(Baothanhhoa.vn) - Có dịp trở về những vùng biển xứ Thanh những ngày đầu xuân mới, chúng tôi mới cảm nhận được không khí rộn ràng của người dân nơi đây khi họ cùng nhau tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, sắm sửa lễ vật để cúng cá Ông, cúng thuyền, cúng bến... với mong muốn một năm mới thuận buồm, xuôi gió...

Sắc xuân ở vùng biển

Có dịp trở về những vùng biển xứ Thanh những ngày đầu xuân mới, chúng tôi mới cảm nhận được không khí rộn ràng của người dân nơi đây khi họ cùng nhau tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, sắm sửa lễ vật để cúng cá Ông, cúng thuyền, cúng bến... với mong muốn một năm mới thuận buồm, xuôi gió...

Sắc xuân ở vùng biểnNgư dân xã Quảng Nham (Quảng Xương) chuẩn bị cho chuyến ra khơi ngày đầu năm.

“Cõi thiêng” nơi cửa biển

Với ý niệm “một năm khởi đầu từ mùa xuân”, “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”, các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với ngư dân vùng biển trong chuyến ra khơi đầu năm mới. Do đó, vào đầu năm nhiều nghi lễ độc đáo, đặc trưng của cư dân làng biển sẽ được thực hiện theo phong tục, tập quán từ ngàn đời xưa truyền lại. Điều đó cũng lý giải vì sao, trải dài khắp vùng ven biển Thanh Hóa đã sớm hình thành nên hệ thống di tích, đền chùa, miếu mạo phong phú, dày đặc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, tiêu biểu như cụm di tích đền Phúc và bia Tây Sơn, xã Quảng Nham (Quảng Xương), Cụm Di tích nghè Diêm Phố, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), Công viên văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa)...

Về cụm di tích đền Phúc và bia Tây Sơn những ngày đầu xuân, mới thấy được tầm quan trọng trong việc đi lễ chùa của ngư dân nơi đây. Là người đã gắn với nghề đi biển từ nhiều năm nay, ngư dân Vũ Văn Phú, thôn Hải cho biết: Sống lênh đênh trên sông nước cả năm, đối mặt với bao hiểm nguy rình rập, nên không chỉ dịp đầu xuân mà vào các ngày lễ, tết, hay bắt đầu cho những chuyến ra khơi, hầu hết ngư dân chúng tôi đều ra đền thắp hương cầu mong bình an, trời yên bể lặng, thuyền ra khơi về tôm cá đầy khoang...

Ông Hoàng Văn Tâm, cán bộ văn hóa xã Quảng Nham chia sẻ: Việc đi lễ đầu năm của những cư dân vùng ven biển không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn thể hiện đời sống tinh thần phong phú. Gắn liền với việc đi lễ, người dân nơi đây còn tổ chức nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn vùng sông nước, kéo dài từ ngày 18 tháng Chạp đến hết ngày 16 tháng Giêng. Trong đó, nhiều lễ hội tiêu biểu như lễ hội chảy mã (ngày 18), lễ hội cỗ làng (ngày 20), lễ hội mở hội xuân (ngày mùng 2 tết)... Cùng với đó, nhiều loại hình thể thao, dân ca, dân vũ gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển cũng được hình thành và phát triển, từ hội đua thuyền truyền thống, đến các hội hát, trò chơi đấu vật, đấu võ, cờ thẻ, cờ người... Hình thức sinh hoạt văn hóa này là tín ngưỡng tâm linh gắn liền với công việc, sinh hoạt của ngư dân, được trao truyền và tiếp nối qua nhiều thế hệ. Qua đó, cũng là dịp để ngư dân gửi gắm niềm mơ ước về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Trong đời sống cộng đồng ngư dân biển những ngày đầu năm mới lễ tế cá Ông và lễ hội Cầu Ngư được coi là một lễ hội lớn, có giá trị trong đời sống tâm linh. Tương truyền, tục thờ cá Ông gắn với hiện tượng có thật về loài cá Voi hay cứu người và thuyền gặp nạn trên biển. Khi biển động, để tránh sóng, theo bản năng cá Voi sẽ tìm những vật nổi trên mặt biển nép vào và cùng với vật ấy trôi vào bờ. Điều này đã khiến cho ngư dân tin rằng cá Voi đã cứu người, cứu thuyền khi gặp bão tố giữa biển khơi. Bởi vậy, việc thờ vị thần này được bà con ngư dân coi trọng, giữ gìn qua nhiều thế hệ và xem là “cõi thiêng” nơi cửa biển.

