Hơn 1 thập kỷ triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng là chừng ấy thời gian, huyện Triệu Sơn miệt mài với công cuộc vận động Nhân dân hiến đất, mở rộng đường giao thông. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường mở rộng chưa được bao lâu thì lại phải “chạy” theo chuẩn mới. Còn người dân thì liên tục xoay vần trong “vòng tròn” hiến đất - mở đường, mở đường - cần hiến đất. Hàng trăm hộ dân không dưới đôi ba lần hy sinh của nả hiến đất mở đường. Tinh thần sẵn sàng trong họ không có gì để bàn, nhưng sự băn khoăn, thậm chí là mệt mỏi, có đôi khi không phải là không có.
Để “đón đầu” sự phát triển và tránh “khoan sâu” vào sức dân thay vì phải “khoan thư”, Nghị quyết 12-NQ/HU, ngày 22-7-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Triệu Sơn” (gọi tắt là Nghị quyết 12-NQ/HU) đã ra đời và được kỳ vọng sẽ “hóa giải” được “nan đề” mở rộng 1.066 km đường giao thông trên địa bàn. Nghị quyết 12-NQ/HU đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hệ thống giao thông nông thôn cơ bản được mở rộng, nâng cấp, xây dựng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Từ đó, tạo tiền đề đến năm 2025, Triệu Sơn là một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2030.
Nghị quyết 12-NQ/HU thể hiện “tham vọng” và quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Sơn khi đề ra các mục tiêu mở rộng đường vượt qua cả tiêu chí đường NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thậm chí “vượt ngưỡng” tiêu chí đường đô thị. Cụ thể, đường huyện rộng từ 10,5m trở lên; đường xã rộng từ 7,5 m trở lên; đường thôn rộng từ 6,5 m trở lên; đường ngõ xóm rộng từ 4,5 m trở lên. Trong khi, theo Quyết định 932/QĐ-BGTVT về việc ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí về giao thông thuộc bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM/xã NTM nâng cao và huyện NTM/huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường cấp A, B (đường huyện, thôn) có chiều rộng mặt đường tối thiểu là 3,5 m.
Mặc dù vậy, thách thức đặt ra khi triển khai Nghị quyết 12-NQ/HU đối với huyện Triệu Sơn là không nhỏ. Bởi lẽ, người dân vừa trải qua một cuộc “tổng động viên”, nhằm hoàn thành tiêu chí giao thông, để cán đích huyện NTM vào năm 2020 – sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Trước thách thức đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Sơn đã thống nhất quan điểm: lấy việc “vận động Nhân dân hiến đất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy từ nay đến năm 2025”. Đồng thời, đưa nội dung này vào các cuộc sinh hoạt chi bộ, họp dân để thảo luận, bàn bạc gắn với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; “Nhân dân đồng thuận làm trước, Nhân dân chưa đồng thuận làm sau”. Bên cạnh đó, huyện kết hợp giữa hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với đóng góp của Nhân dân, để vừa tạo động lực cho dân, vừa khơi nguồn lực trong dân.
Chỉ sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU, phong trào hiến đất mở rộng đường đã thực sự trở thành một “cao trào” ở Triệu Sơn. Tính đến ngày 30-9-2023, 100% xã, thị trấn đã triển khai Nghị quyết, với 248/254 thôn, khu phố, 11.366 hộ dân tham gia hiến đất. Tổng chiều dài các tuyến đường người dân đã hiến là hơn 352 km với tổng diện tích hơn 356.000 m2(trên 35 ha), đạt gần 60% mục tiêu Nghị quyết đề ra (600 km). Cùng với việc tự nguyện hiến đất, các hộ dân còn tự nguyện bỏ kinh phí để phá dỡ công trình và xây dựng lại tường rào theo mẫu chung để tạo cảnh quan, xây dựng cổng, di chuyển cây cối… với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đồng chí Lê Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Triệu Sơn, cho biết: “Trước khi Nghị quyết 12-NQ/HU được ban hành, Nhân dân Triệu Sơn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Do đó, khi Nghị quyết 12-NQ/HU được ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và mang lại kết quả bất ngờ. Nếu không tính tiền đất đã hiến mà chỉ tính riêng tiền người dân bỏ ra để phá dỡ, xây lại các công trình và hoàn lại mặt bằng đã lên đến hơn 900 tỷ đồng. Con số này tương tương với tổng số tiền huyện Triệu Sơn vận động Nhân dân đóng góp xây dựng NTM giai đoạn 2012- 2020 (hơn 960 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông…).
