(Baothanhhoa.vn) - Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần của những y, bác sĩ này mới nhận thấy đó là công việc mà không phải ai cũng làm được.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện ghi ở bệnh viện tâm thần

Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần của những y, bác sĩ này mới nhận thấy đó là công việc mà không phải ai cũng làm được.

Các y, bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa không chỉ chữa bệnh mà còn chăm lo tới miếng ăn, giấc ngủ của bệnh nhân.

Bệnh tâm thần không chừa một ai

Chiều. Những cơn mưa cuối hạ làm cho bầu trời trở nên ảm đạm. Tôi chậm rãi đi men hành lang Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa vào Khoa nữ, một tiếng hát véo von cất lên. Tôi đi nhanh về phía có tiếng hát, một cô gái trẻ đang đứng bên cửa sổ, mặt hướng ra khoảng sân rộng phía dưới. Tôi buột miệng thốt lên: “Vào đây rồi mà yêu đời quá nhỉ!”. Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Thị Thu Hồng, Trưởng Khoa nữ, “chỉnh” ngay: “Thực ra là bị hưng cảm chứ không phải yêu đời. Tâm thần có hai loại trầm cảm và hưng cảm, là một dạng rối loạn của cảm xúc. Có thể cô ấy sẽ hát hàng chục bài và bài nào cũng hưng phấn thế”.

Tôi ngạc nhiên vì bệnh nhân này thần thái sáng sủa, cử chỉ khá linh hoạt, trông không có vẻ gì là “điên” cả. Bác sĩ Hồng cho biết, khoa học bây giờ tiên tiến, mỗi năm ra một vài loại thuốc mới nên bệnh nhân trông mặt mũi không còn ngây ngô, đáng sợ như trước. Có những người thoạt trông không biết họ mắc bệnh, chỉ trò chuyện mới phát hiện ra.

Buổi cơm chiều, các nữ bệnh nhân ngồi vào bàn ăn. Một nữ bệnh nhân thấy tôi bước ngang phòng bệnh vội để tô cơm xuống bàn chạy lại nắm chặt tay tôi với vẻ mặt thất thần, nài nỉ: “Bác sĩ ơi, tôi yêu chồng tôi lắm, cho tôi về với chồng đi...”. Vừa dứt tiếng, người phụ nữ nghẹn ngào lấy hai bàn tay ôm mặt khóc. Bác sĩ Hồng giải thích: “Ở những người bệnh tâm thần, nội sinh về bệnh, yếu tố thần kinh đã có sẵn. Chính vì vậy nếu như họ bị một tác động tâm lý nào đó quá lớn của cuộc sống, như: Thất tình, mất con, phá sản trong làm ăn kinh tế... không chịu nổi, họ sẽ phát bệnh. Số lượng bệnh nhân tăng dần sau mỗi năm, đủ mọi lứa tuổi, thành phần”.

Tôi vẫn thường thấy ngoài cuộc sống, người lớn tuổi độc thân hay cau có, thể nào cũng được khuyên nên lập gia đình để hết “hâm”, khi đem cái thắc mắc đó ra hỏi, bác sĩ Hồng cho biết: Nhiều người gọi điện thoại đến đây xin tư vấn: “Con tôi đang chuẩn bị kết hôn. Bố mẹ người yêu của con tôi bị tâm thần, liệu sau này có di truyền sang cho cháu tôi không?”, hay: “Thằng bé con tôi trước đây bị tâm thần bây giờ cháu nó đã ổn định, chỉ hơi hâm hấp tí chút, liệu lấy vợ cho nó, nó có hết “điên”?, liệu bệnh cũ có tái phát?”. Theo thống kê, bệnh tâm thần phân liệt là loạn thần nặng nhất thì 1/4 khỏi hoặc thuyên giảm gần như hoàn toàn người ta có thể quay về với cộng đồng. Còn 1/4 diễn biến vẫn cứ liên tục, gần như không lúc nào trở về bình thường. 50% còn lại diễn biến thành giai đoạn có khi ổn định một vài ba năm, có khi ổn định mấy tháng xong lại phát bệnh. Bác sĩ không dám chắc chắn điều gì, nhưng bệnh nhân trẻ sau điều trị có tiến triển tốt, chúng tôi khuyên nếu có điều kiện nên lập gia đình. Vì có gia đình cuộc sống ổn định, điều hòa âm dương, cân bằng về tâm sinh lý, nguy cơ tái phát về sau ít đi. Thực tế cho thấy rất nhiều bệnh nhân điều trị một, hai lần ở đây sau đó xây dựng gia đình có cuộc sống vui vẻ. Nếu tái phát, bệnh thường nhẹ hơn so với người không lập gia đình.

