(Baothanhhoa.vn) - Tháng 5–2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 490/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018-2020. Trọng tâm của chương trình hướng đến phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trăn trở từ Chương trình OCOP

Tháng 5–2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 490/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018-2020. Trọng tâm của chương trình hướng đến phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Trăn trở từ Chương trình OCOP

Nem chua là sản phẩm nổi tiếng của Thanh Hóa, được xếp vào sản phẩm “tiền OCOP” từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa trở thành sản phẩm OCOP. Ảnh: tư liệu của L.Đ

Chương trình được coi là “công cụ” khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương đối với các sản phẩm đặc sản, đặc trưng ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống. Đây cũng chính là giải pháp để các địa phương từng bước chuyển đổi quy mô sản xuất nhỏ sang hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín trên cơ sở nội lực.

Tại Thanh Hóa, chương trình được triển khai một cách tích cực với sự vào cuộc từ tỉnh đến cơ sở. Cuối năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018–2020, định hướng đến 2030. Đơn vị được giao phụ trách triển khai Chương trình OCOP là Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, đã có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, tập huấn, khảo sát và kết nối các cơ sở sản xuất, hỗ trợ chủ thể sản xuất triển khai hồ sơ trình công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đến đầu tháng 9 này, Thanh Hóa đang có 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm OCOP quốc gia, đứng thứ 10 cả nước về số lượng sản phẩm. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, chương trình OCOP cũng đã xuất hiện một số băn khoăn, trăn trở, cần nhìn nhận để dần điều chỉnh, hướng chương trình vào chiều sâu, hiệu quả hơn.

Nghề mộc các làng Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt và Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) đều có truyền thống hàng trăm năm tuổi. Sản phẩm đồ mộc dân dụng như bàn ghế, giường, tủ... tại hai làng nghề truyền thống này đã ra Bắc vào Nam từ nhiều thập kỷ nay. Bàn tay của những người thợ lành nghề nơi đây đã tạo ra những sản phẩm tinh xảo có tiếng xa gần, thậm chí nhiều người ở TP Thanh Hóa và các tỉnh lân cận còn tìm về tận nơi để đặt đóng những sản phẩm gỗ gia dụng theo ý thích. Tuy nhiên đến nay, sản phẩm này vẫn chưa có trong danh sách những sản phẩm OCOP xứ Thanh.

Có dịp ghé thăm làng nghề Đạt Tài, chúng tôi có trao đổi với một số chủ cơ sở sản xuất, sao không triển khai thủ tục đề nghị công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh để được hỗ trợ quảng bá sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, có chủ cơ sở không biết Chương trình OCOP là gì, có chủ cơ sở nghĩ rằng, OCOP chỉ dành cho sản phẩm nông sản. Rõ ràng, còn nhiều chủ thể sản xuất không hề biết rằng, sản phẩm của mình cũng có thể trở thành sản phẩm OCOP, nếu được công nhận, sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn. Đặt giả thuyết, nếu tổ chức một cuộc khảo sát trên địa bàn nhiều địa phương khác, chắc chắn còn rất nhiều chủ cơ sở sản xuất cũng chưa biết đến chương trình lớn này. Rõ ràng, ngoài việc nhiều chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất không quan tâm, thì công tác quảng bá, tuyên truyền về OCOP hiện nay vẫn còn hạn chế, nhất là ở chính các địa phương.

