(Baothanhhoa.vn) - Càng gần đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu tiền mặt của người dân càng tăng cao, nhất là tiền lẻ và tiền mới. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt; đồng thời, cung cấp đủ nhu cầu tiền lẻ, tiền mới cho các ngân hàng thương mại (NHTM), nhưng nghiêm cấm tuyệt đối việc kinh doanh tiền lẻ, tiền mới dịp tết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Nóng” chuyện đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết Nguyên đán

Càng gần đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu tiền mặt của người dân càng tăng cao, nhất là tiền lẻ và tiền mới. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt; đồng thời, cung cấp đủ nhu cầu tiền lẻ, tiền mới cho các ngân hàng thương mại (NHTM), nhưng nghiêm cấm tuyệt đối việc kinh doanh tiền lẻ, tiền mới dịp tết.

“Nóng” chuyện đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết Nguyên đán

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh huyện Thọ Xuân.

Những ngày cận tết, các loại tiền có mệnh giá thấp như 1.000 đồng, 2.000 đồng, nhất là các loại tiền mới mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng tăng đột biến. Hầu như tất cả các khách hàng khi giao dịch với các ngân hàng đều yêu cầu được nhận tiền mới hay tiền có mệnh giá thấp, thậm chí nhiều người sẵn sàng mất thêm phí dịch vụ để được đổi tiền mới. Việc NHNN Việt Nam hạn chế in tiền mới để phục vụ Tết Nguyên đán càng khiến các loại tiền này khan hiếm.

Chị Lê Bích Hằng, ở phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa), khách hàng VIP của một NHTM cổ phần chia sẻ, năm nào chị cũng có nhu cầu đổi tiền mới và tiền mệnh giá từ 20.000 đồng trở xuống để sử dụng trong dịp tết. Những năm trước, chị đều được nhân viên ngân hàng đáp ứng vì số tiền giao dịch của công ty chị khá lớn. Nhưng năm nay, đến thời điểm giữa tháng chạp, ngân hàng cho biết, dù rất cố gắng cũng chỉ có thể đáp ứng cho chị một ít tiền mới loại 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng; còn tiền từ 20.000 đồng trở xuống thì gần như không có, hoặc nếu có thì chỉ là một ít tiền đã qua sử dụng.

Những trường hợp như chị Hằng không phải là ít khi lượng cung tiền lẻ tại các NHTM ngày càng khan hiếm. Theo đại diện lãnh đạo một số NHTM trên địa bàn cho biết lượng tiền mới NHNN phân bổ về không nhiều, do đó có sự “ưu tiên” cho từng đối tượng khách hàng. Tiền mới các mệnh giá 5.000 đồng trở lên cũng không dư giả như trước đây. Thường ngân hàng sẽ phải cân đối, đầu tiên là dành cho thanh toán, giao dịch, tiếp đó phục vụ khách VIP như một dịch vụ chăm sóc khách hàng...

Trong khi nhiều ngân hàng cho biết đang khan hiếm tiền lẻ, tiền mới để giao dịch phục vụ nhu cầu của khách hàng thì dịch vụ đổi tiền mới nhân dịp Tết Nguyên đán lại được công khai tràn lan trên mạng xã hội... Các tài khoản facebook có tên như: Diệp Võ, Huyền Trang, Nguyễn Thanh Thủy... đưa thông tin: “Đổi tiền mới - tiền nguyên seri với tất cả các mệnh giá, từ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng... và công khai cả số điện thoại. Tuy nhiên, lại không công khai phí đổi tiền, khách hàng có nhu cầu thì để lại tin nhắn, chủ tài khoản facebook sẽ trả lời riêng. Những chủ tài khoản này có nguồn tiền mới khá dồi dào, quan trọng là khách hàng chấp nhận mức phí đổi là bao nhiêu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phí đổi chung là khoảng 5% (tính trên tổng số tiền) đối với tiền mệnh giá 50.000 đồng, 6% với tiền mệnh giá 20.000 đồng và 10% đối với tiền mệnh giá 10.000 đồng. Riêng với tiền lẻ từ 5.000 đồng trở xuống thì có thể lên đến 30%.

Ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc NHNN - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, cho biết: NHNN luôn đáp ứng đầy đủ các mệnh giá tiền bảo đảm lưu thông cho người dân. NHNN – Chi nhánh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các NHTM đáp ứng đầy đủ lượng tiền trong ATM để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của người dân tốt nhất. Và theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, từ tháng 11-2018, tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống hạn chế lưu thông, còn các loại tiền mệnh giá 10.000, 20.000 đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Để bảo đảm bình ổn thị trường, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán, NHNN- Chi nhánh Thanh Hóa đã yêu cầu các NHTM, các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai tích cực, hiệu quả nhiệm vụ được giao. Trong đó, về thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, NHNN – Chi nhánh Thanh Hóa căn cứ lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống đủ tiêu chuẩn lưu thông (đã qua sử dụng) và tiền mới dành cho Tết Kỷ Hợi, từ đó sẽ cân đối chuyển về các ngân hàng, TCTD thực hiện đúng cơ cấu, phục vụ đủ nhu cầu tiền mặt của người dân. Nghiêm cấm cán bộ ngân hàng, TCTD lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Hành vi “buôn bán” tiền lẻ, “tuồn” tiền lẻ ra “chợ đen” vi phạm Nghị định 96/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có thể bị xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. NHNN - Chi nhánh Thanh Hóa sẽ phối hợp với các đơn vị như Cục Quản lý thị trường, công an, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền, chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng.

Thực tế cho thấy, việc không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết Nguyên đán nhận được sự đồng thuận cao của xã hội và toàn ngành ngân hàng. Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không còn hiện tượng người dân để tiền lẻ khắp nơi khi đi lễ đền, chùa. Điều này cho thấy nhận thức của người dân dần thay đổi khi NHNN triển khai thực hiện chủ trương này, qua đó, góp phần tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước khi in tiền mệnh gía thấp.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]