Nhiều ý kiến sâu sắc, làm nổi bật những vấn đề đang đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa
Sáng 13/12, dưới sự chủ tọa của các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục ngày làm việc thứ 2, các đại biểu thảo luận tại hội trường.
Toàn cảnh kỳ họp.
Dự kỳ họp có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.
Các đồng chí chủ toạ kỳ họp.
Trên cơ sở gợi mở thảo luận của Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên chiều 12/12, các đại biểu đã tập trung phân tích để khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp Nhân dân về những kết quả đạt được năm 2024.
Các đại biểu dự kỳ họp.
Các ý kiến thảo luận tại kỳ họp đã thể hiện sự đồng tình với báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024. Các đại biểu cho rằng: Năm 2024 tăng trưởng kinh tế đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực; các chỉ tiêu phát triển kinh tế, thu ngân sách, thu hút các dự án đầu tư trực tiếp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng là công nghiệp, tiếp đến là xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp...
Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Trong đó, nguồn thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt cao so với dự toán và chỉ tiêu được giao. Một số khoản thu có tỷ trọng lớn và đạt cao so với dự toán như: thu tiền sử dụng đất; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu thuế bảo vệ môi trường; tiền thuế giá trị gia tăng mặt hàng dầu thô nhập khẩu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn...
Đạt được kết quả trên, có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngay từ đầu năm. Đó cũng là kết quả của sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
Cùng với việc thảo luận làm rõ hơn những kết quả đạt được năm 2024, các đại biểu cũng tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện. Từ đó soi chiếu vào từng lĩnh vực, ngành mình, để tìm những biện pháp khắc phục; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải pháp năm 2025.
Vẫn còn “lực cản” trong thực hiện mục tiêu đưa Thanh Hóa thành tỉnh công nghiệp Công nghiệp là một trong những lĩnh vực đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa. Đó là nhận định của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII. Đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo đại biểu, để có mức tăng trưởng đứng thứ 2 cả nước, lĩnh vực công nghiệp đóng góp tới hơn 50%, điều này cho thấy kinh tế của tỉnh dựa nhiều vào công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây cơ cấu sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh chưa có nhiều thay đổi, vẫn là những sản phẩm truyền thống được mở rộng sản xuất, gia tăng sản lượng, chưa thu hút được sản phẩm mới. Một số sản phẩm mới gia tăng không đáng kể. Đây là một trong những hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục để tạo xung lực cho sự phát triển. Đại biểu cũng chỉ rõ: Tiến độ triển khai ở nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp có tiến triển, song vẫn còn chậm, dẫn đến thiếu mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư. Vấn đề này đã được tỉnh, ngành chức năng nhận diện rõ và đã có sự chỉ đạo, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Từ những điều này cho thấy, những tiền đề và điều kiện để phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một tỉnh công nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập, cần sớm được tháo gỡ. |
Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững Đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Theo đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hiện nay giá vật liệu xây dựng là một trong những điểm nóng, mối quan tâm lớn nhất đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nguyên nhân chính được xác định là do chênh lệch giữa bảng giá thông báo của tỉnh so với giá thực tế. Mặt khác, việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng tại các mỏ có trữ lượng cấp ra còn thấp so với nhu cầu, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên vật liệu, không đáp ứng đủ cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá đúng thực trạng cung cầu để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cấp phép đủ trữ lượng vật liệu tại các mỏ, giúp doanh nghiệp hoàn thành tiến độ dự án một cách an toàn, thuận lợi. Bên cạnh khó khăn về giá vật liệu xây dựng, hiện nay các doanh nghiệp bị coi là nợ đọng tiền đất, nhưng trên thực tế dự án đang được UBND tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan rà soát pháp lý, nên việc giao đất cho doanh nghiệp không thể tiến hành, nhưng cơ quan thuế