(Baothanhhoa.vn) - Cùng với 10 huyện miền núi khác, huyện Bá Thước được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi để xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Nhiều mô hình đã thành công, được nhân rộng, như nuôi vịt Cổ Lũng, phát triển vùng trồng quýt vòi bản địa... Tuy nhiên, có không ít mô hình sau khi được hỗ trợ nhưng không mấy hiệu quả hoặc không còn và cần nhìn nhận nguyên nhân để đúc rút kinh nghiệm cho những giai đoạn tới.

Vấn đề đặt ra từ những mô hình hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi đặc trưng – nhìn từ huyện Bá Thước

Cùng với 10 huyện miền núi khác, huyện Bá Thước được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi để xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Nhiều mô hình đã thành công, được nhân rộng, như nuôi vịt Cổ Lũng, phát triển vùng trồng quýt vòi bản địa... Tuy nhiên, có không ít mô hình sau khi được hỗ trợ nhưng không mấy hiệu quả hoặc không còn và cần nhìn nhận nguyên nhân để đúc rút kinh nghiệm cho những giai đoạn tới.

Vấn đề đặt ra từ những mô hình hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi đặc trưng – nhìn từ huyện Bá Thước3 hộ dân ở thôn Bái Tôm, xã Điền Quang được hỗ trợ 100 cây dừa nhưng trồng một thời gian thì đều héo rũ và chết.

Chỉ tính trong 3 năm 2018, 2019 và 2020, UBND tỉnh đã phân bổ hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, với tổng số tiền 9,421 tỷ đồng nhằm đa dạng hóa sinh kế và giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước. Qua đó, đã có 1.625 lượt hộ dân được hỗ trợ mua giống cây trồng, phân bón, vật nuôi để phát triển kinh tế. Cụ thể, năm 2018 kinh phí được giao 2,818 tỷ đồng để hỗ trợ 225 con gia súc, gần 6.200 con gia cầm, 276 kg ngô và lúa giống, 20,7 tấn phân bón cho 381 hộ gia đình. Sang năm 2019, các chương trình, dự án cũng hỗ trợ 576 hộ gia đình trong huyện mua 225 con gia súc, 3.312 con gia cầm để nhân giống nhằm tăng thu nhập, hướng đến giảm nghèo. Năm 2020, các nguồn vốn ngân sách tiếp tục hỗ trợ 679 lượt hộ trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí 2,943 tỷ đồng để mua 108 con gia súc, 11.000 con gia cầm.

Cuối năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức đoàn thanh tra và có Kết luận thanh tra số 1014/KL-BDT. Theo đó, việc tổ chức thực hiện các dự án hỗ trợ là đúng nội dung, đúng đối tượng trong diện được hỗ trợ và bảo đảm kinh phí đã được phê duyệt. Quá trình triển khai, UBND huyện Bá Thước đã phân công các phòng chuyên môn tham mưu và kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các dự án. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, phổ biến dự án trên địa bàn chưa được thường xuyên, nhận thức tầm quan trọng của chính người được tham gia dự án còn hạn chế. Một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thật sự cố gắng vươn lên thoát nghèo nên việc tiếp nhận và sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ dự án đạt hiệu quả chưa cao. Với các dự án hỗ trợ mua trâu, bò, việc các hộ dân ít tham gia thảo luận các nội dung và phương thức thực hiện nên chưa kiến nghị lựa chọn con giống thực sự phù hợp, nhất là có nguồn gốc địa phương.

Qua tìm hiểu tại các xã Kỳ Tân, Điền Hạ, Lũng Niêm, nhiều hộ lựa chọn phải con giống chất lượng không tốt hoặc không phù hợp dẫn đến sinh trưởng kém, phải bán hoặc chuyển sang mua con giống có nguồn gốc địa phương. Dự án hỗ trợ trồng cây ăn quả tại thôn Đầm, xã Lương Nội vào năm 2020 lại khá dàn trải, giống cây ăn quả phát triển kém do không phù hợp với đất trồng của địa phương, trong khi người dân thiếu kiến thức, kỹ thuật chăm sóc.