Với tư duy “đi trước”, “đón đầu” và cách làm sáng tạo, hiệu quả, cuộc vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông theo Nghị quyết 12-NQ/HU ở Triệu Sơn, đã thực sự tạo ra một “cuộc cách mạng” cả về nhận thức lẫn hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Đó là một “cuộc cách mạng” mang đến những đổi thay tích cực và dần tạo ra những giá trị mới, gắn với công cuộc mở đường có tính ổn định, lâu dài. Từ đó, đưa công cuộc xây dựng NTM ở Triệu Sơn tiệm cận dần các giá trị cao hơn về chất với diện mạo NTM văn minh, hiện đại và đáng sống.
Nghị quyết 12-NQ/HU đang giúp hình thành nên những “con đường 12” . Đó là những con đường của mồ hôi, công sức, của tinh thần cộng đồng trách nhiệm và hơn hết là của khát khao đổi mới của chính người dân nơi đây. Để rồi đây, những “con đường 12” ấy cũng ví như những “đại lộ” thênh thang, sẽ dẫn lối họ đến gần hơn với tương lai tươi mới.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nằm gần cuối con đường - nơi chủ nhân của nó vẫn thường được nhắc đến trong câu chuyện hiến đất của người dân thôn Tiến Thành, xã Hợp Lý. Chuyện là vào thời điểm địa phương phát động hiến đất, gia đình ông Nguyễn Quốc Huy vừa xây gian nhà rộng hơn 20 m2, cùng hệ thống công trình phụ, với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Gian nhà chuẩn bị để con trai cưới vợ, nên ông Huy dành không ít tâm huyết. Ấy thế mà, khi địa phương đến vận động, sau một hồi đắn đo suy nghĩ, gia đình ông đã đồng lòng phá dỡ gian nhà, cùng với 2 công trình phụ, tường rào có tổng chiều dài 27 m để hiến đất mở đường. Với hơn 40 m2 đất đã hiến, nếu tính cả tiền đất, tiền công trình phá dỡ, tiền hoàn trả mặt bằng, tiền xây tường rào, thì tổng số tiền gia đình ông Huy phải bỏ ra là hơn 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ: “Ban đầu, nghĩ đến tài sản thiệt hại tôi cũng tiếc lắm, nhưng nếu không phá nhà thì đường không thể mở rộng được. Vì sự nghiệp chung, gia đình tôi đã quyết tâm phá nhà, hiến đất. Lúc đầu tiếc của bao nhiêu thì giờ thấy đường được mở rộng thông thoáng, sạch đẹp để con cháu được hưởng lợi, tôi lại vui mừng bấy nhiêu. Thêm nữa, trong sự phát triển của quê hương có chút đóng góp của gia đình, tôi cũng thấy hãnh diện phần nào”.
Về xã Dân Quyền hỏi chuyện hiến đất mở đường, người dân thôn 6 lại xuýt xoa khen ngợi ông Lê Gia Khoa và càng tấm tắc trước sự hy sinh của gia đình ông vì lợi ích chung của cộng đồng. Hai vợ chồng ông Khoa sống trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, rộng khoảng 30 m2. Song, đó chỉ là phần còn lại của toàn bộ khu nhà đã bị phá dỡ để hiến đất làm đường.
Ông Khoa kể: “Tôi đã phá dỡ ngôi nhà ngang 3 gian và công trình phụ. Toàn bộ diện tích đất rộng khoảng 150 m2 tôi đã hiến cho thôn để mở thông con đường, giúp bà con không phải đi đường vòng mỗi lần muốn ra đường lớn”. Hiến 150 m2 đất, có trị giá lên đến 500 triệu đồng, với hộ dân có điều kiện kinh tế không lấy gì làm dư dả như hộ ông Khoa, tưởng chừng là điều… không tưởng. Ấy thế nhưng, giữa đời thường vẫn luôn có những tấm gương rất đáng trân trọng như vậy. Họ hy sinh lặng lẽ với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến vào… ngày mai. Và chúng tôi xin gọi họ là “những trái tim thắp lửa” – bình dị và cao quý giữa đời thường!
Nghị quyết 12-NQ/HU đã và đang tạo nên một “làn sóng” hiến đất mạnh mẽ, từ đó, khơi dậy nguồn lực trong dân, mang lại lợi ích thiết thực cho dân, góp phần đưa công cuộc xây dựng NTM ở Triệu Sơn dần đi vào thực chất và hiệu quả. Vậy nên, về Triệu Sơn, không “cẩn thận” những vị khách phương xa có thể “lạc chân” vào những tuyến phố trong làng. Ví như, con đường thôn Đông Thành rộng tới 11 m, đủ khiến nhiều người “choáng” vì tốc độ và mức độ dám “đi trước”, “đón đầu” của cấp ủy, chính quyền xã Hợp Lý. Nhìn con đường rộng thênh thang dài chừng 1 km trước mắt, ông Lê Xuân Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Đông Thành, lại cảm khái về những ngày con đường chỉ rộng vẻn vẹn 2,5m, mỗi khi vào vụ thu hoạch là nào người, nào xe tắc ứ đến phát hoảng. Rồi những nhà có điều kiện, con cháu đi làm ăn xa hay ở phố về có cái ô tô cũng phải để tít ngoài đường cái.