Cùng với tục thờ cá Ông đã hình thành nên lễ hội cầu Ngư, trải dài ở hầu khắp các địa phương ven biển từ xã: Nga Bạch (Nga Sơn), Ngư Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), phường Quảng Cư và Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), Quảng Nham (Quảng Xương), đến tận Hải Thanh, Hải Bình (thị xã Nghi Sơn)... Lễ hội thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, với mục đích tạ ơn các vị thần đã ban cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Những lễ hội văn hóa đặc sắc và nghi thức mang đậm tín ngưỡng của ngư dân ven biển đã góp phần tạo nên hương sắc làng biển trong mùa xuân mới. Ở đó còn chứa đựng những khát vọng, tinh thần hướng biển của ngư dân địa phương cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Ngư dân “mở cửa biển” đầu năm

Chúng tôi tìm về xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) những ngày đầu năm mới. Xã biển như bừng lên sức sống mới, nhộn nhịp hơn, đông vui hơn. Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thủy, cán bộ văn hóa xã phấn khởi cho biết: Toàn xã hiện có 531 phương tiện khai thác thủy sản (trong đó tàu có công suất từ 240 CV - 829 CV là 101 chiếc, phương tiện te ủi 26 chiếc, bè mảng gắn máy công suất từ 24 CV – 125 CV 404 chiếc). Nhờ đó, sản lượng khai thác năm 2021 của toàn xã ước đạt 9.430 tấn (đạt 101,4% kế hoạch)... Những năm qua, nhờ tinh thần đoàn kết bám biển, vươn khơi mà cuộc sống của ngư dân nơi đây đang đổi thay. Thông thường, sau khi kết thúc một năm ra khơi, ngư dân lại cùng nhau trở về đón tết. Vào khoảng ngày mùng 4 tháng Giêng (theo quan niệm của ngư dân là ngày tốt), ngư dân trong xã lại bắt đầu xuất hành, mở cửa biển, khởi đầu cho một năm đánh bắt mới. Bởi vậy, từ trước đó, các tàu đã bơm dầu, lấy đá, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho chuyến biển đầu năm. Trước khi đi còn sắm sửa lễ vật để cúng cá Ông, cúng thuyền, cúng bến... cầu bình an, may mắn, được nhiều “lộc biển”... Trên tàu cá, các ngư dân cũng thay cờ Tổ quốc mới, giăng nhiều băng rôn, khẩu hiệu để khích lệ tinh thần, đánh bắt được nhiều hải sản.

Ngư dân Lê Văn Thắng, thôn 1, xã Hoằng Trường hồ hởi cho biết: những chuyến đi biển ngày đầu năm mới rất quan trọng đối với ngư dân. Tuy đây là thời điểm không phải nhiều cá, tôm nhưng nó lại mang ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Chúng tôi ra khơi những ngày này để cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, ngư dân được bình yên.

Tại vùng biển xã Quảng Nham cũng nhộn nhịp cảnh mua bán của ngư dân và tiểu thương để “mở hàng” cho một năm mới. Người bán, người mua đều vui vẻ vì mua bán đầu năm chỉ như hành động “mở hàng” tượng trưng để cả năm “mua may, bán đắt”. Ông Hoàng Văn Tâm, cán bộ văn hóa xã vui vẻ cho hay: Toàn xã hiện có 322 phương tiện khai thác thủy sản (trong đó có 271 phương tiện tàu thuyền, 41 bè mảng với công suất 48.875 CV), giải quyết việc làm cho 1.980 lao động. Tổng sản lượng khai thác hằng năm của xã đạt khoảng 9.500 tấn. Những ngày đầu xuân khắp làng trên xóm dưới nhộn nhịp lắm, người thì cắm cờ Tổ quốc, người thì sửa soạn lễ vật để dâng lên các vị thần chuẩn bị cho tàu thuyền ra khơi. Năm nay, nhiều ngư dân ở xã lựa chọn ngày mùng 4 và mùng 6 tháng Giêng làm ngày tốt để cúng “mở cửa biển”. Đây là nghi lễ truyền thống có từ hàng trăm năm trước của ngư dân, thể hiện tấm lòng thành kính của ngư dân đối với đất trời đã giúp họ bình yên trong những chuyến ra khơi, sản xuất an toàn và bội thu.

Về vùng biển những ngày đầu xuân mới, dưới cái se lạnh hòa lẫn màu xanh của biển. Xa xa, phóng tầm mắt nhìn những con tàu sơn xanh, phấp phới cờ đỏ sao vàng rẽ sóng tiến ra biển khơi mới cảm nhận được rõ ràng khí thế ra quân đầu năm của ngư dân. Ai cũng tràn ngập niềm phấn khởi, hy vọng vào một năm thắng lợi, bội thu tôm cá.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]