(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2011-2020, được sự quan tâm của Trung ương, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể Nhân dân, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa - một cực tăng trưởng mới

Trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2011-2020, được sự quan tâm của Trung ương, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể Nhân dân, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Thanh Hóa - một cực tăng trưởng mớiSản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn.

Nền kinh tế tăng trưởng nhanh và đột phá. Quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ước tính, năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tới 49,3%, dịch vụ chiếm 31,5%, nông nghiệp chiếm 10%. Cùng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, thu ngân sách của tỉnh tăng trưởng đột biến và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 43,53 triệu đồng, gấp 4,3 lần năm 2010 và gấp 1,76 lần năm 2015.

Trong giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng GRDP bình quân của Thanh Hóa ước đạt 12,5%; trong đó, năm 2019, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 2 cả nước. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện. Cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, nhất là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; tạo được sự đột phá trong thu hút vốn cho đầu tư phát triển, trong đó nổi bật là nguồn vốn FDI. Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.122 dự án đầu tư trực tiếp vào Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký 110.000 tỷ đồng và 3,85 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa hiện đang đứng thứ 8 cả nước, với 129 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,2 tỷ USD.

Đột phá rõ rệt trong tăng trưởng của tỉnh là lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu, với giá trị tăng trưởng bình quân 15%/năm, đưa Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp và xuất khẩu ở khu vực Bắc Trung bộ. Với việc đưa một số cơ sở công nghiệp mới, có quy mô lớn đi vào hoạt động như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nhà máy Xi măng Long Sơn, Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Cẩm Thủy I, Nhà máy Xi măng Công Thanh, các dự án may mặc, giày da... đã tăng đáng kể năng lực công nghiệp của tỉnh những năm gần đây. Cùng với sự phát triển trên lĩnh vực công nghiệp với các mặt hàng sản xuất ngày càng đa dạng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tỉnh tăng nhanh, đưa Thanh Hóa về đích trước chỉ tiêu quy mô giá trị xuất khẩu hàng hóa so với mục tiêu nhiệm kỳ. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ về tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và là một trong 20 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước. Đồng thời, cũng là địa phương có số lượng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ.

Những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn ước đạt 3,7% và dự báo sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP cả năm 2020. Đây là mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành phố, đóng góp vào mức tăng GRDP chung của cả nước.

Không chỉ phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tỉnh Thanh Hóa còn được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, cải cách TTHC được xác định là 1 trong 4 khâu đột phá của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2015-2020, nhằm tạo chuyển biến căn bản về môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Năm 2020, Thanh Hóa đã vươn lên xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đứng thứ 24 toàn quốc về chỉ số PCI; thứ 43/63 tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính; xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, ngoài đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế về vùng đất, con người xứ Thanh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao tính năng động, tiên phong, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và môi trường kinh doanh tại Thanh Hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nhiều địa phương và thế giới tăng trưởng âm do chịu tác động của dịch bệnh, ông đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã sớm khôi phục hoạt động sản xuất và khởi động hoạt động đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư vào tỉnh. Thành quả 34 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ USD, đã đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về thu hút đầu tư của cả nước.

Xác định vị trí và tầm quan trọng của Thanh Hóa trong vùng và cả nước, hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thanh Hóa, tạo ra sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức của tất cả các cấp, từ đó mở đường cho việc đưa ra những giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút mọi nguồn lực, cả vật chất và tinh thần, đưa tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, mới đây, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đồng ý ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đặc biệt, sự kiện này diễn ra trước thời điểm Thanh Hóa tổ chức Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX là điều kiện thuận lợi để tỉnh xác định đúng đường hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới.

Thanh Hóa, với vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, đối ngoại và quốc phòng - an ninh của Tổ quốc, sẽ phấn đấu để sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại và kiểu mẫu. Tỉnh Thanh Hóa được định hướng sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]