(Baothanhhoa.vn) - Năm 2022, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt cao nhất từ trước tới nay, với tổng thu 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ. Thành tích đó có phần đóng góp không nhỏ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nơi “đầu não” kinh tế của tỉnh - Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), xét về cả thu nội địa và hoạt động xuất nhập khẩu.

“Sức sống Nghi Sơn”

Năm 2022, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt cao nhất từ trước tới nay, với tổng thu 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ. Thành tích đó có phần đóng góp không nhỏ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nơi “đầu não” kinh tế của tỉnh - Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), xét về cả thu nội địa và hoạt động xuất nhập khẩu.

“Sức sống Nghi Sơn”

Vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn.

Đến nay, KKTNS đã thu hút được 296 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.530 tỷ đồng và 24 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.814 triệu USD. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức từ dịch COVID-19, giá nguyên vật liệu tăng cao, nhiều dự án trọng điểm tại KKTNS vẫn bảo đảm tiến độ thi công đề ra và đi vào vận hành đúng kế hoạch, góp phần tăng năng lực và đa dạng sản phẩm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Nghi Sơn hiện nay đã chính thức trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, với 2 nhà máy nhiệt điện, phát điện với tổng công suất hơn 11,4 tỷ kWh hàng năm lên lưới điện quốc gia, tạo niềm tin, sức lan tỏa mạnh mẽ về thu hút đầu tư trên khu kinh tế trọng điểm này. Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, với công suất 3 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng mới khởi công những ngày đầu xuân mới năm 2022 cũng đã gần “về đích” thi công giai đoạn 1. Ông Trịnh Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VAS, cho biết: Dự án Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 được đầu tư không những tiếp tục khẳng định thương hiệu thép Nghi Sơn, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây cũng là dự án thứ 6 mà tập đoàn triển khai đầu tư trên địa bàn KKTNS.

Cùng với các dự án đầu tư mới, trong năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại KKTNS vẫn được giữ vững, đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Theo thống kê từ Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp tỉnh, tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tại KKTNS đạt hơn 251.000 tỷ đồng, tăng 66,7% so với cùng kỳ, nộp ngân sách Nhà nước hơn 25.000 tỷ đồng, tăng gần 56% so với cùng kỳ, giải quyết việc làm cho gần 36.000 lao động.

Với sức “cuốn hút” sẵn có, nắm bắt những định hướng của tỉnh và xu thế đầu tư, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp xúc tiến nhằm đưa Nghi Sơn tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều đoàn đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Ấn Độ đã đến nghiên cứu, tìm hiểu để có định hướng đầu tư những dự án có giá trị gia tăng cao. Mới đây nhất, trong những ngày cuối tháng 12-2022, sau thời gian tìm hiểu, khảo sát, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng khu công nghiệp dược phẩm công nghệ cao Việt Nam - Ấn Độ (VNIP) đã chính thức được tỉnh Thanh Hóa trao chứng nhận đầu tư Khu Công nghiệp dược phẩm quốc tế tại KKTNS, với tổng vốn đầu tư 12.200 tỷ đồng. Việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp này được hoạch định với những lộ trình bài bản, kỳ vọng sẽ đưa Nghi Sơn thành trung tâm dược phẩm của thế giới trong một tương lai không xa.

“Sức sống Nghi Sơn”

Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại KKTNS.

Cũng trong năm 2022, KKTNS cũng đã chính thức cấp thêm chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án mới. Đó là Tổ hợp cơ khí và bảo dưỡng PTSC Thanh Hóa, Dự án tư vấn kỹ thuật phát triển Nhà máy Điện Nghi Sơn, kho vận TLT của Công ty CP Đầu tư thương mại thuốc lá Thanh Hóa... Nhiều dự án cũng đang tiếp tục được nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục để đăng ký mới trong năm 2023.

Trong chương trình phát triển KKTNS và các Khu công nghiệp tỉnh, giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển KKTNS trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Trong đó, sẽ xây dựng và phát triển các khu công nghiệp với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang nghiên cứu, xem xét để ban hành đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong KKTNS. Đề án này đang được kỳ vọng sẽ tạo một “cuộc cách mạng” nhằm gỡ những “nút thắt” về giải phóng mặt bằng trong các khu công nghiệp tại KKTNS, “lột xác” hạ tầng tại khu vực này để tạo sức hút đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Bài và ảnh: Tùng Lâm


Bài và ảnh: Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]