Ngày 1/4/1954:
Bộ đội ta giành giật với địch từng tấc đất trên đồi A1,
tiêu diệt cứ điểm 106
Tiếp tục tiến công A1
5 giờ sáng, hai xe tăng địch và quân tiếp viện xuất hiện. Lúc này, lực lượng tại chỗ và tiếp viện được tổ chức lại, dựa vào xe tăng xông lên phản kích hòng đánh bật ta ra khỏi cứ điểm. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, các ụ súng, chiến hào đều bị đạn bom cày nát. Trong ngày 1/4, địch tổ chức 3 đợt xung phong, nhưng đều bị Trung đoàn 102 đẩy lui, hàng trăm lính dù bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Đêm 1/4, sau khi được bổ sung đầy đủ lực lượng, Trung đoàn 102 tổ chức đợt tiến công thứ 3 về phía hầm ngầm trên đồi A1. Địch chống cự quyết liệt. Ta đột kích mạnh vào khu hầm ngầm cố thủ, nhưng không tìm được cửa hầm. Do hỏa lực địch chế áp mạnh, ta buộc phải rút về tuyến phòng ngự. Trong những ngày tiếp theo, mỗi bên chiếm giữ một nửa cứ điểm, ta ở nửa phía đông, địch chiếm phần phía tây cứ điểm.
Tiến công tiêu diệt cứ diểm 106
Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trong lúc Trung đoàn 102 đang chiến đấu trên đồi A1 thì Trung đoàn 36 cũng nhận được lệnh chuyển từ uy hiếp sang tiến công tiêu diệt cứ điểm 106. Lúc này chiến hào ta chỉ còn cách hàng rào dây thép gai cứ điểm 106 khoảng 50m. 18 giờ 30 phút, cuộc tiến công cứ điểm l06 bắt đầu. Hỏa lực đồng loạt bắn phá mãnh liệt vào cứ điểm, đặc biệt tập trung bắn phá trên hướng tấn công chủ yếu.
Sau một loạt pháo 105mm bắn dồn dập, Tiểu đoàn 80 của Trung đoàn 36 đã vận động tới sát nút hào cuối cùng. Đại đội đi đầu lập tức lao bộc phá mở cửa. Do hệ thống phòng ngự trong cứ điểm suy yếu, đại đội chủ công của Tiểu đoàn 88 xông thẳng vào sở chỉ huy, bắt sống tên Trung úy đồn trưởng. Địch trong khu A rút sang khu B với ý định pháo ta dứt thì quay lại, nhưng Tiểu đoàn 80 chủ công của trung đoàn đã nhanh chóng đánh chiếm khu A và từ đó tiến thẳng sang khu B theo đường hào trong cứ điểm diệt địch, bắt sống được 33 tên.
Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Tại khu C, địch dựa vào lô cốt, hầm hào chống cự quyết liệt, nhưng cuối cùng đều bị ta vô hiệu hóa. Trận chiến đấu diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 30 phút Trung đoàn 36 đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm 106, tiêu diệt và bắt sống 160 tên lính Lê dương. Trong trận này, Trung đoàn 36 đã sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn, tiêu diệt nhanh gọn cứ điểm 106. Sáng kiến của Trung đoàn đã được phổ biến ra toàn mặt trận Điện Biên Phủ cùng học tập và vận dụng.
Phía địch:
Nava quyết định đưa thêm 3 tiểu đoàn dù tăng viện cho Điện Biên Phủ với hy vọng: “Nếu Điện Biên Phủ giữ được 3 ngày nữa, Việt Minh sẽ phải bỏ cuộc”. Máy bay Pháp bắt đầu thả dù ban đêm tăng viện cho Điện Biên Phủ. Nhưng mới thả được 1 trung đội thì phải ngừng vì pháo sáng soi rõ bãi thả, trở thành mục tiêu cho bộ đội ta tiêu diệt.
Giữa lúc bom lửa ác liệt nơi chảo lửa Điện Biên, mùa mưa ập đến như sự thử thách cho quyết tâm vượt khó của chiến sĩ ta. Gian khổ chồng gian khổ, nhưng không gian khổ nào át được tinh thần lao động, ý chí giệt giặc cứu nước của quân và dân ta.
Một phần ký ức đầy xúc động trong những ngày tháng khó quên đó đã được miêu tả thật chân thực và giàu cảm xúc trong cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (2014): “Trong đợt hai của chiến dịch, thời tiết đã chuyển vào mùa mưa. Máy bay địch liên tục đánh phá các đường giao thông tiếp tế của ta nhằm cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Đường ra mặt trận bị mưa và bị bom đạn địch phá hoại, trở nên sụt lở, lầy lún nghiêm trọng. Việc tiếp tế bị giảm sút, gạo nhập kho có ngày chưa đầy 1.000kg, có khẩu pháo chỉ còn bảy viên đạn. Bảo đảm giao thông vận chuyển trở thành nhiệm vụ cấp bách có ý nghĩa quyết định đối với việc duy trì và phát triển chiến dịch. Để giữ vững hệ thống cầu đường, việc chống lấy lún có khối lượng lớn nhất, nặng nề nhất vì có tới 122km đường bị lầy lún nghiêm trọng.
Ngày 1/4/1954, Trung đoàn công binh 151 được tăng cường 750 dân công, ngày 19.4 thêm 2.000 dân công và ngày 26/4 thêm 2.700 dân công. Sau đó, cứ ba ngày lại có thêm dân công lên mặt đường, nhưng vẫn chưa đủ lực lượng chống lầy lún. Một số đơn vị bộ binh cũng được điều động ra mặt đường. Cán bộ, nhân viên các cơ quan Bộ Chỉ huy mặt trận, các đại đoàn cũng được huy động đi chặt gỗ chống lầy. Hơn một nửa lực lượng của ta ở Điện Biên Phủ ngày đêm bám đường hót bùn, chặt gỗ, đóng cọc, lót cây...
Hàng vạn con người lao động với cường độ rất cao. Ban ngày đi chặt gỗ, phá đá vận chuyển đến gần đường. Ban đêm vừa vét bùn đổ đá, lát cây, vừa hộ tống xe đi, rồi phá bom, lấp hố bom... Trung bình mỗi người làm việc 16 đến 18 giờ trong một ngày và liên tục ngày này sang ngày khác… Tiếng hò, tiếng hát đầy lạc quan hoà vang cùng tiếng đục đá, chặt cây, nổ mìn, tạo thành âm thanh mới của bài ca lao động thắng địch, thắng trời giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ”.
Ngày xuất bản: 1/4/2024
Nội dung: Trung tá, NGUYỄN QUỐC HÙNG, Viện Lịch sử quân sự, NGỌC TOẢN THU
Ảnh: TTXVN
Trình bày: VŨ HẢI