vẫn tiếp tục áp dụng thu tiền sử dụng đất, vẫn treo nợ, phạt chậm nộp tiền đất, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vẫn phải chịu nợ đọng tiền đất trong thời gian dự án đang rà soát. Điều này gây khó khăn, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nhiệp, nhà đầu tư. Để tránh tình trạng “ngành nào biết ngành đó”, thiếu sự liên thông và cập nhật đồng bộ trong hệ thống, đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, sớm có giải pháp thiết thực, giải quyết kịp thời vấn đề này. Cũng theo đại biểu, trên địa bàn tỉnh, hiện có 38 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng chỉ có 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động có phát sinh doanh thu, 17 nghìn doanh nghiệp đã thành lập nhưng không phát sinh doanh thu. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá kịp thời, có những giải pháp cụ thể để đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động thực chất hơn. |
“Kéo” thêm động lực tăng trưởng mới để duy trì tốc độ thu ngân sách Đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa. Năm 2024, với nhiều giải pháp quyết liệt, Thanh Hóa đạt được thành quả cao nhất về thu ngân sách từ trước tới nay với số thu dự ước đến hết ngày 31/12/2024 đạt 55.300 tỷ đồng, vượt 55% dự toán được giao; trong đó thu thuế xuất nhập khẩu đạt 21.000 tỷ đồng và thu thuế nội địa đạt 34.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa, qua theo dõi của ngành thuế, thu ngân sách của tỉnh nhiều năm nay vẫn phụ thuộc vào 2 nguồn thu chính là thuế nhập khẩu dầu thô của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và thu tiền sử dụng đất. Hai động lực chính này liên tục chiếm tới 64-69% tổng thu ngân sách toàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2024. Năm 2024, con số này ước tính là 68% khi Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn vận hành vượt công suất, nguồn dầu thô nhập cao hơn các năm trước. Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới năm 2025 dự báo vẫn rất nhiều thách thức; các nguồn thu thuế từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và thu tiền sử dụng đất đã phát huy rất cao dư địa khai thác trong nhiều năm nay, đại biểu đề xuất để duy trì tốc độ tăng trưởng thu ngân sách các năm tiếp theo, cần thúc đẩy phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), nâng cấp sân bay Thọ Xuân đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn để tạo nền tảng hạ tầng tốt, thuận lợi cho thu hút đầu tư. Đối với phát triển hạ tầng KCN, CCN, toàn tỉnh hiện có Khu Kinh tế Nghi Sơn với 23 phân khu công nghiệp. Ngoài ra, theo quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh có 19 KCN và 126 CCN. Tuy nhiên, “bức tranh” hạ tầng KCN, CCN vẫn còn dang dở khi mới chỉ có 7 KCN trong Khu Kinh tế Nghi Sơn gắn với các dự án lớn và 2 CCN đã hoàn thiện toàn bộ hạ tầng; 6/8 KCN ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn đã có nhà đầu tư hạ tầng nhưng chưa được đầu tư đồng bộ theo đúng quy định. |
Có địa phương tuyển dụng biên chế giáo viên nhưng không thu đủ hồ sơ dự tuyển Đại biểu Hà Thị Hương, Bí thư Huyện ủy Quan Hóa. Đại biểu Hà Thị Hương, Bí thư Huyện ủy Quan Hóa kiến nghị các sở, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách khuyến khích, thu hút giáo viên và người lao động công tác tại các huyện miền núi cao, vùng dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhất là tại địa bàn các huyện miền núi không còn xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Từ đó góp phần thu hút nguồn nhân lực, khuyến khích người lao động yên tâm công tác gắn bó lâu dài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đại biểu, triển khai Quyết định 861/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số xã khu vực III trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm sâu, tuy nhiên điều kiện kinh tế - xã hội nói chung ở những xã này chưa có nhiều thay đổi. Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn đồng nghĩa cán bộ, giáo viên công tác tại những xã này không còn được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập. Nhiều cán bộ, giáo viên công tác lâu năm đã xin chuyển công tác về miền xuôi, thậm chí có giáo viên xin ra khỏi ngành. Thực trạng này đã dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các huyện miền núi trong năm học 2024-2025. Đại biểu Hà Thị Hương nhấn mạnh: “Được tỉnh chấp thuận, vừa rồi nhiều huyện miền núi đã thông báo tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, nhiều vị trí giáo viên đặc thù (Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học) không có đủ hồ sơ dự tuyển”. Như tại huyện Thường Xuân hiện còn thiếu khoảng 80 giáo viên so với định biên. Tại huyện Lang Chánh mới đây tiến hành tuyển dụng biên chế giáo viên nhưng thống kê sơ bộ thì 5 vị trí giáo viên đặc thù không có hồ sơ dự tuyển. Tương tự, sau đợt tuyển dụng vừa qua, huyện Quan Sơn có 7 vị trí giáo viên đặc thù không thu được hồ sơ. |
Xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ nhưng chậm trễ Đại biểu Phạm Kim Tân, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa. Thông qua hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, đại biểu Phạm Kim Tân, Tổng thư ký Liên hiệp hội cho rằng: Chương trình, đề án của tỉnh là những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, đột phá để thực hiện các nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, dảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh; là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số sở, ngành chưa quan tâm đúng mức, chưa dành thời gian, trí tuệ và công sức thỏa đáng cho công tác chuẩn bị. Vì vậy, nội dung đề xuất thiếu chính xác, chưa sát đúng với thực tiễn, có chương trình, đề án không cần thiết. Theo đại biểu, còn có tình trạng một số sở, ngành có biểu hiện “khoán trắng” cho cơ quan tư vấn. Một số chương trình, đề án quá hạn, phải gia hạn báo cáo nhiều lần, có đề án kéo dài cả năm vẫn chưa xong, chất lượng hạn chế. Một số chương trình, đề án đã được phê duyệt nhưng không bố trí được nguồn lực để triển khai thực hiện, gây lãng phí về thời gian, nguồn lực của tỉnh. Đại biểu kiến nghị UBND tỉnh quy định rõ và xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công, giao nhiệm vụ nhưng chậm trễ chuẩn bị và trình duyệt các nhiệm vụ. Tăng cường chỉ đạo công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh và thẩm quyền quyết định của HĐND nhằm cung cấp thông tin, luận cứ cho việc quyết định, góp phần khắc phục các hạn chế nêu trên. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án theo kế hoạch đã đề ra. Khắc phục tình trạng chương trình, đề án đã được phê duyệt nhưng không triển khai hoặc chỉ triển khai một phần, không bố trí kinh phí thực hiện. Đại biểu cũng đề nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát kết quả thực hiện các chương trình, đề án của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, các cơ chế, chính sách đã được HĐND tỉnh nghị quyết, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, đề án của tỉnh. |
Tạo điều kiện để người dân sớm tiếp cận được nhà ở xã hội Đại biểu Trịnh Thị Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa. Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Trịnh Thị Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh dẫn số liệu: Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án xây dựng nhà ở xã hội đã được cấp phép xây dựng, khởi công xây dựng, với số lượng khoảng 8.748 căn hộ; trong đó, đã đưa vào sử dụng 2.197 căn. Để tạo điều kiện để người dân sớm tiếp cận được với nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị cần có cơ chế, nguồn lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đoàn viên, hội viên, người dân biết về các dự án nhà ở xã hội đang xây dựng và mở bán. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cần sớm cân đối nguồn địa phương (bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội) để các đối tượng đủ điều kiện được thuê, mua nhà ở xã hội. Cơ quan chức năng cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, khảo sát đối tượng mua nhà ở xã hội nhằm đảm bảo đúng đối tượng; xác định giá và các chính sách ưu đãi hỗ trợ người lao động (nếu có) đã phù hợp với thu nhập của người lao động hay chưa. Đại biểu nhấn mạnh: Nếu làm tốt hạ tầng kỹ thuật sẽ thu hút được doanh nghiệp và nếu đầu tư được hạ tầng nhà ở xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp để người lao động yên tâm cống hiến, thì sẽ thu hút được lực lượng lao động về làm việc tại tỉnh. |
Quan tâm tăng nguồn vốn vay hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế Đại biểu Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn. Theo đại biểu Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn, trong những năm qua phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và được lan tỏa rộng rãi. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.000 mô hình thanh niên khởi nghiệp hoạt động hiệu quả. Qua khảo sát cho thấy, nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của thanh niên có ý tưởng, dự án, khởi nghiệp sáng tạo khả thi năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 95,7 tỷ đồng, năm 2024 là 50 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên, khởi nghiệp, lập nghiệp hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh qua Ngân hàng Chính sách xã hội mới đạt 4,4%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (12,6%). Trong khi đó, nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại lãi suất cao; việc tiếp cận các nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn do thanh niên tuổi đời còn trẻ, chưa có tài sản thế chấp. Đại biểu kiến nghị HĐND tỉnh quan tâm tăng nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách tỉnh qua Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng thêm các nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên nói riêng, người dân nói chung được tiếp cận vay vốn phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Đề nghị HĐND rà soát, tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản, kế hoạch về công tác đào tạo và dạy nghề; rà soát, chỉnh sửa danh mục ngành nghề đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; chuẩn hóa và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nghề; triển khai cơ chế hợp tác giữa trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu với các tổ chức kinh tế; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn. |
Kiến nghị dành một phần từ nguồn tăng thu để tạo sinh kế cho người dân Đại biểu Lê Hữu Quyền, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa Theo đại biểu Lê Hữu Quyền, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, những năm qua thu ngân sách của tỉnh luôn vượt, từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, du lịch để nuôi dưỡng nguồn thu cho tương lai và một phần đầu tư cho kết cấu hạ tầng xã hội như đường, trường, trạm để người dân trong tỉnh được thụ hưởng những thành quả phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ; một bộ phận người dân không còn đất để sản xuất hoặc không thể tham gia vào thị trường lao động; một bộ phận tham gia vào thị trường lao động nhưng bị sa thải do nhiều nguyên nhân, nhất là lao động nữ ngành may mặc và giầy da đã và đang ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đại biểu đề nghị tỉnh cần quan tâm dành một phần từ nguồn tăng thu để tạo sinh kế cho người dân. Đại biểu cho biết, năm 2024 vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho gần 12.000 lao động; xây dựng, cải tạo, nâng cấp gần 67.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ mua, xây mới, sửa chữa, cải tạo hơn 100 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp... góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả này cho thấy chính sách tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội đang là điểm sáng trong các chính sách an sinh xã hội những năm qua, chính sách này đã “đúng” và “trúng” với nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. |
Đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu cuối phiên thảo luận.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, thay mặt Đoàn chủ tọa kỳ họp, đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao 21 ý kiến của các đại biểu tham gia đóng góp vào báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của UBND tỉnh năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; các báo cáo giám sát của các Ban HĐND tỉnh; các tờ trình trình tại kỳ họp.
Nhiều ý kiến có chất lượng, thảo luận sâu sắc, làm nổi bật những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đạt được năm 2024, các đại biểu cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế; phân tích, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện và đề xuất, kiến nghị tỉnh nhiều vấn đề nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và những năm tiếp theo.
Nhóm PV
{name} - {time}
-
2024-12-13 14:51:00
Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Xuân Phúc
-
2024-12-13 14:03:00
Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII: Chất vấn và trả lời chất vấn nhiều nội dung cử tri và đại biểu quan tâm
-
2024-12-13 10:50:00
Thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Triệu Sơn đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2024
Nỗ lực hết sức đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám về phòng, chống rửa tiền
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 13/12/2024
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 13/12
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 13/12/2024
Bộ Nội vụ phản bác thông tin không chính xác về chế độ chính sách đối với cán bộ
LĐLĐ huyện Thiệu Hoá quan tâm chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 12/12
[Bản tin 18h] Bộ Y tế chính thức thông tin về dịch bệnh “bí ẩn” ở Congo
Quyết tâm “gỡ vướng” cho các dự án điện năng lượng tái tạo