(Baothanhhoa.vn) - Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp trọng điểm để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, bền vững, những năm gần đây, nền nông nghiệp tỉnh ta đã từng bước hiện đại hóa, ứng dụng khoa học vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, trên địa bàn tỉnh ta đã và đang hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mang lại cho người dân những mùa xuân no ấm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín hiệu vui từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp trọng điểm để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, bền vững, những năm gần đây, nền nông nghiệp tỉnh ta đã từng bước hiện đại hóa, ứng dụng khoa học vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, trên địa bàn tỉnh ta đã và đang hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mang lại cho người dân những mùa xuân no ấm.

Tín hiệu vui từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Chăm sóc dưa Kim Hoàng hậu tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Alaka, xã Xuân Bái (Thọ Xuân).

Những ngày cuối năm, bảng lảng sương và rét ngọt nhưng trong khu sản xuất dưa Kim Hoàng hậu ứng dụng CNC của Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Alaka, xã Xuân Bái (Thọ Xuân) tràn đầy sự ấm áp và niềm vui. Bởi hiệu quả bước đầu từ sản xuất nông sản ứng dụng CNC đã được khẳng định. Anh Phạm Văn Trọng, giám đốc công ty, chia sẻ: Cuối năm 2017, Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Alaka đầu tư hơn 8 tỷ đồng cho hệ thống nhà lưới tại xã Xuân Bái. Sau 1 năm sản xuất, sản phẩm chủ lực là dưa Kim Hoàng hậu ứng dụng công nghệ nhà màng, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động và chăm sóc bảo đảm quy trình VietGap hiệu quả đạt được vượt trội hẳn so với sản xuất truyền thống. Năm 2018, sản lượng dưa Kim Hoàng hậu của công ty ước đạt hơn 80 tấn, doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng.

Những con số về hiệu quả kinh tế mà anh Trọng đưa ra gây cho chúng tôi sự hoài nghi. Nhưng chúng tôi lại được thuyết phục bằng những phép tính đơn giản: Tổng diện tích nhà màng của công ty khoảng 12.000 m2, chia thành 7 khu. Nhờ việc sử dụng biện pháp luân canh, gối vụ nên mỗi khu sẽ có thời gian thu hoạch sản phẩm khác nhau, năng suất đạt 4 tấn/khu/vụ. Thông thường, 1 lứa dưa từ 65 - 70 ngày, nên có thể sản xuất 3 vụ/năm, quanh năm đơn vị đều có sản phẩm cung ứng ra thị trường. Tham quan khu sản xuất, chúng tôi được “mục sở thị” sức sống của khu sản xuất ứng dụng CNC và cảm nhận được không khí tươi vui, hối hả, lao động hăng say của công nhân trong công ty. Người khẩn trương thu hoạch dưa chín, người ngắt lá cho diện tích dưa đã cho quả, một nhóm khác đang đo độ ẩm và thụ phấn cho dưa đang thời kỳ phát triển... Anh Lê Đức Thuận, cán bộ quản lý, cho biết: Vì làm chủ được độ ẩm, không khí và bảo đảm dưỡng chất cho cây sinh trưởng nên dù không phải chính vụ dưa Kim Hoàng hậu nhưng công ty vẫn duy trì được diện tích, bảo đảm cung ứng cho thị trường khoảng 6-7 tấn vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Theo kinh nghiệm sản xuất, việc trồng dưa trái vụ có nhiều khó khăn song hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn gấp 1,7 đến 2 lần so với sản xuất chính vụ và cao hơn 10 đến 12 lần sản xuất truyền thống.

Bên cạnh trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản tỉnh ta cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận từ ứng dụng CNC vào sản xuất. Trên địa bàn tỉnh các mô hình chăn nuôi gà lông màu, lợn, bò thịt, bò sữa... theo quy mô tập trung, áp dụng công nghệ chuỗi khép kín, sử dụng máng ăn, máng uống tự động từng bước được nhân rộng. Nhiều thành tựu khoa học - kỹ thuật được áp dụng vào khai thác thủy sản, như: Công nghệ bảo quản lạnh mới, công nghệ dò cá Sona, ứng dụng hệ thống cơ giới hóa trong khai thác, thu lưới vây, máy thu thả câu... Đồng thời, ứng dụng CNC, sử dụng bể xi măng có mái che, nhà kính để nuôi trồng thủy sản tại các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Tĩnh Gia...

Trên toàn tỉnh, đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp CNC, từ đó hình thành được các mô hình nông nghiệp điểm, hạt nhân và làm cơ sở để nhân rộng. Điển hình như các mô hình: Sản xuất rau, quả thực phẩm sạch nhà mái che và cánh đồng mở, với quy mô 50 ha của Trung tâm Nông nghiệp CNC Lam Sơn; trồng thanh long, dưa vàng tại Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông; dự án trang trại bò sữa quy mô 16.000 con của Công ty CP sữa Việt Nam – Vinamilk; trang trại chăn nuôi gà tập trung, khép kín của Công ty CP Nông sản Phú Gia... Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã có 255.070 m2 nhà lưới, 9 dự án đầu tư vào chăn nuôi tập trung, bền vững có áp dụng công nghệ chuỗi khép kín, có hệ thống quạt thông gió, hệ thống máng ăn uống tự động, xử lý chất thải bằng biogas, hệ thống cấp điện chủ động... Hơn 300 ha tôm thẻ chân trắng được sử dụng biện pháp thâm canh, ứng dụng CNC... Sự phát triển của nền nông nghiệp ứng dụng CNC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, hình thành những vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn mà còn nâng cao trình độ, tay nghề, thay đổi tư duy sản xuất cho đội ngũ lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hòa, xã Xuân Bái (Thọ Xuân), hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Alaka, cho biết: Từ khi được làm việc trong khu sản xuất CNC, lao động thường xuyên được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng theo quy chuẩn cũng như được tìm hiểu về các quy trình chăm sóc để sản xuất được sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn, chất lượng.

Phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh ta không chỉ dừng lại ở một số huyện trọng điểm như Thọ Xuân, Yên Định, Đông Sơn mà tại các huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa, Hà Trung, Nga Sơn... sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cũng đang phát triển, đạt được những kết quả khả quan. Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, khẳng định: Nông nghiệp tỉnh ta đang có bước đi đúng hướng khi tập trung, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC. Kết quả bước đầu rất khả quan là động lực để tỉnh nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 32,7% và đến năm 2025 lên hơn 50% tổng giá trị sản phẩm của ngành nông nghiệp. Tỉnh ta đã khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện tích tụ ruộng đất tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC. Đồng thời, phát triển nghiên cứu, hoàn thiện và đưa vào ứng dụng các quy trình công nghệ trong sản xuất nông, lâm, thủy sản; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong quy hoạch và phát triển vùng sản xuất tập trung; tăng cường sự liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà tư vấn và nhà nông, tạo cầu nối cho các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận với thị trường; quan tâm vốn ưu đãi kích cầu cho doanh nghiệp, trên cơ sở đó, nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp CNC.

Một mùa xuân mới đang về. Tín hiệu vui từ các mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ mở ra tương lai và hy vọng mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng với tiền đề này, chắc chắn ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ có những bước đột phá và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]