(Baothanhhoa.vn) - Tại cuộc họp bàn về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản ngày 20-3-2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa giá lợn hơi về mức bình thường như trước khi chưa có dịch bệnh tả lợn châu Phi, khoảng 60.000 đồng/kg. Thế nhưng, đến nay, giá lợn hơi không những không giảm mà còn liên tục tăng vì sao?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì sao giá thịt lợn vẫn chưa giảm?

Tại cuộc họp bàn về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản ngày 20-3-2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa giá lợn hơi về mức bình thường như trước khi chưa có dịch bệnh tả lợn châu Phi, khoảng 60.000 đồng/kg. Thế nhưng, đến nay, giá lợn hơi không những không giảm mà còn liên tục tăng vì sao?

Vì sao giá thịt lợn vẫn chưa giảm?

Quầy bán thịt tại Chợ Đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương, TP Thanh Hóa.

Khảo sát giá thịt lợn tại một số chợ dân sinh thuộc các huyện: Vĩnh Lộc, Thọ Xuân và TP Thanh Hóa, cho thấy, giá thịt lợn thời điểm sáng ngày 17-5, ở mức từ 150.000 đến 170.000 đồng/kg, các loại xương dao động từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg, sườn hớt 170.000 đến 180.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu tháng 3-2020, thì giá thịt lợn không giảm, thậm chí một số loại thịt còn tăng từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg.

Các tiểu thương đều cho rằng: Nguyên nhân khiến giá thịt lợn không hề giảm trong thời gian dài là bởi hiện tại giá lợn hơi đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Giá lợn hơi và thịt lợn vẫn chưa thể giảm là bởi nguồn cung lợn bị khan hiếm.

Ông Lê Văn Tám, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Xuân Hồng (Thọ Xuân), thừa nhận: Giá lợn hơi được thương lái mua tại địa bàn xã đến thời điểm ngày 17-5 đã đạt mốc 97.000 đồng/kg, tăng 7.000 đến 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 5. Những ngày gần đây, giá lợn hơi có sự biến động từng ngày theo hướng tăng. Là người có thâm niên chăn nuôi lợn nhiều năm, ông Tám phân tích: Sở dĩ giá lợn hơi không giảm mà vẫn ở mức cao, thậm chí còn có chiều hướng tăng trong những ngày gần đây là do giá lợn giống đưa vào nuôi thương phẩm tăng cao. Hiện, một con lợn giống được đưa vào nuôi thương phẩm có giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trước đây. Cũng vì giá lợn giống đưa vào nuôi thương phẩm quá cao nên hiện người chăn nuôi chủ yếu sử dụng lợn được sản xuất tại chỗ để tái đàn, nên tỷ lệ tái đàn chậm, khiến nguồn cung lợn giống bị hạn chế so với các năm trước.

Nói về vấn đề lợn giống đưa vào nuôi thương phẩm, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ trang trại chăn nuôi lợn xã Xuân Hồng (Thọ Xuân), cho biết thêm: Những người chăn nuôi như chúng tôi cho rằng, nguyên nhân khiến giá lợn giống đưa vào nuôi thương phẩm tăng cao là do khan hiếm nguồn hàng. Bởi hiện các trại nuôi đều giữ lại lợn giống để thực hiện tái đàn tại chỗ, không có nguồn hàng bán ra bên ngoài. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi đã làm cho đàn lợn nái của cả nước giảm đáng kể, trong khi đó, từ lúc bắt đầu tái đàn lợn nái cho đến khi có sản phẩm để đưa vào nuôi thương phẩm phải cần thời gian từ 8 đến 10 tháng.

Nhiều tiểu thương bán thịt lợn tại các chợ dân sinh, cho biết: Hiện nay, giá lợn hơi đang dao động ở mức 95.000 đến 97.000 đồng/kg, nếu đưa vào giết mổ, tỷ lệ hao hụt khoảng 20 đến 25%. Như vậy, nếu thịt lợn sau khi giết mổ được cung ứng trực tiếp ra thị trường và đến tay người tiêu dùng thì giá ở mức 130.000 đến 140.000 đồng/kg là người kinh doanh thịt lợn đã có lãi. Tuy nhiên, để thịt lợn được cung ứng đến tay người tiêu dùng hiện đang trải qua nhiều khâu trung gian, mỗi khâu lãi từ 5 đến 10%, khiến thịt lợn bị đội giá lên cao.

Chị Mai Thị Oanh, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Cầu Đống, phường An Hưng (TP Thanh Hóa), cho biết: Các tiểu thương bán lẻ thịt lợn tại các chợ đều đang lấy thịt móc hàm từ thương lái và các lò mổ với giá từ 120.000 đến 130.000 đồng/kg, giá này tương đương với giá lợn hơi là 100.000 đồng/kg. Sau khi lấy thịt móc hàm về, tiểu thương phân thành nhiều loại thịt, xương, rồi bán với giá khác nhau. Do lấy thịt lợn với giá cao, hơn nữa trong quá trình phân loại thịt còn bị hao hụt, nên chúng tôi phải bán ra với giá cao để bảo đảm lợi nhuận.

Về vấn đề khâu trung gian, ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cho rằng: Hiện tại, chăn nuôi của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chăn nuôi nông hộ đang chiếm tới 65%, khiến thương lái phải thu mua tận chuồng của từng hộ, sau đó vận chuyển đến nơi giết mổ, rồi từ đây các tiểu thương mới mua để cung ứng ra thị trường. Theo tính toán của ngành chăn nuôi, do trải qua quá nhiều “cầu” như vậy, đã làm cho khâu phân phối đội giá lên khoảng 43%. Cụ thể, trong quá trình phân phối từ khâu giết mổ đến khâu bán lẻ có nhiều chi phí phát sinh, như: Tỷ lệ hao hụt chờ giết mổ 2%, tỷ lệ từ khi xuất chuồng đến khi phân loại hao hụt khoảng 25%. Ngoài ra, còn chi phí giết mổ, thú y, vận chuyển từ chuồng trại về nơi giết mổ, rồi lợi nhuận của tiểu thương.

Từ những đánh giá, phân tích trên cho thấy, có 2 nguyên nhân khiến giá thịt lợn vẫn ở mức cao là bởi thiếu đàn lợn nái, dẫn đến thiếu lợn con giống đưa vào nuôi thương phẩm, nên giá lợn giống khi đưa vào tái đàn tăng cao. Nguyên nhân thứ 2 là do việc phân phối thịt lợn hiện nay trên địa bàn tỉnh đang phải trải qua quá nhiều khâu trung gian, mỗi khâu lãi từ 5 đến 10%... Do vậy, để thực sự giảm được giá lợn hơi, các cấp, các ngành cần triển khai thực hiện có hiệu quả giải pháp về tái đàn lợn nái để tạo nguồn dồi dào về con giống. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện chăn nuôi theo chuỗi, giảm bớt khâu trung gian trong quá trình phân phối thịt lợn, để người tiêu dùng được hưởng mức giá hợp lý.

Bài và ảnh: Hương Thơm


Bài Và Ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]