(Baothanhhoa.vn) - Con đường dẫn vào trung tâm xã Tuy Lộc (Hậu Lộc) giờ đây đã được trải nhựa bằng phẳng; hai bên khu dân cư là các dãy nhà cao tầng dần mọc lên san sát; đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ; các khu trang trại nằm xen giữa ruộng đồng xanh tươi bát ngát... Tất cả đang khoác lên một màu áo mới, nhóm lên một niềm tin mới. 

Xã Tuy Lộc phát triển kinh tế trang trại gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao

Con đường dẫn vào trung tâm xã Tuy Lộc (Hậu Lộc) giờ đây đã được trải nhựa bằng phẳng; hai bên khu dân cư là các dãy nhà cao tầng dần mọc lên san sát; đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ; các khu trang trại nằm xen giữa ruộng đồng xanh tươi bát ngát... Tất cả đang khoác lên một màu áo mới, nhóm lên một niềm tin mới.

Xã Tuy Lộc phát triển kinh tế trang trại gắn với xây dựng nông thôn mới nâng caoTrang trại chăn nuôi của gia đình chị Trần Thị Ninh, thôn Cách, xã Tuy Lộc đang phát huy hiệu quả kinh tế.

Nằm sâu trong thôn Cách là khu trang trại tổng hợp quy mô lớn của gia đình chị Trần Thị Ninh. Trên diện tích 2 ha đất trang trại, gia đình chị bố trí khu chăn nuôi dê với tổng đàn 700 con. Đây là giống dê của Thái Lan, cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, ít bệnh, dễ chăm sóc, thịt dê thương phẩm được cung cấp cho các khu du lịch, nhà hàng tiêu thụ. Bên trong trang trại còn có khu nuôi lợn nái 20 con; 1.500m2 ao cá với sản lượng 3 tấn mỗi năm. Trồng xen lẫn trong các khu chăn nuôi là khoảng 500 gốc cây ăn quả các loại như: bưởi, mít, xoài, hồng xiêm... để tạo cảnh quan, bóng mát và thu hái sản phẩm. Mỗi năm, trang trại của gia đình chị cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. Đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho 3 - 5 lao động, với mức lương 7,5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Cách đó không xa là trang trại của gia đình anh Lê Văn Tơ ở cùng thôn. Với tổng diện tích 1,4 ha đất hiện có, anh mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả. Trong đó anh dành phần nhiều diện tích xây khu trang trại nuôi gà hậu bị quy mô 25.000 con theo chuỗi liên kết. Ngoài ra, anh còn trồng khoảng 1.000 gốc cây ăn quả các loại như: ổi, mít, na, bưởi, đu đủ... Mỗi năm, trang trại tạo việc làm và thu nhập cho 4 lao động, với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu của trang trại đạt hơn 500 triệu đồng/năm.

