(Baothanhhoa.vn) - Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) ở các huyện miền núi được xác định là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, như: Nguồn vốn hỗ trợ cho các cơ sở CN-TTCN, thị trường tiêu thụ sản phẩm, chất lượng nguồn lao động... còn hạn chế nên phát triển TTCN ở khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các huyện miền núi

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) ở các huyện miền núi được xác định là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, như: Nguồn vốn hỗ trợ cho các cơ sở CN-TTCN, thị trường tiêu thụ sản phẩm, chất lượng nguồn lao động... còn hạn chế nên phát triển TTCN ở khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn.

Chăm sóc, trồng luồng nguyên liệu sản xuất, chế biến hàng tiểu thủ công nghiệp tại xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc).

Hiện, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có hơn 1.500 doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CN-TTCN. 8 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện đạt hơn 500 tỷ đồng. Lĩnh vực CN-TTCN thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tập trung ở các lĩnh vực: May xuất khẩu; chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ gia dụng, mỹ nghệ; mây tre đan, dệt thổ cẩm..., tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động có thu nhập ổn định. Mặc dù đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Ngọc Lặc thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn, như: Ngoài Công ty TNHH Việt Pan – Pacific tại thị trấn Ngọc Lặc đang tạo việc làm cho hơn 1.300 lao động; còn lại phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô đầu tư còn nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp; chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, máy móc thiết bị lạc hậu dẫn tới năng suất thấp, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Nhiều lĩnh vực sản xuất mới dừng lại ở mức độ sơ chế, chưa chế biến sâu nên giá trị sản xuất chưa cao. Bên cạnh đó, trình độ năng lực quản lý cũng như tay nghề của người lao động còn thấp.

Tại huyện Bá Thước, hạ tầng các khu, cụm CN chưa được đầu tư đồng bộ nên đến thời điểm này vẫn chưa thực sự thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư. Hiện trên địa bàn huyện có 147 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Để tiếp tục thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền huyện Bá Thước đang tập trung thực hiện tốt chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch, như: Sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ từ mây tre đan, nghề dệt thổ cẩm, đan lát...

Có thể nói, những năm qua các địa phương ở miền núi đã có những nỗ lực trong phát triển CN-TTCN. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng CN-TTCN và thương mại - dịch vụ tại khu vực này còn chậm, thiếu đồng bộ và vững chắc. Các cơ sở sản xuất TTCN phát triển quy mô còn nhỏ lẻ... Do vậy, chưa thu hút được các nhà đầu tư nên sản xuất CN-TTCN tại các địa phương này còn gặp nhiều khó khăn.

Để phát triển CN-TTCN ở các huyện miền núi, thời gian tới, tỉnh cần có chính sách đầu tư phát triển CN-TTCN đặc thù đối với khu vực này, như: Chính sách hỗ trợ các vùng nguyên liệu về giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm gắn với chế biến, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các chương trình, dự án phù hợp với thị trường và vùng nguyên liệu. Tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, từ đó kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất CN-TTCN; tập trung phát triển thêm các ngành nghề, nhất là ngành nghề truyền thống có thế mạnh, có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh mở các lớp đào tạo, truyền nghề nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như các hộ gia đình sản xuất CN-TTCN tại khu vực này cần linh hoạt, năng động hơn trong việc liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường hợp tác, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm.


Bài và ảnh: Khánh phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]