(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi về xã Bình Sơn (Triệu Sơn) vào ngày đầu xuân. Những đồi chè xanh biếc, tràn đầy sức sống đã có cơ hội để phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sắc xuân trên vùng chè Bình Sơn

Chúng tôi về xã Bình Sơn (Triệu Sơn) vào ngày đầu xuân. Những đồi chè xanh biếc, tràn đầy sức sống đã có cơ hội để phát triển.

Sắc xuân trên vùng chè Bình Sơn

Người dân xã Bình Sơn thu hoạch chè búp.

Ông Lê Đình Tú, giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, tâm sự: Xã Bình Sơn có 357 ha chè, với hơn 400 hộ trồng chè, chế biến và dựa vào chè để sống. Tuy nhiên, trước đây người dân địa phương vẫn theo nếp sản xuất cũ, chưa chú trọng đến sản xuất theo hướng hàng hóa, mỗi tháng nhà nhiều nhất cũng chỉ thu về khoảng 10 – 20 kg chè khô, thu nhập không cao. Do đó, sản phẩm chè Bình Sơn tuy chất lượng không thua kém các sản phẩm chè Thái Nguyên nhưng không tạo được sự bứt phá, ghi dấu ấn trên thị trường. Từ giữa năm 2016, HTX chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012; đồng thời, chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường cho sản phẩm chè của địa phương. Ngoài ra, năm 2019, sản phẩm chè khô Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện và tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chính là cơ hội lớn để thương hiệu chè Bình Sơn bay xa, khẳng định chất lượng, tiêu chuẩn và khả năng phát triển tại thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Theo giới thiệu ông Lê Đình Tú, chúng tôi đến thôn Đông Tranh, nơi được xem là hạt nhân phát triển mạnh mẽ của vùng chè Bình Sơn. Ở thôn, hầu như nhà nào cũng trồng chè, từ những mảnh vườn nhỏ đến những vạt đồi trải dài tít tắp đều phủ màu xanh của chè. Thời điểm này, những đồi chè đang vươn mình nảy những mầm non, cho ra những búp chè non xanh, tạo nên mùi vị, thương hiệu riêng của vùng. Đang thoăn thoắt hái chè, bà Lê Thị Quế, thôn Đông Tranh, cho biết: Cây chè bén rễ tại vùng đất Bình Sơn gần 30 năm song chưa có được những điều kiện để phát triển ở quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2016, khi HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn “vào cuộc”, giá trị kinh tế của chè và cuộc sống của người trồng chè đã được nâng lên rõ rệt. Từ chỗ nhà nhiều chỉ tiêu thụ 10-20kg chè khô/tháng, đến nay lượng tiêu thụ trung bình của thôn đã đạt 25-30kg/hộ/tháng và hàng tạ chè tươi. Nhiều hộ đã cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập nhờ cây chè...

Được biết, trên địa bàn xã Bình Sơn hiện chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua, chế biến sản phẩm chè. Do đó, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã đứng ra tổ chức đưa người dân đi học tập kinh nghiệm, tham khảo mô hình sản xuất chè ở nhiều tỉnh, thành phố, như: Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang... Đồng thời, vận dụng để phát triển mô hình “mỗi hộ gia đình là 1 nhà máy chế biến chè”. Từ đó, nhiều hộ trong xã đã đầu tư máy móc để chủ động sao chè, đóng hút chân không, in lô gô, nhãn mác... tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, HTX thu mua và tiêu thụ sản phẩm.

Sinh ra, lớn lên tại vùng chè, ông Lê Hồng Phong, thôn Đông Tranh càng hiểu hơn hành trình của cây chè mang lại hạnh phúc, ấm no cho người dân trong xã. Ngồi nhẩn nha bên ấm trà xuân, ông kể: Trước đây, vùng đất Bình Sơn vốn hoang vu, địa hình cao nên ít có loại cây trồng nào thích nghi được. Từ năm 1992 cây chè được đưa vào trồng thử nghiệm theo Dự án 327, diện tích 200 ha, với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các xưởng chế biến chè ở khu vực. Cây chè phù hợp với vùng đất này nên chẳng mấy chốc cả vùng đất Bình Sơn đã choàng lên mình màu xanh của những đồi chè và đặc trưng của sản phẩm chè Bình Sơn chính là sự thơm, ngon, đậm đà pha lẫn với vị chát nhẹ mà nhiều vùng trồng chè khác trong cả nước không có được. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ hoạt động được một thời gian ngắn nên sản phẩm chè của địa phương không có đầu ra ổn định; người dân chủ yếu tự thu hoạch, tự sao chè búp để bán ra thị trường, do đó hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại không được ổn định. Để nâng cao thu nhập cho người dân và giá trị kinh tế cho sản phẩm chè Bình Sơn, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh, huyện đã quan tâm, triển khai nhiều lớp tập huấn để người dân ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chè đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhất là khi tỉnh, huyện triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, cây chè được chú trọng đầu tư trở thành cây trồng chủ lực và phát triển chè khô thành sản phẩm lợi thế của địa phương. Do đó, người dân được đầu tư về kỹ thuật nên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm được nâng lên. Trung bình sản lượng chè tại xã đạt 44 tấn/năm, tổng doanh thu từ sản xuất chè đạt khoảng 12 tỷ đồng; sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận... Tất cả như mở ra hướng phát triển mới đầy hy vọng cho vùng đất này.

Nhằm xây dựng sản phẩm chè khô Bình Sơn thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Sơn đã khuyến khích người dân chăm sóc, thu hái, bảo vệ, bảo tồn nguồn giống; đồng thời, đưa đội ngũ cán bộ khuyến nông về vùng chè để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè đúng thời vụ, chế biến chè đảm bảo chất lượng cho người nông dân. Ông Bùi Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, cho biết: Từ trồng chè, chế biến chè, người dân ở vùng chè Bình Sơn đã không ngừng nâng cao thu nhập, cuộc sống ổn định. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu nhờ cây chè, thu nhập bình quân của người dân toàn xã đã đạt mức 44 triệu đồng/người/năm. Để có được sự phát triển đó ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên, kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăm sóc, thu hoạch, chế biến còn là sự đổi thay trong hướng tiếp cận thị trường, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của mỗi người dân. Hiện nay, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đang triển khai dự án trồng, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ... và thúc đẩy các hộ trồng chè trong vùng tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng để từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

Những đổi thay trong tư duy sản xuất, những tín hiệu mới trong phát triển, nâng tầm sản phẩm chè khô Bình Sơn chính là tiền đề, cơ hội mới mang nhiều kỳ vọng về sự đổi thay, phát triển của vùng đất Bình Sơn.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]