Tiếp tục về thôn Trung Hà thăm trang trại tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Nhì, để thấy thành quả do người nông dân “một nắng, hai sương” làm ra. Từ đồng đất cao, manh mún, nhỏ lẻ không ai muốn làm, chị đã biến nơi đây thành vùng đất sinh sôi trù phú. Năm 2016, khi xã có chủ trương dồn điền, đổi thửa, chị đã mạnh dạn thuê đất để làm kinh tế trang trại. Từ nguồn vốn của gia đình và vốn huy động được khoảng 2 tỷ đồng, chị đầu tư cải tạo đất, xây dựng nhà xưởng, mua cây, con giống... Đến nay, trang trại của gia đình chị có 2.500m2 đất xây chuồng trại chăn nuôi gà hậu bị; 1.500m2 đất đào ao thả cá; 2.000m2 đất trồng cây ăn quả, gồm: bưởi Diễn, bưởi da xanh, chanh đào. Mỗi năm, các sản phẩm làm ra từ trang trại của gia đình chị cho thu nhập hơn 400 triệu đồng. Ngoài làm giàu cho bản thân, đóng góp cho xã hội, chị còn giải quyết việc làm cho 3 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ gia đình chị Ninh, anh Tơ, chị Nhì mà trên địa bàn xã Tuy Lộc còn nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại khác như: Gia trại chăn nuôi gà của hộ gia đình anh Đồng Văn Hoàn quy mô 14.000 con; gia trại chăn nuôi gà đẻ của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Ngự quy mô 5.000 con; vườn hộ ông Nguyễn Đức Thiện quy mô 2.500m2 trồng cây giống ăn quả các loại... Toàn xã hiện có 73 trang trại, gia trại đang hoạt động hiệu quả, doanh thu đạt 400 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng/trang trại, cá biệt có trang trại đạt 2 tỷ đồng/năm. Các trang trại đã thực hiện liên doanh, liên kết chăn nuôi chủ yếu là đầu vào bao gồm con giống, thức ăn và kỹ thuật. Hiệu quả của các mô hình kinh tế trang trại nơi đây, chính là thành quả của quá trình triển khai thực hiện phát triển sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Tuy Lộc.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cùng với sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể từ xã đến thôn, đã tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết cho Nhân dân về các chủ trương, cơ chế, chính sách kinh tế mới của Đảng và Nhà nước. Tiếp thu có hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn tổ chức cho Nhân dân tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế, đẩy mạnh các hình thức hoạt động trong sản xuất và kinh doanh. Phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo đã phát triển đều khắp trên địa bàn xã và ở tất cả các lĩnh vực. Xã đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Đặc biệt, xã đã làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa, những diện tích đất lúa kém hiệu quả được xã quy hoạch cụm chăn nuôi và trồng cây ăn quả (quy mô mỗi trang trại từ 1,5 - 2 ha). Từ năm 2016 đến nay, xã đã chuyển đổi được 24 ha đất cá - lúa và đất lúa kém hiệu quả sang trang trại tổng hợp, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Phát triển sản xuất, nhất là phát triển kinh tế trang trại trong xây dựng NTM đã tạo ra được diện mạo nông thôn có nhiều tiến bộ và phát triển về mọi mặt. Cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu của một cộng đồng dân cư được xây dựng khang trang, bền vững, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống ngày càng nâng cao của người dân. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định. Hiện nay, xã đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện việc nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và phấn đấu đến năm 2025 đạt xã NTM nâng cao. Bằng các giải pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, động viên tinh thần, tập hợp sức mạnh của toàn dân trong xây dựng NTM. Nhất quán cụ thể hóa thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo; các ban, tiểu ban xây dựng NTM làm tham mưu; UBND xã thống nhất quản lý, điều hành; Nhân dân làm chủ”. Phát huy tiềm năng thế mạnh nội lực, tranh thủ thu hút ngoại lực về tất cả các mặt cho chương trình xây dựng NTM, nhất là vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội. Trọng tâm là đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân bằng các mô hình kinh tế hiệu quả. Tiếp tục tích tụ ruộng đất, dồn điền, đổi điền, sắp xếp bố trí lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị trên đơn vị diện tích và hộ gia đình.

Bên cạnh phát triển sản xuất, xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, mở rộng hệ thống thủy lợi, giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, thuận lợi trong tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ các mô hình sản xuất... để các hộ tham gia phát triển kinh tế. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa thôn... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, cho biết: Trong thời gian tới, để phát triển sản xuất, nhất là phát triển kinh tế trang trại gắn với xây dựng NTM nâng cao, xã tập trung tăng cường đầu tư phát triển kinh tế trang trại theo quy mô lớn, hiệu quả cao. Mở rộng liên doanh, liên kết, ổn định và an toàn sản xuất. Tiếp tục khuyến khích xây dựng trang trại mới gắn với việc thực hiện tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng đất theo quy hoạch gắn với đảm bảo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển trang trại cả về đất đai, tài chính, thị trường, tiếp nhận chương trình, dự án... Song song với đó, xã cũng đề nghị cần công khai, dân chủ, minh bạch trong quy hoạch sử dụng và giao đất trang trại. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp trong quá trình xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân sản xuất trang trại, để tránh và khắc phục tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu cầu lợi.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]