(Baothanhhoa.vn) - Trong các lần công tác và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đều đề cập đến việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh. Đó là một gợi ý cho hướng đi phù hợp với phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị kinh tế cao. Trên thực tế, Thanh Hóa đã có một số sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, vấn đề là khâu tổ chức sản xuất quy mô lớn cũng như quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đến đâu...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sản phẩm nông nghiệp đặc hữu – hướng đi mới của nông nghiệp hiện đại

Trong các lần công tác và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đều đề cập đến việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh. Đó là một gợi ý cho hướng đi phù hợp với phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị kinh tế cao. Trên thực tế, Thanh Hóa đã có một số sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, vấn đề là khâu tổ chức sản xuất quy mô lớn cũng như quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đến đâu...

Sản phẩm nông nghiệp đặc hữu – hướng đi mới của nông nghiệp hiện đạiBưởi Luận Văn (Thọ Xuân).

Sản phẩm nông nghiệp đặc hữu – một khái niệm còn khá mới với nhiều người. Có thể hiểu đó là sản phẩm từ một loài cây hoặc con chỉ sống và tồn tại ở riêng một khu vực địa lý, trong một không gian với điều kiện về đất, nước, khí hậu riêng của vùng. Theo lý thuyết và thực tiễn về mặt thương mại, thì khi một quốc gia hoặc vùng đất nào đó sở hữu riêng có một loại sản phẩm nông nghiệp đặc hữu mà các quốc gia hoặc vùng đất khác không thể có hoặc có lợi thế kém hơn hẳn, thì nơi sở hữu sản phẩm đặc hữu sẽ có lợi thế tuyệt đối trong cạnh tranh. Hay nói cách khác, quốc gia hay vùng đất có sản phẩm đặc hữu sẽ độc quyền riêng một loại sản phẩm. Chính tính “độc quyền” ấy là lợi thế, là điều kiện số một cho địa phương ấy phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế siêu cao. Tại Việt Nam cũng như tỉnh Thanh Hóa lâu nay, khái niệm sản phẩm “đặc sản” của từng vùng miền cũng na ná sản phẩm nông nghiệp đặc hữu. Từ đó, nhiều địa phương cũng đã phát triển được một số sản phẩm đặc trưng của mình thành hàng hóa. Bưởi Luận Văn (Thọ Xuân), mắm tôm Hậu Lộc, nước mắm Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), mắm tép Hà Yên (Hà Trung), mía tím Kim Tân (Thạch Thành), vịt Cổ Lũng (Bá Thước)... là những sản phẩm như thế.

Có thể nhắc đến một điển hình sản phẩm nông nghiệp đặc hữu đã phát triển thành công về mặt thương mại toàn cầu là thịt bò Kobe. Trên thế giới, hầu như nơi nào, nước nào cũng nuôi bò và có thịt bò. Nhưng người Nhật Bản đã phát triển đại trà loài bò đặc hữu của mình, cộng với thành công về mặt quảng bá và xây dựng thương hiệu nên thịt bò Kobe được cả thế giới biết đến và coi là đặc sản quý. Mỗi kg thịt bò Kobe tính theo tiền Việt cũng có giá từ hàng triệu đến hàng chục triệu đồng, cao hơn nhiều so với giá nhiều loại thịt bò khác trên thế giới. Rõ ràng, người Nhật Bản đã biết tận dụng lợi thế đặc thù của sản phẩm để đưa nó vượt ra các khuôn khổ cạnh tranh về giá so với những sản phẩm thịt bò thông thường khác.

