(Baothanhhoa.vn) - Nhiều chủ đồng nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) tỏ ra bức xúc và hoài nghi có khuất tất trong việc chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại sau các đợt thiên tai năm 2017. Đáng nói, cùng trong một đợt thiên tai, nhưng người nuôi trồng thủy sản các xã lân cận đã được hỗ trợ từ lâu, còn ở xã Hoằng Châu thì chưa...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì sao các chủ đồng thủy sản xã Hoằng Châu chưa được hỗ trợ thiệt hại thiên tai năm 2017 ?

Nhiều chủ đồng nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) tỏ ra bức xúc và hoài nghi có khuất tất trong việc chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại sau các đợt thiên tai năm 2017. Đáng nói, cùng trong một đợt thiên tai, nhưng người nuôi trồng thủy sản các xã lân cận đã được hỗ trợ từ lâu, còn ở xã Hoằng Châu thì chưa...

Các đợt thiên tai năm 2017 làm nhiều bờ đầm, bờ bao và các cống đầm thủy sản ở Hoằng Châu hư hỏng, nay mới được sửa chữa lại.

Biết có phóng viên đến khu vực nuôi trồng thủy sản Cồn Trường để tìm hiểu vấn đề trên, nhiều chủ đồng đã tìm đến để giãi bày tâm tư với chúng tôi. Được biết, vào trung tuần tháng 9 - 2017, cơn bão số 10 đổ bộ đã gây ra đợt mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi trồng thủy sản ở huyện Hoằng Hóa cũng như các địa phương trong tỉnh. Toàn bộ khu vực nuôi trồng thủy sản phía ngoài đê dọc bờ tả sông Mã qua huyện Hoằng Hóa bị tràn, vỡ hệ thống bờ bao khiến toàn bộ thủy sản đến kỳ thu hoạch mất trắng. Gần 1 tháng sau, đợt áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa lớn kéo dài khiến các đồng nuôi phía trong đê tiếp tục bị tràn, gây thất thiệt lớn cho các chủ đồng. UBND huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo các xã tổng hợp thiệt hại bằng văn bản của 2 đợt thiên tai liên tiếp, gửi lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.

Nhằm hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản khắc phục khó khăn, tổ chức tái sản xuất, ngay sau đó, UBND tỉnh đã có các Quyết định 3994/QĐ-UBND (ngày 20–10–2017) và 4798/QĐ-UBND (ngày 12–12–2017) về chủ trương phân bổ kinh phí hỗ trợ thiệt hại sau các đợt thiên tai cho sản xuất, trong đó có hoạt động nuôi trồng thủy sản trong tỉnh. Ngày 29–12–2017, UBND huyện Hoằng Hóa đã tổng hợp thiệt hại từ các xã, đồng thời có tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh, đề nghị được hỗ trợ. Những tháng đầu năm 2018, người nuôi trồng thủy sản các xã: Hoằng Lưu, Hoằng Phong và nhiều xã của huyện Hoằng Hóa đã nhận được nguồn hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh. Riêng xã Hoằng Châu, chỉ một phần diện tích nhỏ vùng nội đê (65 ha) thiệt hại đợt 2 là được hỗ trợ, còn 435 ha nuôi trồng thủy sản vùng ngoại đê tại khu vực Cồn Trường của 157 chủ đồng vẫn chưa được hỗ trợ. Đáng nói, ngay ở vùng nuôi trồng thủy sản bên cạnh thuộc xã Hoằng Phong và Hoằng Lưu, các chủ đồng lại được hỗ trợ cả 2 đợt. Điều mâu thuẫn này đã làm dấy lên những hoài nghi cho các chủ đồng nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Châu.

