(Baothanhhoa.vn) - Nước sạch có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần duy trì và phát triển an sinh xã hội. Bảo đảm cấp nước an toàn (CNAT) trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Việc cung cấp và tiêu thụ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh tại khu vực đô thị, khu công nghiệp..., đều phải thực hiện bảo đảm CNAT và quyền lợi cho người sử dụng nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực trạng cấp nước an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay

Nước sạch có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần duy trì và phát triển an sinh xã hội. Bảo đảm cấp nước an toàn (CNAT) trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Việc cung cấp và tiêu thụ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh tại khu vực đô thị, khu công nghiệp..., đều phải thực hiện bảo đảm CNAT và quyền lợi cho người sử dụng nước.

Thực trạng cấp nước an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay

Trạm cung cấp nước sạch Thiệu Đô (Thiệu Hóa).

Ngày 1-2-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) CNAT cấp tỉnh và quy chế hoạt động của BCĐ. Việc thành lập BCĐ CNAT tỉnh đã giúp việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch CNAT đi vào nền nếp hơn, có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý về cấp nước trên địa bàn. Nhờ có sự chỉ đạo thống nhất nên tỷ lệ thất thoát giảm, chất lượng nước được cải thiện, người dân được hưởng lợi. Đến tháng 5-2019, toàn tỉnh có 31 đô thị, gồm 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 28 đô thị loại V, 1 khu kinh tế. Hệ thống cấp nước đô thị tập trung phục vụ khoảng 760.452 người, tổng công suất cấp nước là 133.960 m3/ngày đêm, tỷ lệ cấp nước sinh hoạt đạt 91%. Trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch lớn, chi phối hoạt động cung cấp nước sạch của tỉnh là: Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa và Trung tâm Nước sạch sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa. Công suất của 2 đơn vị này chiếm 90% lượng nước sạch cấp cho người sử dụng toàn tỉnh. Đến nay, 2 đơn vị cấp nước đã lập kế hoạch CNAT và trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Theo đó, Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa có 11 hệ thống, cấp nước cho các đô thị lớn: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn và 8 đô thị vùng phụ cận, tổng công suất 104.150 m3/ngày đêm; Trung tâm Nước sạch sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa có 5 hệ thống, cấp nước cho 2 thị trấn, 4 xã, tổng công suất cấp nước 3.480 m3/ngày đêm.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch CNAT giúp cho các đơn vị cấp nước chủ động kiểm soát từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ; các cơ quan chức năng có căn cứ để kiểm tra, giám sát, bảo đảm nước sạch cung cấp cho người sử dụng đạt tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh. Đến thời điểm hiện tại, trên toàn tỉnh đã thu hút được nhiều các doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động cấp nước, như: Nhà máy nước Bình Minh, Nhà máy nước Việt Thanh VNC...; tuy nhiên, các đơn vị này chưa lập kế hoạch CNAT. Hiện 2 đơn vị cấp nước lớn của tỉnh đã xây dựng đội ngũ CNAT với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Tuy nhiên, số lượng cán bộ chuyên môn cao trong các đơn vị chưa nhiều, đội ngũ cán bộ thực hiện CNAT chưa chuyên nghiệp, chưa được tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo nâng cao... Hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau, có hệ thống được đầu tư xây dựng từ thời Pháp thuộc. Tuy đã được sửa chữa nhiều lần nhưng có một số tuyến ống chính có chất lượng ống và mối nối kém và nằm trong lòng các công trình kiến trúc, dưới gốc cây cổ thụ, gây mất an toàn, khó quản lý và xử lý phức tạp khi có sự cố dẫn đến việc khó kiểm soát và khắc phục, làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn cấp nước cho toàn bộ hệ thống. Công tác lập, chỉnh trang đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị ở một số địa phương cấp huyện chưa thật sự tốt, nhiều tuyến ống dịch vụ hầu hết sử dụng ống PVC và ống HDPE (khoảng 90%). Các tuyến ống này do quy hoạch đường phố thiếu đồng bộ, do vậy giữa hành lang bảo vệ của các tuyến ống và vị trí trồng cây xanh đường phố, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác bị chồng chéo, hệ thống đường ống bị các gốc cây phát triển làm hư hỏng, gây khó khăn trong công tác bảo đảm an toàn công trình cấp nước. Ngoài ra, mặc dù đã có quy chế hoạt động nhưng các thành viên BCĐ CNAT tỉnh là lãnh đạo các sở, ngành, hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm. Hầu hết các thành viên trong BCĐ CNAT đồng thời là thành viên BCĐ khác của tỉnh nên khi phối hợp thực hiện nhiệm vụ hay bị chồng chéo hoặc trùng với nhiệm vụ khác.

Để bảo đảm CNAT trên địa bàn tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, cho biết: Sở tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ CNAT tỉnh. Trước hết tham mưu kiện toàn BCĐ CNAT tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cấp nước kiện toàn ban, đội CNAT. Trong đó, bổ sung thêm nhiệm vụ chống thất thoát, thất thu nước sạch theo Quyết định 1566/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hướng dẫn các đơn vị cấp nước lập kế hoạch CNAT và chống thất thoát, thất thu nước sạch của hệ thống cấp nước do đơn vị quản lý. Tăng cường năng lực quản lý, trách nhiệm quản lý gắn liền với tuyên truyền, vận động, giáo dục cộng đồng và yêu cầu tất cả các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh trên địa bàn đều phải lập kế hoạch CNAT. Xây dựng cơ chế khoán tỷ lệ thất thoát, thất thu nước cho từng đơn vị theo lộ trình của kế hoạch CNAT và chống thất thu, thất thoát nước sạch.

Triển khai các nhiệm vụ điều tra, lập danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong quá trình lập quy hoạch, chấp thuận chủ trương dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước, các cơ quan chuyên môn cần ưu tiên xem xét đến các yếu tố về khoảng cách, hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép, bảo đảm các dự án không làm ảnh hưởng đến nguồn nước. BCĐ CNAT tỉnh định kỳ kiểm tra, đánh giá thực hiện kế hoạch CNAT và thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn. Xử lý và kiến nghị xử lý các hoạt động trái quy định vi phạm đến hoạt động CNAT và thất thoát, thất thu nước sạch. Để giảm tỷ lệ thất thoát chung theo mục tiêu đến năm 2025, không chỉ tiến hành chống thất thoát ở trên các mạng lưới đường ống đã xây dựng và đang tồn tại mà còn phải bắt đầu chống thất thoát ngay ở các tuyến ống đang được xây dựng và sẽ xây dựng. Yêu cầu các đơn vị cấp nước triển khai thiết kế dự án ngoài việc tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ động phân vùng tách mạng, lắp đặt đủ van khóa, thiết bị... còn phải cập nhật quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt để bảo đảm việc kiểm soát giảm thất thoát và CNAT.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]