(Baothanhhoa.vn) - Tự bao đời nay, xứ Thanh vẫn được xem là vùng đất của trăm nghề. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, thế hệ này tiếp bước thế hệ kia bằng tất cả niềm say mê, tự hào, trân trọng. Đặc biệt, trước tác động của thị trường, vòng quay tất bật của cuộc sống mưu sinh, sự nỗ lực, quyết tâm gắn bó, phát triển từ những người trẻ đã tạo nên luồng sinh khí, mở ra hướng đi, cơ hội mới cho nghề và làng nghề truyền thống xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những hậu duệ của nghề

Tự bao đời nay, xứ Thanh vẫn được xem là vùng đất của trăm nghề. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, thế hệ này tiếp bước thế hệ kia bằng tất cả niềm say mê, tự hào, trân trọng. Đặc biệt, trước tác động của thị trường, vòng quay tất bật của cuộc sống mưu sinh, sự nỗ lực, quyết tâm gắn bó, phát triển từ những người trẻ đã tạo nên luồng sinh khí, mở ra hướng đi, cơ hội mới cho nghề và làng nghề truyền thống xứ Thanh.

Những hậu duệ của nghề

Năm 2018, nghệ nhân làng nghề Nguyễn Bá Quý (xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa) đã được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Bằng xác lập kỷ lục “Người thực hiện phiên bản trống đồng Ngọc Lũ bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất Việt Nam”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhắc đến làng nghề đúc đồng Chè Đông (hay còn gọi là Trà Đông), xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), người ta vẫn thường nhắc đến các Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) như: Lê Văn Bảy, Nguyễn Bá Châu, Lê Văn Dương, Đặng Ích Hoàn. Không chỉ là những người có đóng góp quan trọng khôi phục nghề đúc đồng truyền thống mà hơn hết, chính họ đã trở thành nguồn động lực, tấm gương sáng, người thầy trao truyền và tiếp lửa cho nhiều thế hệ trẻ theo đuổi, nỗ lực phát triển nghề.

Ví như cái cách mà nghệ nhân làng nghề Nguyễn Bá Quý (34 tuổi, làng Chè Đông, xã Thiệu Trung), con trai NNƯT Nguyễn Bá Châu từng bước gặt hái được những thành công trên hành trình theo đuổi, gắn bó với nghề đúc đồng truyền thống.

Sinh ra trong “cái nôi” của nghề, anh Quý lớn lên bên ánh lửa bập bùng của những lò đúc đồng. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, anh Qúy đã thích thú đứng nhìn bố, các chú, các anh hăng say lao động. Hơn hết, sự giáo dục, định hướng, uốn nắn của người cha là NNƯT, người tạo nên nhiều kỷ lục Guinness về đúc đồng truyền thống và sự tin tưởng, ủng hộ từ phía gia đình... đã trở thành nền tảng, “bước đệm” vững chắc giúp anh Quý thuận lợi trên con đường phát triển nghề.

Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện “cần”. Để có được thành công từ nghề truyền thống, ngoài tài năng, sự nhạy bén thì đòi hỏi mỗi người phải có “sức bền”. Nhận thức sâu sắc điều đó, anh Quý luôn kiên trì, bền bỉ rèn luyện, trau dồi, hoàn thiện bản thân từng ngày nhằm tạo nên “sức bền” cho chính mình.

Nếu một người thợ học nghề với mục đích duy nhất là tìm kiếm cho mình “kế sinh nhai” thì bài học sẽ dừng lại ở việc “làm theo những khuôn mẫu”, lặp lại thao tác đến khi nhuần nhuyễn. Nhưng với anh Quý, bài học về nghề đúc đồng của anh luôn bắt đầu theo quy trình ngược, học từ những điều khó khăn nhất. Anh Quý kể: Từ những năm 2000, anh đã được ông Nguyễn Bá Châu tin tưởng, giao cho phụ trách việc thiết kế, tạo mẫu hoa văn trên khuôn trống đồng do gia đình sản xuất. Đây là một trong những công đoạn khó trong quy trình đúc đồng, đòi hỏi người làm phải có kiến thức, kỹ thuật và năng khiếu. Nhằm đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của công việc, để không phụ lòng tin tưởng của cha, anh Qúy chăm chỉ, kiên nhẫn tìm tòi, học hỏi qua tư liệu, sách vở. Chỗ nào chưa hiểu hay còn băn khoăn thì chủ động trao đổi, trò chuyện cùng ông Châu. Từ sự chỉ dạy, hướng dẫn của ông Châu và nỗ lực, phấn đấu của bản thân, những sản phẩm, mẫu hoa văn mà anh Quý tạo nên trên khuôn trống đồng đạt đến độ tinh xảo, đẹp mắt, được khách hàng ưa thích, đánh giá cao.

Theo thời gian, anh Quý từng bước tạo dựng được uy tín, tiếng tăm trong nghề. Mong muốn xây dựng và phát triển nghề đúc đồng truyền thống làng Chè Đông theo hướng bền vững, anh Quý luôn sẵn lòng chia sẻ, truyền dạy kinh nghiệm, kỹ năng, “tay nghề” của mình cho nhiều thợ trong Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Đông Sơn - Chè Đông và trong làng, từ đó hình thành đội ngũ lao động lành nghề, chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi công việc, thị trường.

Qua những nỗ lực, phấn đấu ấy, năm 2016, anh Quý được Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề, góp thêm vào bảng thành tích của gia đình một dấu ấn tiêu biểu.

Bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm của người trẻ, tiếp bước truyền thống gia đình, anh Quý ấp ủ ý tưởng: “Muốn làm một điều gì đó lớn lao trong nghề để khẳng định mình, có thêm động lực tiếp tục phấn đấu”. Năm 2012, anh Quý bắt tay vào làm trống đồng Ngọc Lũ phiên bản lớn. Sau 6 tháng tâm huyết, hăng say, tỉ mỉ chau chuốt từng công đoạn, chiếc trống hoàn thành trong sự trầm trồ, thán phục của nhiều người bởi sự tinh tế ở đường nét, hoa văn và “số đo khủng”: đường kính là 2m1, thân trống là 2m35, chiều cao của trống đạt 1m58. Năm 2018, anh Quý đã được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Bằng xác lập kỷ lục “Người thực hiện phiên bản trống đồng Ngọc Lũ bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất Việt Nam”.

Được biết, anh Quý hiện là Phó Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Đông Sơn - Chè Đông. Trong những năm qua, cùng với nhu cầu thị trường ngày càng tăng, thương hiệu làng nghề đúc đồng Chè Đông ngày càng được khẳng định, ưa chuộng, công ty định hướng chú trọng đầu tư theo chiều sâu như: Đa dạng hóa, nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tích cực tham gia xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Đặc biệt, công ty đã mạnh dạn tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Vừa qua, bộ sản phẩm trống đồng Quý Châu của công ty là một trong những sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng 4 sao. Anh Quý cho biết: “Bên cạnh việc mở rộng sản xuất, thời gian tới, công ty thực hiện ứng dụng công nghệ, sản xuất dây chuyền, từ đó đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến các sản phẩm quà lưu niệm bằng đồng phục vụ du lịch”. “Không bao giờ được phép ngừng cố gắng” - đó là điều mà anh Quý luôn ấp ủ mang theo trên suốt hành trình phấn đấu phát triển nghề, gắn bó với nghề truyền thống của gia đình, quê hương.

Lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất xứ Thanh không thể thiếu bóng dáng khéo léo, tỉ mỉ của đôi bàn tay, óc sáng tạo và sự cần cù, chịu thương, chịu khó vốn là nét đặc trưng trong tính cách người dân nơi đây. Bởi vậy mà từ xa xưa, vùng đất này đã nổi danh với hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống. Có những làng nghề đã đi vào ca dao, dân ca Việt Nam như một thương hiệu của sức sống bền bỉ: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Và còn đó những làng nghề truyền thống: dệt may, đan lát, làm mộc, chế tác đá mỹ nghệ, đồ trang sức, làm gốm, đan cót, sản xuất, chế biến nước mắm... quyện vào không gian văn hóa làng, xã. Sức sống của các nghề và làng nghề truyền thống ấy có một phần đóng góp quan trọng từ những người trẻ say mê, tâm huyết, nghiêm túc học hỏi, lao động, sáng tạo.

Cũng như nhiều người trẻ đã và đang gắn bó với nghề truyền thống, anh Lê Trọng Hưng ở làng Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) xem đó là một may mắn, một niềm tự hào không phải ai cũng có được. Anh Hưng thẳng thắn chia sẻ: “Giữa thời buổi này, người trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm chẳng phải điều dễ dàng, nhiều người phải bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đi học nghề làm chỗ dựa cho bản thân và gia đình. Trong khi đó, bản thân mình có một nền tảng tốt để phát triển thì tại sao không hết lòng với nó”.

Chập chững học nghề khi còn là cậu bé 8 tuổi, từ những năm học THCS đã được nhà trường lựa chọn tham gia hội thi “Khéo tay kỹ thuật” của tỉnh và xuất sắc giành giải nhất. Đối với anh Hưng, nghề mộc không đơn thuần là “kế sinh nhai” mà còn là ký ức tuổi thơ, tình yêu dành cho gia đình, quê hương. Vì lẽ đó, ở ngưỡng tuổi 30, từng thử sức ở nhiều “ngã rẽ” khác nhau, anh Hưng quyết tâm gắn bó với nghề mộc, kế thừa truyền thống gia đình. Gia đình anh Hưng có 2 xưởng sản xuất gỗ tại xã Hoằng Đạt, tổng diện tích khoảng 600m2, bình quân doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm.

Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng anh Hưng là thợ “phá” (phác thảo hoa văn) vững tay nghề. Được biết, phá là một trong những công đoạn quan trọng quyết định giá trị thẩm mỹ của sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng và năng khiếu. Bởi vậy, nhiều người thợ mộc dù đã làm nghề nhiều năm vẫn không thể chạm khắc được những họa tiết, hoa văn đạt mức tinh xảo, sống động. Phát huy thế mạnh vốn có, ngoài công việc ở xưởng gỗ của gia đình, anh Hưng cùng một số bạn nghề thường nhận làm các ngôi nhà cổ, nhà gỗ theo phong cách truyền thống. Anh Hoàng Hữu Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt, cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có khoảng 150 hộ làm nghề mộc, chủ yếu ở làng Hạ Vũ. Những năm qua, làng nghề có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Bằng sự nhanh nhạy với thời cuộc, khoa học công nghệ, bắt kịp xu hướng thị trường, dám nghĩ, dám làm, lực lượng lao động trẻ góp phần không nhỏ vào việc phát triển nghề”.

Điều gì đã làm nên sức hấp dẫn, nét riêng biệt, độc đáo của những làng nghề truyền thống nếu không phải là dấu ấn thời gian, tinh hoa sáng tạo và sự tiếp nối, trao truyền? Chính tình yêu và niềm đam mê đã khiến nhiều người trẻ lựa chọn gắn bó, kế thừa, phát huy nghề truyền thống của gia đình, quê hương. Họ là tương lai, là niềm hy vọng, là hậu duệ đáng tin cậy, tiếp thêm luồng sinh khí mới cho làng nghề xứ Thanh tiếp tục phát triển, vững bền theo năm tháng.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]