Thế nên, khi chính quyền đến vận động mở rộng con đường lên 7,5 m, người dân đều đồng thuận. Sau này, khi tiếp tục vận động bà con hiến đất mở rộng đường theo Nghị quyết 12-NQ/HU, ban đầu bà con cũng có người băn khoăn vì đường vừa mở chưa lâu. Nhưng vì trù tính cho tương lai lâu dài, khi nghề chính của thôn là trồng hoa, cây cảnh thì càng cần phải đẩy mạnh giao thương, buôn bán. Cho nên, 52 hộ dân nằm dọc con đường đã một lần nữa phá tường, đập cổng, hiến đất tiếp tục mở rộng đường. Giờ đây, con đường thôn rộng tới 11 m đã trở thành “con đường điểm”, “con đường mẫu” của thôn Đông Thành và của xã NTM Hợp Lý.
Không được thênh thang như “con đường mẫu” Đông Thành; nhưng bù lại, con đường thôn 6, xã Thọ Vực lại đẹp đến nao lòng. Cái vẻ đẹp làng quê man mác của ca dao, tục ngữ đã hằn vào tâm trí thế hệ trước; đã thành lời ru bên cánh võng trưa hè mà thấm đẫm tâm hồn tuổi thơ những kẻ sinh ra từ làng. Ai đã từng nói, cổng làng là nơi níu lại bước chân kẻ xa xứ; ao làng cất chứa lời thì thầm tuổi dậy thì, nơi trăng 16 soi vội những e ấp thẹn thùng... Đi qua những mùa trăng, con người rồi sẽ lớn lên, sẽ thay đổi.
Theo nhịp CNH, HĐH, làng quê cũng ngày càng thay da đổi thịt. Nhưng có những giá trị - có đôi khi không thể gọi thành tên, không thể cân đong đo đếm bằng các bộ công cụ đo lường – thì vẫn mặc nhiên tồn tại, khi mạnh mẽ, lúc âm thầm. Ví như phong tục tập quán, tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn. Ví như niềm cộng hưởng, cộng cảm, hay tình yêu với làng quê đã in hằn lên con đường, hay là con đường đã trở thành chứng nhân về những đổi thay, thay đổi của làng. Đó là những giá trị bất biến đã trở thành “mỏ neo” để níu giữ lại “mảnh hồn làng”, để những người con xa xứ không bao giờ được phép quên đi nguồn cội tiên tổ… Đó cũng là cảm nhận, là cảm giác của những vị khách phương xa khi một lần được bước chân trên con đường làng vừa truyền thống, thân thuộc, lại vừa mới mẻ và giàu sức sống này.
Có thể nói, nhờ có những “con đường 12” thênh thang ta bước ấy mà “con đường” hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Triệu Sơn cũng ngày càng thêm rộng mở. Vậy mới càng thấm thía lời căn dặn của Bác Hồ, rằng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”!
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ. Tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường, và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm. Tinh thần trách nhiệm là gắn liền chính sách và đường lối quần chúng, để làm trọn nhiệm vụ”. Sự ra đời của những “con đường 12”, trước hết là nhờ những tấm gương hiến đất điển hình. Song, phía sau họ càng cần nhắc đến những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm vì công việc chung, vì lợi ích cộng đồng.
Những ngày làm đường nắng như đổ lửa, người dân thôn 5, xã Thọ Tiến đã quá quen thuộc với hình ảnh vị Bí thư Đảng ủy xã xắn tay cùng người dân phá tường rào, chặt cây, rồi thì tay bay, tay cuốc xây tường, đổ bê tông… không nề hà bất kỳ việc gì. Ông Trịnh Văn Hà, người dân trong thôn chia sẻ. “Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Thanh rất nhiệt tình. Mỗi khi đến với dân đều “thủ sẵn” 6-7 cái bay để xây cùng mọi người. Ai làm gì chị làm nấy, ai thiếu dụng cụ lao động là Bí thư sẵn sàng cung cấp”.
