(Baothanhhoa.vn) - Thực tế cho thấy, xây dựng được vùng liên kết đã khó, giữ được vùng và mối liên kết càng khó khăn hơn. Do đó, để tạo được vùng liên kết phát triển bền vững, không bị đứt gãy, ngoài việc chủ động giữ vững mối liên kết giữa “4 nhà”, mỗi “nhà” cần xây dựng lộ trình phát triển với các nhóm giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

“Xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp”: Bài cuối - Để không bị đứt gãy

Thực tế cho thấy, xây dựng được vùng liên kết đã khó, giữ được vùng và mối liên kết càng khó khăn hơn. Do đó, để tạo được vùng liên kết phát triển bền vững, không bị đứt gãy, ngoài việc chủ động giữ vững mối liên kết giữa “4 nhà”, mỗi “nhà” cần xây dựng lộ trình phát triển với các nhóm giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

“Xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp”: Bài cuối - Để không bị đứt gãyVùng liên kết trồng khoai môn phục vụ chế biến tại xã Nam Giang (Thọ Xuân). Ảnh: Hương Thơm

Tin liên quan:
  • “Xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp”: Bài cuối - Để không bị đứt gãy
    “Xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp”: Bài 2 - Liên kết lỏng ...

    Đã có những cánh đồng liên kết sản xuất nông nghiệp được hình thành, hiệu quả cũng đã được minh chứng. Đó là khi các bên liên kết đều tuân thủ nghiêm các điều khoản cam kết trong hợp đồng. Thế nhưng, cũng có không ít những cánh đồng liên kết từng nhận “trái đắng” bởi vẫn duy trì tư duy sản xuất cũ, “mạnh ai nấy làm” trong quá trình thực hiện.

Theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ, liên kết được hiểu là việc gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Việc liên kết có thể được thực hiện theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vùng sản xuất tập trung là vùng sản xuất một hay một nhóm sản phẩm nông nghiệp cùng loại có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của mỗi địa phương, tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Như vậy liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp được hiểu là vùng sản xuất tập trung của một hay một nhóm sản phẩm có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Để xây dựng được vùng liên kết hiệu quả, bền vững cần có sự tổng hòa của nhiều yếu tố của cả “4 nhà”, gồm: nhà nông – nhà nước – nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình liên kết, mỗi “nhà” đều đang bộc lộ những mặt hạn chế, như: Đối với nhà nông, đa số nông dân vẫn còn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chậm tiếp cận thông tin thị trường, chưa hoàn toàn gạt bỏ được tư tưởng hám lợi trước mắt và khó tính toán được chiến lược lâu dài. Đồng thời, một bộ phận nông dân còn hạn chế trong nhận thức về trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật nên họ rất dễ vi phạm hợp đồng trong quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hộ nông dân mặc dù ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp, nhưng khi giá nông sản trên thị trường tăng thì lại sẵn sàng bán cho tư thương hoặc doanh nghiệp khác để hưởng giá cao hơn. Nhà doanh nghiệp thì hiện còn ngần ngại đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nông - lâm - ngư nghiệp do vốn đầu tư lớn nhưng rủi ro cao và thu hồi vốn chậm. Việc liên kết với các nhà khoa học còn lúng túng và hiệu quả chưa cao, nhất là việc liên kết với người nông dân để “xã hội hóa” các công nghệ hiệu quả. Nhà nước thì trong nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa có sự dàn xếp kịp thời, thỏa đáng.

Trên cơ sở phân tích vai trò và những hạn chế của từng “nhà” trong quá trình xây dựng vùng liên kết, ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Nhu cầu liên kết sản xuất không tự nhiên mà có, nó xuất phát từ lực lượng sản xuất phát triển vượt quá khả năng tổ chức quản lý sản xuất của từng doanh nghiệp riêng lẻ, dẫn đến cần phải liên kết với doanh nghiệp khác để tạo ra một năng lực mới, sức mạnh mới phù hợp với yêu cầu tổ chức, quản lý sản xuất của quan hệ sản xuất mới đã được hình thành. Vì vậy, muốn liên kết sản xuất, liên kết vùng phát triển trước tiên cần tạo ra nhu cầu liên kết, mà giải pháp cho vấn đề này trước hết là phát triển lực lượng sản xuất, để tạo ra nhu cầu liên kết, rồi trên cơ sở đó xây dựng những hình thức liên kết sản xuất phù hợp. Để làm được điều này, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã và đang cùng chính quyền các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Quá trình đào tạo luôn chú ý đến trình độ, kỹ năng, cơ cấu phù hợp với cơ cấu kinh tế và tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đào tạo theo hướng mở, hội nhập, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, từ đó nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề thực hiện liên kết vùng và tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm các nội dung cam kết trong hợp đồng đến việc phát triển bền vững vùng liên kết. Xét đến cùng, con người là nhân tố quyết định và được coi là giải pháp căn cơ quyết định đến thành công của liên kết vùng.