Chủ đồng Lê Văn Trí ở thôn 13, xã Hoằng Châu, cho biết: Sau các đợt thiên tai năm ngoái, nước sông Mã dâng cao, cuồn cuộn đổ về làm vỡ bờ bao, trôi bờ kè và các cống đồng thủy sản ở địa phương. Các loại con nuôi đã mất trắng gây thất thiệt hàng trăm triệu đồng, sau đó lại phải vay mượn cả chục triệu đồng thuê máy móc cải tạo, xây dựng lại bờ đầm khiến nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc tái đầu tư phát triển sản xuất. Khi biết có chính sách hỗ trợ, chúng tôi đều vui mừng, nhưng cứ chờ và chờ đến nay vẫn không thấy tiền hỗ trợ. Chủ đồng Hoàng Ngọc Anh ở thôn 11 cùng xã cũng tỏ ra bức xúc: Cùng một đợt thiên tai, cùng nuôi trồng thủy sản như nhau, cùng hưởng chính sách chung của tỉnh, nhưng nhiều xã lân cận lại được hỗ trợ còn chúng tôi thì không. Đại diện những chủ đồng thủy sản địa phương, ông Lê Ngọc Đức – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Châu tỏ ra hoài nghi: Hồ sơ, thủ tục chúng tôi đều làm đúng hướng dẫn của xã và huyện, không hiểu vì sao các xã bên được hỗ trợ (5 triệu đồng cho 1 ha vùng ngoại đê và 7 triệu đồng cho 1 ha vùng nội đê), mà chúng tôi lại không được?

Sao có chuyện cùng chính sách chung của tỉnh nhưng khi hỗ trợ lại chỗ có chỗ không? Bà con chúng tôi thiết tha đề nghị huyện Hoằng Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh xem xét, làm rõ!

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Châu thừa nhận có tình trạng như các chủ đầm phản ánh. Thời gian gần đây, nhiều người còn tập trung kéo nhau lên tận UBND xã yêu cầu làm rõ vì họ nghi ngờ phía xã “ỉm” tiền hỗ trợ mà chưa phát cho người dân. “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri các cấp, cử tri cũng phản ánh nhiều, chúng tôi cũng có nhiều văn bản đề nghị lên huyện” – ông Lộc cho biết thêm. Nói về hồ sơ thủ tục, ông phó chủ tịch UBND xã khẳng định đều làm đúng hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đúng thời điểm, đúng đối tượng, thậm chí còn tách bạch thiệt hại của 2 đợt bằng 2 tờ trình riêng biệt, rất rõ ràng. Tuy nhiên, đến nay, xã vẫn chưa thấy có tiền hỗ trợ cho vùng ngoại đê bị thiệt hại do thiên tai năm ngoái.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, không phải mình xã Hoằng Châu mà người nuôi trồng thủy sản ở nhiều xã khác trong huyện Hoằng Hóa cũng chưa được hỗ trợ thiệt hại đợt bão số 10 năm 2017, tuy nhiên xã Hoằng Châu có số hộ và số diện tích lớn nhất. Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh mới hỗ trợ thiệt hại cho đợt thiên tai thứ 2, tức đợt mưa lớn do áp thấp nhiệt đới chứ chưa hỗ trợ đợt thiên tai thứ nhất (đợt bão số 10). Song khi được hỏi có hay không ở các xã Hoằng Phong, Hoằng Lưu và một số xã, người dân lại nhận được hỗ trợ thiệt hại cả 2 đợt thiên tai, các cán bộ ở đây cho biết là có. Nguyên nhân là tại xã Hoằng Châu, việc xã làm hồ sơ tách thành 2 đợt thiệt hại, nhưng đến nay tỉnh mới hỗ trợ 1 đợt. Còn tại nhiều xã, đợt thiên tai đầu, chủ đồng chưa khai thiệt hại, và được thống kê gộp vào đợt 2 (thiệt hại đợt mưa lớn do áp thấp nhiệt đới) nên lại được hỗ trợ. Theo một cán bộ huyện Hoằng Hóa, đây chỉ là sự vô tình, huyện cũng không chỉ đạo mà do thời điểm các xã và người dân tự thống kê, tổng hợp văn bản mà thôi.

Để bảo đảm quyền lợi cho người nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Châu và nhiều xã khác trong huyện, trong các tháng 6 và 9–2018, UBND huyện Hoằng Hóa đã có 2 tờ trình báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét hỗ trợ thiệt hại đợt 1 cho các chủ đồng. Đến đầu tháng 10–2018, phía huyện vẫn chưa nhận được hồi âm nên cũng chưa thể giải thích cụ thể với người dân là có hay không được hỗ trợ đợt thiệt hại đầu. Tuy nhiên, mấu chốt của những băn khoăn từ 157 chủ đồng thủy sản ở Hoằng Châu đã có lời giải, vấn đề là chính quyền huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Châu cần có những giải thích cụ thể để không gây tâm lý hoài nghi, bức xúc trong người dân.


Bài và ảnh: Nhóm PV Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]