(Baothanhhoa.vn) - Ngay từ những ngày đầu năm 2018, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (BQL KKTNS&CKCN) tỉnh đã phân công cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân để thực hiện và lãnh đạo từng nhiệm vụ chuyên môn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thành công trong năm 2018 tạo cơ hội mới cho phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp

Thành công trong năm 2018 tạo cơ hội mới cho phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Ngay từ những ngày đầu năm 2018, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (BQL KKTNS&CKCN) tỉnh đã phân công cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân để thực hiện và lãnh đạo từng nhiệm vụ chuyên môn.

Cùng với sự vận động phát triển chung của tỉnh, những nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, người lao động BQL KKTNS&CKCN đã thu hái nhiều thành quả đáng mừng, tạo tiền đề cho phát triển KKTNS&CKCN trong những năm tới.

Đầu tiên, nhiệm vụ cải cách hành chính được ban quan tâm với tiêu chí “4 tăng, 2 giảm và 3 không” (4 tăng: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. 2 giảm: Giảm thời gian và giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính. 3 không: Không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần; không trễ hẹn) và mục tiêu xây dựng “cơ quan hành chính phục vụ”. Trong năm, ban cũng tổ chức tiếp nhận 1.614 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết đúng hạn 1.604 hồ sơ, đang giải quyết 10 hồ sơ.

Thành công trong năm 2018 tạo cơ hội mới cho phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệpBốc xếp hàng hóa qua Cảng Quốc tế Nghi Sơn.

Một trong những nhiệm vụ lớn nhất được tỉnh giao là xúc tiến đầu tư được ban triển khai có hiệu quả. Trong năm, lãnh đạo BQL KKTNS&CKCN tỉnh đã tiếp và làm việc với 55 đoàn nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư và ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, như: Tập đoàn Semcorp và Công ty Boilermaster (Singapore); Công ty Huyndai Heavy Engineering và Công ty Inner Foam (Hàn Quốc)... Cùng với đó, ban đã thẩm định và cấp mới 40 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 14.886 tỷ đồng và 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 38,1 triệu USD. Đồng thời, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư cho 53 lượt dự án với số vốn đăng ký đầu tư tăng thêm là 2.536 tỷ đồng và 2,3 triệu USD, chấm dứt hoạt động của 10 dự án. Lũy kế đến nay, KKTNS&CKCN thu hút được 504 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 131.147 tỷ đồng và 43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 13.224 triệu USD; giá trị thực hiện trong năm 2018 đạt 5.259 tỷ đồng và 1.079 triệu USD, lũy kế đạt 56.545 tỷ đồng và 10.426 triệu USD.

Hoạt động hỗ trợ trước, trong và sau đầu tư được tăng cường, các chủ đầu tư được hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thực hiện thủ tục hành chính có liên quan để triển khai dự án, đặc biệt là vướng mắc kéo dài trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Nhiều dự án lớn, như: Dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (ký hợp đồng BOT, GPMB khu vực cảng); Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (các hạng mục về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cấp nước); Dự án Nhà máy sản xuất bao bì Đại Dương (mặt bằng, thủ tục hành chính); Dự án Nhà máy gang thép Nghi Sơn...

Tuy nhiên, thực hiện phương châm “không đánh đổi sự phát triển lấy môi trường” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định nhiều lần trên các diễn đàn, trong năm, ban đã thẩm định, phê duyệt 39 báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho 30 dự án, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho 5 dự án. Công tác theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường được quan tâm. Ban cũng tăng cường giám sát, nghiệm thu công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu tái định cư, các tuyến giao thông trục chính trong KKTNS&CKCN theo quy định.

Xác định yếu tố con người là then chốt cho sự phát triển, ban đã phối hợp với công đoàn KKTNS&CKCN tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp và nhà thầu xây lắp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chế độ tiền công, tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong năm, đã có thêm 9 công đoàn cơ sở tại KKTNS&CKCN. Ban cũng yêu cầu 30 doanh nghiệp sử dụng lao động ký cam kết bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức tháng công nhân; đối thoại, giải quyết các tranh chấp chế độ người lao động dẫn đến đình công, ngừng việc tập thể tại KCN Hoàng Long.

Để các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án, ban đã phối hợp thực hiện nhiệm vụ GPMB với huyện Tĩnh Gia và một số địa phương liên quan. Đối với 15 dự án đầu tư hạ tầng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, năm 2018 đã GPMB và bàn giao cho nhà thầu thi công 13,07 km của 13 dự án tuyến đường và hệ thống thoát nước tại các mặt bằng; đồng thời giải phóng được 133 ha mặt bằng cho triển khai các dự án lẫn hạ tầng giao thông.

Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại KKTNS&CKCN được duy trì ổn định và có bước phát triển khá. Giá trị sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ thương mại cả năm đạt khoảng 145.757 tỷ đồng, tăng 4,98 lần so với năm trước; giá trị xuất nhập khẩu đạt 1.382 triệu USD, bằng 173% năm trước; nhập khẩu đạt 3.479 triệu USD, bằng 621% so với năm trước; nộp ngân sách Nhà nước 11.970 tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với năm trước; giải quyết việc làm ổn định cho trên 84.400 lao động với thu nhập bình quân đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Việc tranh thủ các nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng tại KKTNS&CKCN được thực hiện có hiệu quả với 425 tỷ đồng được huy động, đã thực hiện và giải ngân theo khối lượng 373,5 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch (số còn lại thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương dành cho thực hiện nhiệm vụ chuyển tiếp công tác GPMB năm 2019).

Ngày 7-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1699/QĐ-TTg “Về việc phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung KKTNS, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050” đã tạo ra bước ngoặt mới cho phát triển KKTNS.

Năm 2019, BQL KKTNS&CKCN tỉnh đã đề ra nhiều mục tiêu phát triển; trong đó, phấn đấu tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong vùng quản lý đạt 150.000 tỷ đồng (KKTNS 135.000 tỷ đồng; các KCN 15.000 tỷ đồng); tổng giá trị xuất khẩu đạt 1.500 triệu USD; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 22.500 tỷ đồng; giải quyết việc làm thêm cho khoảng 15.000 lao động. Thu hút vốn đầu tư cũng được kỳ vọng khoảng 12.000 tỷ đồng và 1.500 triệu USD; dự kiến huy động khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn có tính chất ngân sách và vốn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]