Thấm nhuần phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Tiến, Nguyễn Thị Thanh, chia sẻ: “Cán bộ phải làm thế nào cho người dân hiểu được tinh thần, nội dung và mục đích của Nghị quyết 12-NQ/HU. Rằng, cái đích cuối cùng của Nghị quyết này là hướng đến người dân, về lâu dài là mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho Nhân dân. Muốn vậy, bản thân cán bộ phải đi trước, làm trước để dân tin; phải miệng nói tay làm và luôn đồng hành cùng bà con, không ngại khó, ngại khổ”.
Nói là làm, hình ảnh Bí thư Đảng ủy xã cầm bay trát tường thành thạo cùng người dân đã tạo nên một không khí gần gũi, đoàn kết, thân tình mà không phải nơi nào cũng làm được. Trong quá trình lao động ấy, họ cùng chung sức, đồng lòng hướng đến một mục tiêu chung là vì sự giàu đẹp của quê hương. Nhờ đó mà phong trào hiến đất mở đường của Thọ Tiến đã lên rất nhanh sau 1 năm phát động, với 6/6 thôn và 439 hộ tham gia. Tổng diện tích đất đã hiến là 13.000 m2, giúp mở rộng được 12 km đường; đường xã rộng từ 11 m trở lên, đường thôn rộng từ 6,5 m trở lên, đường ngõ xóm rộng từ 4,5 m trở lên.
Ban đầu khi ra đời, Nghị quyết 12-NQ/HU không tránh khỏi những hoài nghi, lo lắng do Triệu Sơn vừa dồn lực để về đích NTM sớm hơn thời hạn. Song, trong khó khăn biết tìm “lối đi” thay vì “lối thoát”, thì khó đến mấy cũng sẽ có cách tháo gỡ. Ngoài cái được là trên 350 km đường với tổng diện tích 350.000 m2 đất đã được Nhân dân tự nguyện hiến; thì cái “được” quan trọng hơn nữa là đối với công tác cán bộ. “Lửa thử vàng gian nan thử sức”, trong đánh giá cán bộ không tiêu chí, tiêu chuẩn nào “chuẩn” hơn là giao việc và đánh giá dựa trên chất lượng, hiệu quả công việc trong thực tiễn. Do đó, cái được của Triệu Sơn khi triển khai Nghị quyết 12-NQ/HU là cán bộ được thường xuyên xuống với dân, được lắng nghe dân, được giải quyết những thắc mắc của dân; đổi lại, được dân tin tưởng, dân đồng thuận hiến đất mở đường. Bởi thực tế, cán bộ - nhất là cán bộ cấp cơ sở là đội ngũ gần dân nhất, song không phải ở đâu và lúc nào cũng gần dân, sát dân, nghe dân nói, nắm bắt vấn đề bức xúc trong dân.
Chưa kể, lâu nay trong nhiều công việc, người ta vẫn hay “hô khẩu hiệu”: “huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”. Tuy nhiên, trong không ít việc thì vẫn “mạnh ai nấy làm”, thậm chí “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”; hoặc thiếu sự phân công, phối hợp, trách nhiệm cụ thể giữa các cấp, các ngành. Do đó, với việc thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU đòi hỏi cán bộ, từ thường trực cấp huyện xuống đến cấp xã phải tham gia vào Ban Chỉ đạo các cấp. Đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể phải tham gia vào các tổ giúp việc, các ban vận động hiến đất, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Đồng chí Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn, cho biết: Nghị quyết 12-NQ/HU có thể xem là thước đo để đánh giá chính xác tâm và tầm của đội ngũ cán bộ. Sau những băn khoăn, khó khăn ban đầu, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết càng về sau càng cho thấy khả năng và sự “phân hóa” năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ trên địa bàn. Đây cũng chính là cơ sở để Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá lại công tác cán bộ và có sự sắp xếp, điều động, luân chuyển phù hợp với năng lực, trình độ cán bộ, cũng như sát với yêu cầu thực tế. Từ đó, đưa công tác cán bộ nói chung, đánh giá cán bộ nói riêng, đi vào thực chất và hiệu quả hơn
Nghị quyết 12-NQ/HU ra đời trong bối cảnh có nhiều cái khó, nên có thể xem như một nghị quyết “vượt khó”; đồng thời, với nhiều tiêu chí vượt trên chuẩn hiện nay, nên có thể xem như một Nghị quyết “vượt trước”, nhằm giúp Triệu Sơn tiệm cận nhanh hơn với tiêu chuẩn đô thị.
Song, điều đáng nói hơn, những con đường được mở ra không chỉ bằng bê tông, máy móc, hay mồ hôi, công sức; mà còn được mở bằng trách nhiệm, bằng tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của cả cộng đồng và của mỗi người dân nơi đây. Để rồi, thành quả cuối cùng hướng đến là góp phần tạo dựng nên một Triệu Sơn với “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.