(Baothanhhoa.vn) - Đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (sau đây gọi tắt là đề án) là đề án đầu tiên về chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trồng rừng gỗ lớn, góp phần thực hiện tốt đề án giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ

Đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (sau đây gọi tắt là đề án) là đề án đầu tiên về chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Kỳ (Như Thanh) kiểm tra rừng.

Đề án được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2025 tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Diện tích đăng ký tham gia đề án của toàn vùng là 1.088.208 ha, tổng kết quả với lượng giảm phát thải (bao gồm giảm phát thải và hấp thụ các bon) là 19,5 triệu tấn khí các bon níc tương đương (ký hiệu là tCO2), trong đó có khoảng 10,3 triệu tCO2 đã và sẽ được quỹ các bon trong lâm nghiệp cam kết mua, với giá dự kiến là 5 USD/tCO2 nếu đề án đạt được100% kết quả giảm phát thải như mục tiêu. Thanh Hóa đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia và sẽ triển khai thực hiện trên địa bàn 138 xã của 16 huyện, gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Thạch Thành, Hà Trung, Quảng Xương, với tổng diện tích tham gia là 238.179 ha, trong đó, các hoạt động can thiệp chuyển đổi rừng trồng chu kỳ ngắn sang chu kỳ dài cung cấp gỗ lớn là 5.000 ha và trồng rừng sản xuất gỗ lớn là 5.000 ha, đây là những hoạt động can thiệp khá quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu của đề án nói chung và quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Thanh Hóa có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 647.055,98 ha; trong đó diện tích có rừng 598.573,51 ha (rừng tự nhiên 384.082,81 ha; rừng trồng 214.490,7 ha). Tuy nhiên, hiện nay có hơn 100.000 ha rừng gỗ trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất, phần lớn trong số đó là rừng gỗ nhỏ với chu kỳ ngắn (từ 5 – 7 năm), sản phẩm gỗ chủ yếu để làm nguyên liệu giấy và dăm gỗ nên năng suất và chất lượng rừng trồng thấp, trung bình chỉ đạt 10-12m3/ha/năm, lợi nhuận bình quân/năm đạt rất thấp (từ 7-9 triệu đồng/ha/năm). Thực trạng đó không những ảnh hưởng tới giá trị sản phẩm gỗ, ảnh hưởng tới thu nhập của người dân và vấn đề môi trường, mà cũng sẽ là thách thức để Thanh Hóa hoàn thành 100% mục tiêu đăng ký tham gia đề án.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, một số thách thức và rào cản chính ảnh hưởng đến chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn, chu kỳ dài. Đó là, về phương thức sản xuất: Mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và thị trường chưa chặt chẽ (doanh nghiệp chưa hỗ trợ hiệu quả về vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho người dân; cam kết giữa doanh nghiệp và người dân còn lỏng lẻo, hiệu quả thực thi chưa cao). Về giống và kỹ thuật: Chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn dài, vốn đầu tư lớn chỉ những hộ đủ vốn và diện tích lớn mới có điều kiện thực hiện, một phần tâm lý người dân vẫn quen dùng cây giống gieo ươm từ hạt với giá thành rẻ. Các hộ gia đình trồng rừng chủ yếu là ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên trồng rừng chu kỳ ngắn để nhanh cho sản phẩm, thu nhập. Về vốn và tín dụng: Do kinh doanh gỗ lớn có chu kỳ dài hơn kinh doanh nguyên liệu gỗ nhỏ (bột giấy, băm dăm...), chi phí đầu tư lớn hơn, trong khi việc vay vốn sản xuất của các tổ chức, hộ gia đình rất khó khăn, trồng rừng có chu kỳ kinh doanh dài và rủi ro cao nên các ngân hàng thường không muốn cho vay trồng rừng. Về thị trường: Tuy trồng rừng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao hơn, song do nhu cầu thị trường nguyên liệu giấy, băm dăm tăng mạnh nên chủ rừng mới chỉ xác định kinh doanh rừng cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ...

Bên cạnh những thách thức, Thanh Hóa cũng có nhiều tiềm năng thuận lợi để chuyển đổi mô hình trồng rừng. Điển hình như về đất đai, tài nguyên rừng: Toàn tỉnh có trên 100.000 ha rừng gỗ trồng và trên 30.000 ha đất trống thuộc rừng sản xuất, chiếm 22% đất lâm nghiệp, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế rừng nói chung, phát triển gỗ lớn nói riêng. Về lao động: Dân số trong độ tuổi lao động có khoảng trên 2,16 triệu người, chiếm tỷ lệ 58,8% dân số toàn tỉnh. Về nhu cầu gỗ lớn: Theo dự báo của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, nhu cầu cung cấp gỗ lớn đến năm 2020, mỗi năm, cả nước cần từ 4 - 5 triệu m3 gỗ, do vậy thị trường tiêu thụ gỗ lớn thời gian tới là rất lớn. Mặt khác, xu hướng tiêu dùng của thị trường thế giới đã chuyển dần từ tiêu thụ các sản phẩm gỗ rừng tự nhiên sang sử dụng các sản phẩm gỗ rừng trồng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Trước thực trạng trên, Thanh Hóa đã ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ chế biến, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20-4-2015 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp tập trung vào một số nội dung: Giảm dần diện tích rừng trồng có sinh khối thấp, tăng diện tích rừng gỗ lớn, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non làm dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn, nhân nhanh và sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp mới với quy mô công nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo sinh khối lớn bằng công nghệ mô, hom... Mục tiêu đến năm 2020 hình thành và phát triển ổn định 56.000 ha rừng kinh doanh gỗ lớn với các loài cây trồng chủ yếu là keo tai tượng Úc, lát hoa, sao đen,... với chu kỳ kinh doanh từ 10 đến 12 năm, năng suất bình quân đạt từ 18 đến 20 m3/ha, sản lượng bình quân từ 200 đến 250m3/ha, doanh thu bình quân đạt 300 – 350 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân đạt từ 18 đến 25 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, trên cùng một diện tích rừng thì việc kinh doanh gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh chỉ kéo dài thêm khoảng từ 5 đến 7 năm so với gỗ nhỏ nhưng mang lại giá trị rừng cao hơn gấp 2,5 đến 3 lần.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn, chu kỳ dài của đề án theo cam kết của UBND tỉnh với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh Hóa cần đẩy mạnh và thực thi quyết liệt một số giải pháp. Cụ thể, về giống và khoa học - kỹ thuật: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu tuyển tập các loài cây trồng lâm nghiệp thích hợp cho mỗi vùng sinh thái khác nhau, có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo sinh khối lớn, có năng suất chất lượng cao. Về quan hệ sản xuất: Xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX sản xuất lâm nghiệp, thúc đẩy tạo điều kiện về thể chế để nông dân, hộ gia đình đóng góp cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm. Về tuyên truyền: Tập trung tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức sử dụng gỗ hợp pháp, tập quán sử dụng gỗ từ rừng tự nhiên sang rừng trồng. Về vốn, thị trường: Tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ và quản trị doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn, thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC), phối hợp với các ngân hàng đôn đốc, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng vay vốn trồng rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ. Về cơ chế, chính sách: Xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng kinh doanh nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn, hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng FSC để khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng và tiếp cận thị trường thế giới.


Bài và ảnh: Thu Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]