Đi vòng qua dãy nhà của Khoa nữ, tôi mạnh dạn bước vào Khoa nam I, nơi có 60 bệnh nhân đang được điều trị. Không có những tiếng chửi đời ai oán, không gào khóc... “thế giới người điên” trầm lặng hơn tôi tưởng. Thấy có người lạ đi cùng y tá Nguyễn Duy Tuấn, họ xúm lại, tỏ vẻ vui mừng, có người nhảy thót lên chạy lại đứng trước mặt chúng tôi bảo: “Anh Tuấn, ngày mai em xuất viện về nhà nhé”, y tá Tuấn hỏi: “Nhưng em thấy mình khỏe chưa?”, bệnh nhân trả lời: “Em chưa khỏe”. Một bệnh nhân nam khác chạy lại với vẻ mặt hớn hở khoe: “Anh Tuấn, vài bữa nữa vợ em xuống thăm em” rồi vừa đi vừa hát, lát sau bệnh nhân tiếp tục quay lại với câu nói ấy. Hỏi ra mới biết bệnh nhân này chưa có vợ con, những lời nói đó chỉ là do chứng bệnh hoang tưởng mà ra.

Chỉ tay vào cậu bé có mái tóc vàng, bác sĩ Chuyên khoa II Vi Du Lịch, Trưởng Khoa nam I cho biết: Cậu bé mới vào viện cách đây 3 tháng. Mẹ cậu thấy cậu hay ra đường, lần nào về nhà má cũng đỏ lựng, nhìn kỹ thấy trên má con trai hằn 5 đầu ngón tay. Sau bà phát hiện, cậu con rất thích động chạm vào thân thể phụ nữ, như một cái tật, không thể bỏ. Nó ám ảnh đến nỗi cậu chẳng thể học hành. Bà mẹ cho con đi khám và biết con mình bị bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng bức - một dạng của tâm thần, nên khẩn trương đưa ngay vào viện.

Bác sĩ cũng là người thân

Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, khó khăn, đối với những bệnh nhân thần kinh có vấn đề càng khó khăn gấp bội. Với bệnh nhân tâm thần, ngoài các vấn đề về chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50% trong việc chữa trị cho người bệnh. Nhiều khi các bác sĩ phải “hóa thân” thành người bệnh, để nói, cười, tâm sự cùng bệnh nhân.

Chia sẻ về điều này, Bác sĩ Thu Hồng, tâm sự: “Ai mới vào đây cũng khiếp, nhưng những người làm việc, gắn bó với bệnh nhân tâm thần thì buộc phải “quen” với những cảnh tượng khác người, quen với những lời trêu chọc, chửi bới, những đề nghị vô lý của bệnh nhân, thậm chí những lần bị tấn công bất ngờ, bị cấu xé...”. Tôi hỏi, có khi nào chị muốn bỏ nghề không? Bác sĩ Hồng lắc đầu: “Từ khi bước vào nghề, tôi đã tâm niệm đây là cái “nghiệp” của mình rồi! Mỗi năm trôi qua lại thấy thêm... gắn bó. Bởi, tôi hiểu bệnh nhân tâm thần cũng khao khát được trở lại người bình thường. Vì vậy, mình phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, yêu thương người bệnh bằng cả cái tâm lẫn y đức của người thầy thuốc để giúp họ sớm khỏi bệnh, trở về với gia đình và xã hội”.

Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần của những y, bác sĩ này mới nhận thấy đó là công việc mà không phải ai cũng làm được. Bởi có đến 80% bệnh nhân ở đây không có người thân chăm sóc, thậm chí nhiều bệnh nhân gần như bị người nhà “bỏ quên”, chẳng buồn đón về. Vì thế, ngoài việc chữa trị cho bệnh nhân, họ còn phải chăm sóc cho bệnh nhân đến từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm, giặt, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc...

Theo bác sĩ Lịch, 80-90% người bệnh cho rằng mình không có bệnh, không chấp nhận điều trị, không uống thuốc vì thế bệnh càng nặng lên. Nhân viên y tế phải thuyết phục, thậm chí buộc người bệnh dùng thuốc. Có trường hợp, bệnh nhân không thừa nhận mình mắc bệnh, bác sĩ thăm khám phải làm “diễn viên bất đắc dĩ” với tư cách là bạn của ông chú, ông anh đến khám. Rồi khuyên bảo như một điệp khúc: “Anh mất ngủ triền miên ư? Có vẻ như anh không được khỏe lắm thì phải, trông hơi gầy đấy”. Hay: “Dạo này anh hay cáu kỉnh nhỉ, hình như có điều gì làm anh bức xúc, mệt mỏi đúng không? Anh yếu thì nên dùng thuốc bổ”. Và bác sĩ kê đơn. Thực chất “thuốc bổ” ấy chính là thuốc đặc trị tâm thần.