Tại tỉnh Thanh Hóa, một số sản phẩm nông nghiệp đặc hữu đã và đang được manh nha phát triển thành sản phẩm hàng hóa quy mô lớn. Nhiều sản phẩm bước đầu cũng đã gặt hái được thành công, mang lại thu nhập khá cao cho người dân. Điển hình trong số đó phải kể đến vùng trồng đào phai hoa kép xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương. Từ chỗ gần như tuyệt chủng khi chỉ còn vài cây đào gốc sót lại trong một số nhà dân, cách đây khoảng 10 năm, một số người trong xã đã dần phát triển giống đào đặc hữu này để làm cảnh. Khác với đào phai ở những nơi khác chỉ có 5 cánh, đào phai hoa kép Quảng Chính thường từ 22 đến 28 cánh. Nhiều bông đào cá biệt, được chăm sóc tốt có thể có tới 36 đến 40 cánh. Do cánh xếp thành các lớp dày, nên nhìn từ xa, màu sắc của loại đào cổ này thắm đậm hơn nhiều. Nét riêng nữa của đào Quảng Chính là hoa to, cánh dày, lâu tàn. Ông Lâm Văn Đô, người trồng đào ở thôn Xuân trong xã, cho biết: So với đào phai bình thường, thì giống đào hoa kép Quảng Chính có sắc thắm và hoa to hơn nhiều. Một ưu điểm khác khiến người chơi đào tết rất thích là hoa nở lâu, tiếp tục ra các lứa hoa mới đến hết tháng Giêng. Có gia đình chặt cành chơi tết, chỉ cần cắm lọ nước mà cành lá vẫn xanh đến khi quả đào to gần bằng ngón chân cái.

Điều đáng nói, giống đào quý này có thể trồng ở nhiều nơi, nhưng hoa chỉ đẹp và thắm nếu được trồng trên vùng đất Quảng Chính. Điều kiện khí hậu và chất đất nơi đây mới hợp với giống đào phai hoa kép đặc trưng này. Anh Nguyễn Tiến Sửu, chủ vườn đào lớn nhất thôn Phú Lương trong xã, đồng thời là người cung ứng và cho thuê đào đi khắp tỉnh vào mỗi dịp tết, cho biết: Cách đây vài năm, đã có người đưa hàng trăm gốc đào Quảng Chính lên vùng núi huyện Như Thanh trồng thử nghiệm, nhưng ít hoa, sắc không thắm do không hợp thổ nhưỡng. Nhiều gia đình nơi khác trồng gốc sau khi mua chơi tết, nhưng năm sau ra hoa thì hoa bé hơn nhiều khi trồng tại xã Quảng Chính. Đó cũng là lý do, nhiều dân chơi đào phải cất công tìm về tận địa phương để mua được sản phẩm cây cảnh đặc trưng này. Gần chục năm nay, càng có nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến giống đào quý này. Người dân các thôn trong xã đã đưa cây đào xuống cả ruộng màu, phát triển khắp vườn nhà, ven đường với tổng diện tích toàn xã hàng chục héc–ta. Quảng Chính hiện đã trở thành vùng chuyên canh đào hàng hóa, cho tổng thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Có thể khẳng định, đào phai hoa kép Quảng Chính – một sản phẩm nông nghiệp đặc hữu được phát triển thành công bước đầu và còn nhiều cơ hội tiếp tục phát triển.

Tương tự, sản phẩm vịt Cổ Lũng của xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước có chất lượng thịt thơm ngon nhất khi được nuôi ven dòng suối Hiêu chảy qua địa phương. Gắn với phát triển du lịch cộng đồng Pù Luông, giống vịt chân ngắn, cổ rụt này đã được nhiều thực khách biết đến. Sản phẩm vịt thịt nơi đây cũng đã được nhiều người ở các nơi tìm mua, chứng tỏ những đặc thù riêng đã làm nên giá trị của vịt Cổ Lũng. Ngoài ra, có thể liệt kê được hàng chục sản phẩm khác trên địa bàn tỉnh mang đặc thù theo từng vùng miền. Nhiều sản phẩm trong số đó phát triển thành các sản phẩm hàng hóa, nhưng nhiều sản phẩm vẫn là những thứ chỉ được biết trong một vùng nhỏ hẹp như quýt vòi Bá Thước, chè Sánh Lược (Thọ Xuân), chè Vằng ở các dãy núi phía Nam thị xã Nghi Sơn, dầu sở Hà Dương (Hà Trung)...

Với những sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, cần lưu ý đến những cách thức nuôi trồng và chế biến riêng. Cùng với đó, là công tác quảng bá cần đúng trọng tâm, để cho người dùng thấy được giá trị, những đặc trưng riêng về chất lượng, các khâu chăm sóc và chế biến sản phẩm. Khi triển khai hiệu quả các yếu tố này để phát triển sản phẩm theo quy mô lớn, sẽ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng vượt trội hơn hẳn và đương nhiên sẽ có giá trị kinh tế cao hơn nhiều.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]