Câu chuyện mực khô Sầm Sơn bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn để trở thành sản phẩm OCOP, nhưng các chủ thể sản xuất lại không tham gia chương trình, khiến nhiều người băn khoăn. Theo chia sẻ của lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, sản phẩm mực khô của người dân Sầm Sơn chất lượng tốt, nhiều năm nay được nhiều người chọn làm quà biếu mang đặc trưng Thanh Hóa. Xét thấy cần xem xét để đánh giá, xếp hạng cho hải sản đặc trưng này để nâng tầm sản phẩm, cán bộ văn phòng đã khảo sát, gợi ý các chủ cơ sở sản xuất lớn triển khai hồ sơ, nhưng họ không tham gia. Ngay cả các địa phương có nghề chế biến hải sản khô cũng không mấy hào hứng. Lý do đưa ra là, sản phẩm này hiện còn đắt hàng, chưa có tình trạng ế ẩm nên chưa cần đề xuất thành sản phẩm OCOP (!?). Đây là quan niệm chưa đúng, bởi sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không chỉ là để bán, mà còn liên quan đến các yếu tố khác, như: phát triển nguồn nhân lực, phát huy sự sáng tạo và nâng cao trình độ sản xuất, tham gia kết nối các chuỗi cung cầu, thậm chí hướng đến xuất khẩu toàn cầu...

Qua tìm hiểu thực tế, nhiều chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ở nhiều nơi có sản phẩm đặc trưng nhưng “ngại” tham gia Chương trình OCOP vì nhiều lý do. Ở nhiều địa phương, nhất là một số huyện miền núi, vai trò đồng hành của chính quyền cấp xã, cấp huyện còn hạn chế. Trong khi đây là chương trình lớn, cần cơ quan Nhà nước đồng hành cùng người dân ngay từ khâu tìm ý tưởng sản phẩm, triển khai thủ tục hồ sơ...

Những lần xét duyệt sản phẩm OCOP gần đây, rất nhiều sản phẩm na ná nhau, thậm chí “trùng nhau”. Trong 120 sản phẩm đã được công nhận, có đến cả chục sản phẩm là dưa vàng Kim Hoàng hậu, chỉ khác mỗi tên gọi do các chủ cơ sở sản xuất tự đặt mà thôi. Tương tự, cùng làng nghề mắm Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), hay Khúc Phụ (Hoằng Hóa), nhiều cơ sở cùng có sản phẩm mắm tôm, mắm tép được công nhận OCOP. Điều này không sai so với các quy định hay tiêu chí OCOP, nhưng nhiều người vẫn thấy băn khoăn cho sự phong phú của những sản phẩm, dễ gây nhàm chán cho thị hiếu người tiêu dùng.

Những sản phẩm được công nhận chuẩn OCOP hiện nay đa phần là những sản phẩm có sẵn. Dẫu biết rằng, Thanh Hóa nhiều làng nghề, nhiều nghề truyền thống, nhưng “vốn” sản phẩm cũng có hạn, yêu cầu sáng tạo, phát triển những sản phẩm mới của chương trình thì chưa đạt được như mong muốn. Đề án xây dựng sản phẩm các làng nghề du lịch cộng đồng ở huyện Bá Thước cũng được xây dựng nhiều năm, nhưng đến nay, “sáng tạo” này cũng chưa thành sản phẩm OCOP.

Mỗi sản phẩm sau khi được xét duyệt, công nhận OCOP hiện được hỗ trợ 75 triệu đồng để phát triển quảng bá, làm video giới thiệu, nhãn mác... cho sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở sản xuất sau khi được hỗ trợ thì chưa chú trọng mục tiêu này. Có chủ thể sản xuất liên tục đề xuất các sản phẩm, thậm chí lần sau chỉ thêm một vài loại và không được sản xuất liên tục. Những lần xét duyệt gần đây, có nhiều sản phẩm bị loại bởi những lý do này.

Nhiều sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa có chất lượng tốt, nhưng không nhiều trong số đó vào được các chuỗi cung ứng siêu thị. Điều này đặt ra yêu cầu phải đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá của cả chủ cơ sở sản xuất cũng như chính quyền các địa phương và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh. Tại nhiều hội chợ triển lãm cấp tỉnh gần đây, hàng hóa giới thiệu chỉ toàn những gương mặt thân quen.

Không ít những băn khoăn, nỗi niềm trong triển khai Chương trình OCOP, cần nhìn thẳng để khắc phục, biến chương trình lớn này thành động lực phát triển sản xuất ở các địa phương.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]