“Phải tìm căn nguyên, đồng cảm với người bệnh để họ cảm nhận được sự an toàn khi ở đây. Đặc trưng của bệnh nhân tâm thần là ở tâm - sinh lý, có khi họ quá sợ hãi, có khi lại quá mê mải bởi một điều gì đó. Cân bằng là một điều không dễ dàng chút nào. Bởi thế, bác sĩ có khi giống như nghệ sĩ, phải vào vai thật hoàn hảo để chữa bệnh cho người bệnh”, bác sĩ Lịch tâm sự.

Có một thực tế đáng buồn là người tâm thần thường phải chịu đựng sự kỳ thị của xã hội nên họ khao khát trò chuyện mỗi khi gặp ai đó, dù quen dù lạ; sự cô lập chỉ khiến họ ngày càng chìm sâu vào thế giới của những cơn điên dại. Vì vậy, những cuộc chuyện trò thân mật, những lời hỏi thăm vừa là một trong những nghiệp vụ chẩn bệnh, điều trị của bác sĩ, y tá vừa là cách để họ giúp bệnh nhân hợp tác điều trị và dần dần kết nối với xã hội. Ở Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, các y, bác sĩ thường gọi bệnh nhân bằng tên và nhớ rõ đặc điểm bệnh và hoàn cảnh của họ. Nhờ đó, cán bộ, y, bác sĩ đã thiết lập mối quan hệ gần gũi, tạo niềm tin với bệnh nhân trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh.

Vẫn thường nghe kể nhiều về việc bệnh nhân đánh gãy tay, sưng mặt, rồi đe dọa bác sĩ khi cơn kích động nổi lên, tôi hỏi thì được y tá Tuấn cho biết: “Chính tôi cũng bị bệnh nhân đánh mấy lần. Cứ 10 người trong chúng tôi thì đến 4, 5 người bị đánh. Có người bị bệnh nhân lấy gạch đập vào đầu chảy máu, người bị “đấm” sưng cả mặt, có người bị cào cấu... Thậm chí, bệnh nhân còn đập vỡ đèn tuýp, lấy mảnh vỡ làm hung khí đe dọa y, bác sĩ. Những lúc như thế đòi hỏi người thầy thuốc phải vượt ra ngoài phạm vi chuyên môn, bằng tình thương giữa con người với con người, giúp họ trở lại trạng thái bình thường”.

Làm cái nghề luôn căng thẳng thần kinh và nhiều hy sinh nhưng có một động lực luôn thôi thúc họ đó là khi được nghe hai tiếng “cảm ơn” của bệnh nhân. Bác sĩ Lịch tâm sự. “Nghe một lời cảm ơn của người bệnh tâm thần khó lắm. Chỉ khi họ khỏi bệnh, trước khi ra viện họ mới... đủ tỉnh táo để nói hai tiếng “cảm ơn”. Thật khó để diễn tả được niềm hạnh phúc ấy!”.

Nói về khó khăn trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần, Giám đốc Bệnh viện Trịnh Văn Anh, cho biết: Nhận thức của cộng đồng về bệnh lý tâm thần còn hạn chế. Số đông quan niệm sai lầm về người bị mắc bệnh tâm thần là do “động mồ động mả”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, do “ma làm”... vì phần lớn bệnh nhân khi phát bệnh có các biểu hiện thay đổi tính tính, nói nhiều về ma quỷ, thần thánh và người đã chết, làm những việc khó hiểu nên gia đình thường đưa người bệnh đi cúng bái và cứ để như vậy thời gian dài, một vài năm, thậm chí hàng chục năm, người bệnh quá nặng đập phá, hành hung, thậm chí giết người, lúc đó người ta mới đưa đến bệnh viện. Để lâu quá bệnh nặng chữa trị rất khó. Có lẽ cần tuyên truyền cho cộng đồng, nếu thấy có biểu hiện bất thường như rối loạn giấc ngủ, tự nhiên không muốn giao tiếp, không muốn quan hệ, hoặc có những hành vi lời nói kỳ lạ, khác thường tốt nhất nên đến các cơ quan điều trị bệnh tâm thần để được tư vấn chữa trị càng sớm càng tốt.

Bệnh nhân tâm thần không đáng sợ như những gì chúng ta thường nghĩ về họ, với những tiến bộ của y học hiện nay đã có các phương pháp chữa trị bệnh tâm thần hiệu quả. Tuy nhiên, vòng tay đón nhận, sẻ chia của người thân và cả xã hội mới là phương thuốc thần diệu giúp họ trở lại với cuộc sống bình thường.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]