Cùng với vấn đề phát triển lực lượng sản xuất, ngành nông nghiệp cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch đổi mới tư duy theo hướng phục vụ liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa có ưu thế cạnh tranh và có phân công, hợp tác giữa địa phương, vùng. Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp gắn với phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản có công nghệ tiên tiến để vừa giải quyết đầu ra cho sản phẩm vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, để lựa chọn được đối tác tin cậy, có năng lực trước khi thực hiện xây dựng vùng liên kết, ngành nông nghiệp và các địa phương đều tìm hiểu, đánh giá năng lực của các doanh nghiệp tham gia liên kết vùng, hạn chế chọn nhầm đối tượng trong liên kết. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng vùng liên kết. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung thêm chính sách khuyến khích, tạo động lực xây dựng vùng liên kết.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì và phát triển vùng liên kết. Thử thách này đặt ra cho ngành nông nghiệp phải có sự thay đổi để thích ứng với tình hình thực tế để vùng liên kết không bị đứt gãy, đó là: Phát triển vùng liên kết gắn với chế biến, xây dựng mã số vùng nguyên liệu trồng cây xuất khẩu.

Để vùng liên kết phát triển theo đường hướng bền vững, hội nhập, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà máy chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Đơn cử như Dự án nhà máy sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy. Đây là dự án gắn trồng trọt và chế biến, gắn nông nghiệp với công nghiệp. Để tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy, ngày 24-4-2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1484/QĐ-UBND về phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với tổng diện tích vùng nguyên liệu 6.500 ha thuộc 12 huyện trên địa bàn tỉnh. Tháng 10-2020, nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước khánh thành và đi vào hoạt động. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho nhà máy, các địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vùng nguyên liệu.

Ngoài vùng liên kết các loại cây nguyên liệu phục vụ chế biến, tỉnh ta còn xây dựng và phát triển được vùng liên kết trồng ớt xuất khẩu, với tổng diện tích hàng năm từ 2.200 đến 2.500 ha và vùng sản xuất cây ăn quả tập trung khoảng 7.000 ha. Trước yêu cầu sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các nước, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... phải có mã số vùng trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với các huyện, như: Thọ Xuân, Thạch Thành, Yên Định..., để thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng sản xuất đủ tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng. Hiện, đã có 15 vùng sản xuất, với hơn 76 ha trồng ớt của 273 hộ dân và 2 cơ sở đóng gói của 2 doanh nghiệp là: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm và Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai bảo đảm yêu cầu có thể đăng ký cấp mã số vùng trồng.

Là 1 trong 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tham gia vào việc xây dựng mã số vùng trồng cho diện tích ớt xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Tình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm, cho biết: Thực tế, nhu cầu sử dụng ớt tươi tại thị trường Trung Quốc đang tăng. Tuy nhiên, do không có mã số vùng trồng, nên thời gian qua, công ty phải xuất sản phẩm qua Campuchia, sang Thái Lan rồi mới đến được Trung Quốc. Con đường xuất khẩu lòng vòng, khiến chi phí tăng lên hơn 10 lần. Việc tỉnh Thanh Hóa xây dựng thành công mã số vùng trồng sẽ là điều kiện quan trọng giúp doanh nghiệp trụ vững, vực dậy sản xuất trong bối cảnh yêu cầu của thị trường quốc tế ngày càng cao.

Với việc xây dựng được lộ trình phát triển vùng liên kết đúng theo xu thế phát triển của nền nông nghiệp hiện đại và hội nhập, tương lai tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng thêm được những vùng liên kết sản xuất nông nghiệp lớn, bền vững.

Nhóm P.V Kinh tế



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]