhhoa.vn) - Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và chịu khó học hỏi để áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cựu chiến binh (CCB) Hà Văn Dũng đã trở thành tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được Trung ương Hội CCB Việt Nam ghi nhận, tặng bằng khen.

Cựu chiến binh Hà Văn Dũng làm theo lời Bác

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và chịu khó học hỏi để áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cựu chiến binh (CCB) Hà Văn Dũng đã trở thành tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được Trung ương Hội CCB Việt Nam ghi nhận, tặng bằng khen.

Cựu chiến binh Hà Văn Dũng làm theo lời BácCựu chiến binh Hà Văn Dũng chăm sóc vườn cau.

Ông Hà Văn Dũng, sinh năm 1966, là người dân tộc Mường. Ông sinh ra, lớn lên trên mảnh đất làng Trô, xã Giao An (Lang Chánh). Tháng 8-1984, sau khi học hết cấp II, ông Dũng nhập ngũ vào Sư đoàn 442, đóng quân trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Sau một thời gian huấn luyện, ông cùng đơn vị hành quân sang giúp nước bạn Lào. Tháng 3-1987, ông hoàn thành nhiệm vụ và trở về địa phương.

Ở quê ông ngày ấy, ruộng trồng lúa không có nhiều, kinh tế người dân phụ thuộc vào canh tác nương rẫy và khai thác rừng nên đời sống của phần lớn người dân luôn trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Thời gian đầu mới xuất ngũ trở về địa phương, cũng như nhiều người khác trong xã, ông Dũng vật lộn với đói nghèo để duy trì cuộc sống gia đình. Với ý chí và nghị lực của người lính được rèn luyện từ những năm tháng trong quân đội, ông Dũng luôn nghĩ cách vươn lên để thoát khỏi khó khăn. Ban đầu, ông cùng gia đình tập trung trồng các loại cây phù hợp với điều kiện của địa phương như mía nguyên liệu, đan xen trồng cây xoan để lấy gỗ và chăn nuôi trâu sinh sản, nuôi lợn thịt, lợn giống, đào ao thả cá... Mặc dù đã bỏ rất nhiều công sức nhưng hiệu quả mang lại không cao, mức thu nhập không ổn định, chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống trong gia đình.

Sau một thời gian thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, kinh tế - xã hội huyện Lang Chánh có nhiều khởi sắc, đặc biệt việc mở rộng giao lưu với các địa phương, vùng miền đã tạo cho người dân nhiều điều kiện để học hỏi phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, CCB Hà Văn Dũng nhanh chóng nắm bắt và phát hiện việc thu mua cau của thương lái để xuất khẩu sang Trung Quốc. Phát hiện đó thôi thúc ông tìm hiểu thị trường, nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cau, cách thức thu hoạch, bảo quản và thâm nhập thị trường tiêu thụ. CCB Hà Văn Dũng cho biết: Cây cau là cây trồng truyền thống, phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao biến quả cau từ một sản phẩm chỉ phục vụ cho việc ăn trầu của người dân trở thành một loại hàng hóa có giá trị, cho thu nhập cao. Với quyết tâm cao, tôi nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác toàn bộ diện tích đất sẵn có của gia đình và chuyển đổi sang trồng cây cau xen kẽ với trồng cây ăn quả để lấy ngắn nuôi dài. Và tôi đã thành công với sự lựa chọn của mình cho tới hôm nay.

Bước đầu thử nghiệm, CCB Hà Văn Dũng chỉ trồng cau xung quanh vườn. Thấy cây hợp với đất đai nên lớn nhanh, đến năm thứ 5 thì cây đã cho quả nên ông mở rộng diện tích trồng cau lên một sào. Năm 2006, ông cùng gia đình mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trồng được 5 sào với 1.200 cây cau, số vốn đầu tư cho mỗi sào gần 10 triệu đồng. 5 năm sau, gia đình ông đã bắt đầu thu hoạch, mỗi năm được 5 - 6 tấn quả, bán được trên 100 triệu đồng/năm. Xác định đây là hướng đi đúng, ông Dũng và gia đình quyết định bỏ trồng mía, cây ăn quả để mở rộng diện tích trồng cau, đồng thời tự ươm cây giống để trồng và bán ra thị trường. Đến nay, gia đình ông đã trồng được hơn 13.000 cây cau và đã có hơn 1.000 cây cho thu hoạch, mỗi cây cho năng suất từ 20 đến 30kg quả. Ngoài cau quả, ông Dũng còn ươm 4 vạn cây giống để bán cho người dân có nhu cầu với giá 25.000 đồng/cây, cau quả làm giống giá 10.000 đồng/quả. Ông cũng tận dụng mo cau để bán làm dược liệu với giá 3.000 đồng/cái. Với giá bán 85.000 đồng/1kg quả cau, cùng cây giống và mo cau, năm 2021 CCB Hà Văn Dũng thu lãi hơn 800 triệu đồng. Theo tính toán của CCB Hà Văn Dũng, đến năm 2023, gia đình ông có 3.000 cây cau cho thu hoạch, ước tính khoảng 35 - 40 tấn quả. Đến năm 2024, có hơn 10.000 cây cho thu hoạch, ước tính từ 100 đến 120 tấn quả. Chi phí cho cây cau thấp nên dự kiến nguồn thu của gia đình trong những năm tới là rất lớn.

CCB Hà Văn Dũng cho biết: Cau là cây dễ trồng, có thể trồng tập trung hoặc trồng dưới dạng phân tán ở những nơi có diện tích đất bỏ không. Đây là cây dài ngày, không tốn nhiều công chăm sóc và đầu tư, song cũng phải cần mẫn, kiên trì và chịu khó, phải áp dụng khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm vào trồng và chăm sóc thì mới cho hiệu quả cao. Về tiêu thụ, gia đình tôi có thương lái đến tận vườn thu mua, giá ổn định, rất ít năm tụt giá nên đây vẫn là loài cây cho thu nhập khá.

Hiện nay, mô hình trồng cau của gia đình CCB Hà Văn Dũng đang tạo việc làm cho 6 lao động, trong đó có hội viên CCB với thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, CCB Hà Văn Dũng tích cực phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cau để mở rộng diện tích sản xuất tại xã Giao An quê ông và một số địa phương khác, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống.

Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, CCB Hà Văn Dũng đã được các cấp, ngành ghi nhận, biểu dương, khen thưởng. Tại hội nghị đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Trung ương Hội CCB Việt Nam tổ chức, CCB Hà Văn Dũng vinh dự được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]