(Baothanhhoa.vn) - Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế vườn đồi, những năm qua, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) đã khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng khoa học - kỹ thuật, tạo ra nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng gia trại, trang trại... mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống người dân.

Xã Hóa Quỳ phát triển kinh tế vườn đồi

Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế vườn đồi, những năm qua, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) đã khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng khoa học - kỹ thuật, tạo ra nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng gia trại, trang trại... mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống người dân.

Xã Hóa Quỳ phát triển kinh tế vườn đồiMô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Trần Xuân Nhạc, xã Hóa Quỳ.

Theo lời giới thiệu của cán bộ nông nghiệp xã Hóa Quỳ, chúng tôi tìm đến trang trại trồng cây ăn quả của gia đình ông Trần Xuân Nhạc; cả vùng đồi rộng lớn trồng bưởi, ổi, vú sữa,... đang chờ ngày thu hoạch. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, ông Nhạc chia sẻ: Trước đây, 4 ha đồi này gia đình trồng keo, cao su, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không ổn định. Trước khó khăn về phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi đã được chính quyền xã Hóa Quỳ khuyến khích, chuyển đổi diện tích này để xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, nhất là sau những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm ở các trang trại trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã tiếp thêm niềm tin và quyết tâm cho tôi”. Từ những gì mắt thấy, tai nghe, ông Nhạc đã quyết định cải tạo đất để trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả như như ổi, bưởi, cam,... Qua thời gian chăm sóc, nhận thấy các loại cây ăn quả thích nghi khá tốt với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, sau lứa đầu tiên cho thu hoạch, ông Nhạc đã mạnh dạn trồng thêm các loại cây như xoài keo, vú sữa, hồng xiêm,... Bên cạnh đó, ông còn áp dụng khoa học - kỹ thuật chiết, ghép cây ăn quả để cây tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm. Mỗi năm, trang trại cây ăn quả của ông Nhạc có doanh thu hơn 1 tỷ đồng.

Được biết, diện tích vườn đồi tại xã Hóa Quỳ trước kia chủ yếu trồng cao su và keo; nhận thấy diện tích sản xuất này không mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã đã tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng những mô hình mới và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao cho người dân như bưởi, ổi, táo,... Đồng thời, xã còn tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; tranh thủ các chương trình, dự án để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế... Với những cách làm hiệu quả, toàn xã đã chuyển đổi được hơn 60 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang phát triển các loại cây ăn quả như: mít Thái, thanh long, xoài keo,... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với cây trồng cũ. Từ việc vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, đến nay xã đã chuyển đổi và cải tạo được gần 30 ha đất vườn tạp sang trồng cây ăn quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng lợi thế vườn đồi, xã còn tạo điều kiện cho người dân tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do các đơn vị chuyên môn trong huyện tổ chức. Nhờ đó, ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi gà thả đồi, trâu, bò,... với quy mô trang trại, gia trại mang lại thu nhập cao cho người dân.

Ông Lê Phúc Hải, Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ, cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế vườn đồi tại xã Hóa Quỳ bước đầu đã mang lại hiệu quả; tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Các mô hình trồng cây ăn quả phần lớn theo hướng tự phát, diện tích nhỏ lẻ, manh mún; người dân chưa chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định. Thời gian tới, xã Hóa Quỳ sẽ tiếp tục rà soát, thống kê diện tích đất vườn đồi kém hiệu quả kinh tế để đưa vào quy hoạch chuyển đổi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Cùng với đó, khuyến khích người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung phù hợp với nhu cầu của thị trường; thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đi đôi với đó, khuyến khích người dân xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi và tận dụng diện tích vườn đồi để chăn thả, vật nuôi; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh...

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]