Từ năm 2010 đến nay, xã Ái Thượng trung bình mỗi năm được hỗ trợ 1 mô hình chăn nuôi theo nhiều chương trình, dự án như 30a, 135, xây dựng nông thôn mới..., nhưng đến nay chỉ khoảng 50% còn duy trì. Có khá nhiều mô hình hỗ trợ nuôi trâu, bò nhưng hiệu quả không cao do một nguyên nhân khác là nhu cầu sức kéo không còn như trước đây. Nhiều dự án chăn nuôi hỗ trợ hộ nghèo một con bò hay hai con dê sinh sản, nhưng sau một thời gian, nhiều hộ bán hoặc không còn. Qua khảo sát, cần nhìn nhận một thực tế rằng, ở nhiều mô hình cụ thể, kiểu hỗ trợ này không còn phù hợp vì hằng ngày, chăn dắt đôi dê hoặc con bò cũng mất một nhân công nhưng hiệu quả kinh tế không cao, trong khi đi làm thuê mỗi người có thể có thu nhập từ 150 đến 200 nghìn đồng/ngày. “Miền núi bây giờ, đồng bào cũng phát triển mạnh gia trại, trang trại rồi, ít còn chăn nuôi nhỏ lẻ như trước nên cách hỗ trợ cũng cần đổi mới cho phù hợp với thực tế. Loài vật nuôi nên hỗ trợ hiện nay là lợn lai lòi vì dễ nuôi, không mất nhiều công chăn thả, không phải đầu tư thức ăn nhiều như trâu, bò hay dê, trong khi thị trường luôn rộng mở” – Chủ tịch UBND xã Ái Thượng Nguyễn Đức Lục nêu quan điểm.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Điền Quang – ông Trương Văn Tuyến, trên địa bàn xã có nhiều mô hình hỗ trợ trồng cây ăn quả đã thất bại, với tổng diện tích hàng chục ha. Đây chủ yếu là các dự án khuyến khích chỉnh trang vườn tạp để phát triển cây trồng mang tính hàng hóa, nhưng việc tiếp cận kỹ thuật chăm sóc của nhiều hộ đồng bào còn yếu, ít đầu tư và không chăm sóc sau khi được hỗ trợ trồng ban đầu. Nhiều mô hình chăn nuôi cơ bản vẫn được duy trì, nhưng với mục đích phát triển đàn lớn thì không đạt được do hộ dân không đủ năng lực phát triển hoặc thiếu nguồn thức ăn... Tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, trung bình mỗi năm, các hộ nghèo và cận nghèo trong xã được hỗ trợ từ 7 đến 15 con trâu hoặc bò. Qua theo dõi, sau nhiều năm, các hộ vẫn chỉ duy trì 1 - 2 con trâu hay bò, rất ít hộ phát triển để nuôi 4 - 5 con cùng lúc do họ không có nhu cầu nuôi đàn lớn.

Theo bà Lương Thị Thục, Phó trưởng Phòng Dân tộc, UBND huyện Bá Thước: Các mô hình chủ yếu được hỗ trợ trên dưới 100 triệu đồng, so với yêu cầu thực tế thì khá ít, dẫn đến dàn trải. Những mô hình được hỗ trợ đúng theo nhu cầu thực tế thì cơ bản vẫn hiệu quả, song những mô hình mang tính chất thử nghiệm lại ít thành công.

Qua khảo sát của phóng viên, việc phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi chưa thành công là thực trạng chung ở các huyện miền núi của tỉnh chứ không riêng huyện Bá Thước. Vấn đề đặt ra là, cần phân tích làm rõ nguyên nhân ở những mô hình chưa thành công để đúc rút kinh nghiệm, triển khai hiệu quả các mô hình hỗ trợ trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]