(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, nhờ nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án của tỉnh, xã Thọ Thanh (Thường Xuân) được hỗ trợ hàng chục mô hình phát triển sản xuất. Theo đó, UBND xã đã quan tâm, chú trọng liên kết với các tổ chức, đơn vị liên quan để khuyến khích, hỗ trợ người dân duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho Nhân dân.

Xã Thọ Thanh nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất

Những năm qua, nhờ nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án của tỉnh, xã Thọ Thanh (Thường Xuân) được hỗ trợ hàng chục mô hình phát triển sản xuất. Theo đó, UBND xã đã quan tâm, chú trọng liên kết với các tổ chức, đơn vị liên quan để khuyến khích, hỗ trợ người dân duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho Nhân dân.

Xã Thọ Thanh nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất

Người dân xã Thọ Thanh chăm sóc dưa Kim Hoàng hậu trong nhà lưới.

Năm 2019, nhờ nguồn kinh phí từ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, hộ gia đình ông Lê Văn Thượng, thôn Đông Xuân được hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng 2.000m2 nhà lưới để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, gia đình đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt... theo quy chuẩn và đưa cây dưa Kim Hoàng hậu vào sản xuất. Đồng thời, được cán bộ nông nghiệp xã thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các kỹ thuật và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, lứa dưa đầu tiên của gia đình đã đạt sản lượng cao, khoảng 25 tấn/ha/năm, doanh thu đạt gần 700 triệu đồng. Ông Thượng, cho biết: Nhờ nguồn kinh phí và kỹ thuật được hỗ trợ, gia đình đã đối ứng đầu tư phát triển sản xuất rau, củ, quả an toàn hiệu quả. Nguồn kinh phí hỗ trợ không chỉ kích cầu sản xuất cho gia đình mà còn tạo động lực để hướng tới sản xuất hiện đại, bền vững và lan tỏa hướng sản xuất an toàn tại địa phương.

Được biết, sau hiệu quả của mô hình hỗ trợ phát triển nhà lưới để sản xuất rau, quả an toàn của hộ gia đình ông Lê Văn Thượng, người dân trên địa bàn xã học tập kỹ thuật sản xuất, đầu tư nhân rộng mô hình. Đến hết tháng 3-2022, toàn xã đã có 10 hộ ứng dụng mô hình nhà lưới, nhà màng để sản xuất nông nghiệp, với nhiều sản phẩm đã được thị trường, người tiêu dùng đánh giá cao, như: dưa chuột baby, rau, củ, quả an toàn, dưa Kim Hoàng hậu... tổng diện tích nhà màng, nhà lưới toàn xã đạt 15.000m2.

Để phát huy hiệu quả của diện tích đất sản xuất nông nghiệp, vụ đông năm 2021-2022, từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất vụ đông năm 2021 của tỉnh, xã Thọ Thanh đã khuyến khích, vận động người dân phát triển được 25 ha cây ớt xuất khẩu. Hiện cây ớt đã cho thu hoạch lứa thứ 9 và đang mang lại thu nhập ổn định cho khoảng 150 hộ dân trên địa bàn xã. Ông Phạm Văn Tú, thôn 1, cho biết: Gia đình tôi được hỗ trợ 3 triệu đồng để đầu tư một phần giống, phân bón khi phát triển được 1 ha ớt xuất khẩu. Có nguồn kinh phí hỗ trợ, gia đình có thêm động lực, chi phí để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thọ Thanh đã hỗ trợ liên kết với Công ty TNHH Nông sản Hoài An, xã Xuân Sinh (Thọ Xuân) thu mua toàn bộ sản lượng ớt. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 180 triệu đồng/ha, cao hơn so với những cây trồng khác.

Theo thống kê của UBND xã Thọ Thanh, từ năm 2016 đến nay từ nguồn hỗ trợ của các Chương trình 30a, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp... trên địa bàn xã có hàng chục mô hình được hỗ trợ, đã và đang mang lại chuyển biến tích cực, nâng cao trình độ sản xuất của người dân và từng bước hình thành, lan rộng tư duy sản xuất nông nghiệp bền vững trong Nhân dân. Tiêu biểu, như: các mô hình hỗ trợ giống phát triển cây bưởi đỏ Tân Lạc và trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP từ nguồn kinh phí của Chương trình 30a; mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà lưới từ nguồn hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp... Ngoài ra, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2012 đến 2021, UBND xã đã cân đối nguồn kinh phí hơn 400 triệu đồng để hỗ trợ, xây dựng được 9 mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có 5 mô hình trồng cây ăn quả; 1 mô hình trồng rau sạch; 1 mô hình chăn nuôi; 2 mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng, nhà lưới.

Ông Lê Hữu Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh, cho biết: Trong thời gian qua, xã đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả kinh tế cao. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh, người dân trên địa bàn đã được tiếp cận với hướng sản xuất mới, hiện đại, hiệu quả cao để từ đó thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu, dần hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Sau hiệu quả của các mô hình được hỗ trợ, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu, đánh giá sự phù hợp của mô hình. Đồng thời, hướng dẫn và khuyến khích Nhân dân mở rộng sản xuất, nhân rộng những đối tượng cây trồng, vật nuôi, phương thức sản xuất phù hợp trên địa bàn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người dân.

Bài và ảnh: Lê Hòa


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]