(Baothanhhoa.vn) - Để phát huy được tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, tỉnh ta đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các quy định, trong đó có định danh vùng trồng nhằm nâng sức cạnh tranh, đáp ứng những yêu cầu về xuất khẩu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho sản phẩm nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều khó khăn trong xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản

Để phát huy được tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, tỉnh ta đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các quy định, trong đó có định danh vùng trồng nhằm nâng sức cạnh tranh, đáp ứng những yêu cầu về xuất khẩu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho sản phẩm nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều khó khăn trong xây dựng mã số vùng trồng cho nông sảnVùng sản xuất cây ăn quả trên địa bàn huyện Thạch Thành được xác định là có tiềm năng để xây dựng mã số vùng trồng hướng tới xuất khẩu.

Theo Điều 64, Luật Trồng trọt (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020), MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. Đây là giải pháp quan trọng để khắc phục những “rào cản” về kiểm dịch thực vật của một số quốc gia đối với nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Tỉnh Thanh Hóa có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, khoảng 909.766 ha; trong đó, diện tích đất trồng lúa lớn nhất khu vực miền Bắc, đạt khoảng 145.803 ha; sản lượng bình quân khoảng 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại sản phẩm lúa gạo của tỉnh Thanh Hóa mới chỉ tiêu thụ trong, ngoài tỉnh, chưa vươn tới thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân được các ngành chuyên môn đưa ra chính là sản phẩm lúa gạo của tỉnh chưa đáp ứng được một số yêu cầu, tiêu chuẩn của sản phẩm xuất khẩu, như: chất lượng, sản lượng... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh việc sản xuất, phụ thuộc nhiều vào cung - cầu của thị trường và chưa thu hút được doanh nghiệp có quy mô, tiềm lực vào đầu tư liên kết phát triển sản xuất ra sản phẩm gạo chất lượng, hướng tới xuất khẩu.

Ngoài lúa gạo, sản phẩm cây ăn quả cũng là một trong những thế mạnh, có tiềm năng và được tỉnh kỳ vọng, phát triển thành sản phẩm xuất khẩu trong tương lai. Toàn tỉnh hiện có 21.686 ha cây ăn quả, sản lượng bình quân đạt 304.828 tấn/năm. Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, quy mô sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh được mở rộng, với diện tích bình quân 1 ha đến 10 ha trên một điểm sản xuất. Nhờ những cơ chế, chính sách mà tỉnh đã triển khai thực hiện và lợi nhuận từ phát triển cây ăn quả nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư phát triển sản xuất cây ăn quả, hình thành những vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, với quy mô sản xuất từ 20 đến 50 ha/điểm sản xuất. Đồng thời, ứng dụng cơ bản đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao từ khâu chăm sóc đến thu hoạch và sau thu hoạch... Tuy đã thực hiện xuất khẩu, song tại 17 thị trường mà sản phẩm cây ăn quả của tỉnh đã vươn tới, những tiêu chuẩn nhập khẩu chưa cao, chưa sử dụng quy định về MSVT cho sản phẩm cây ăn quả... Do đó, việc triển khai thực hiện xây dựng MSVT cho sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được thực hiện. Anh Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu nông sản Việt (TP Thanh Hóa), một trong những đơn vị thực hiện xuất khẩu sản phẩm nông sản đóng hộp sang thị trường các nước Đông Âu, Liên bang Nga, cho biết: Thực tế việc xuất khẩu sản phẩm dứa, dưa chuột đóng hộp của tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, những thị trường đó đều khá dễ tính, chưa áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe; trong đó, có quy định về MSVT, nên việc triển khai thực hiện quá trình cấp MSVT đối với vùng nguyên liệu như dứa, dưa chuột, ngô ngọt... chưa được triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, để mở rộng thị trường, có nhiều cơ hội vươn tới những thị trường khó tính đòi hỏi sản phẩm nông sản của tỉnh cần có mã số định danh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thực tế trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp đã từng bước thực hiện những nền tảng cần thiết để quá trình cấp MSVT thuận lợi, như: hình thành được 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và 55 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, hơn 4.000 ha nông sản được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP... Đồng thời, tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố còn chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương... Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển và mong muốn nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông sản thông qua hoạt động xuất khẩu, tỉnh Thanh Hóa rất chú trọng đến việc triển khai thực hiện xây dựng MSVT cho nông sản. Tuy nhiên, quá trình triển khai trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, như: sản xuất trên địa bàn còn nhỏ lẻ, lạc hậu, diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều (trong khi yêu cầu để được cấp MSVT là diện tích từ 10 ha trở lên), chi phí cho việc cấp MSVT tương đối lớn cũng là khó khăn đối với quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khách quan chính là không phải quốc gia, thị trường nhập khẩu nông sản nào cũng đưa tiêu chuẩn về MSVT vào quy định xuất, nhập khẩu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn chưa chú trọng, thậm chí phớt lờ việc xây dựng MSVT cho nông sản.

Tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra tháng 5-2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việc cấp MSVT, vùng nuôi cần thực hiện nhanh không chỉ đối với các hàng hóa xuất khẩu mà còn trong tiêu thụ nội địa. Đây là vấn đề quan trọng trong việc triển khai chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thời kỳ hậu COVID-19. Do đó, trong năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng một số vùng nguyên liệu trọng điểm để phục vụ xuất khẩu, ưu tiên vấn đề cấp MSVT góp phần nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu. Trước thực tế và yêu cầu cấp thiết để đưa sản phẩm nông sản tỉnh Thanh Hóa gia nhập thị trường quốc tế, nhất là những thị trường khó tính, ngành nông nghiệp cần tổ chức tập huấn cho người dân sản xuất trong vùng được cấp MSVT, về quy trình sản xuất, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình bảo quản nông sản và thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật... Đồng thời, kêu gọi sự liên kết, phối hợp của cơ sở, người sản xuất trong vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến trong việc xây dựng MSVT nhằm tạo được nhiều lợi thế cạnh tranh cho nông sản của tỉnh nâng cao thu nhập cho người sản xuất và xây dựng được thị trường tiêu thụ bền vững.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]