(Baothanhhoa.vn) - Nhiều ngày nay, một bộ phận người dân của xã Hoằng Khánh (Hoằng Hóa) đang bức xúc bởi hơn 4.000 cây giống được giao về cho chính quyền địa phương và các chủ rừng để phục hồi lại diện tích rừng bị thiệt hại bởi đợt cháy cuối tháng 5-2015 bị vứt bỏ không thương tiếc, gây lãng phí nguồn hỗ trợ của Nhà nước và ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng. Càng bức xúc hơn khi sự việc này đã được người dân đưa ra kiến nghị tại nhiều cuộc họp của địa phương. Song, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người dân xã Hoằng Khánh vứt bỏ hàng nghìn cây keo giống được hỗ trợ

Nhiều ngày nay, một bộ phận người dân của xã Hoằng Khánh (Hoằng Hóa) đang bức xúc bởi hơn 4.000 cây giống được giao về cho chính quyền địa phương và các chủ rừng để phục hồi lại diện tích rừng bị thiệt hại bởi đợt cháy cuối tháng 5-2015 bị vứt bỏ không thương tiếc, gây lãng phí nguồn hỗ trợ của Nhà nước và ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng. Càng bức xúc hơn khi sự việc này đã được người dân đưa ra kiến nghị tại nhiều cuộc họp của địa phương. Song, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cây keo giống được hỗ trợ bị vứt bỏ tại khu vực ngã ba Khe Sâu, thôn 12, xã Hoằng Khánh (Hoằng Hóa).

Vụ cháy rừng tháng 5-2015 xảy ra trên địa bàn các xã Châu Lộc, Triệu Lộc (Hậu Lộc) và Hoằng Khánh, Hoằng Trung (Hoằng Hóa), thiệt hại hơn 200 ha rừng phòng hộ trên địa bàn. Trong đó, xã Hoằng Khánh bị thiệt hại 160 ha rừng phòng hộ. Diện tích rừng này đã được giao khoán cho 150 hộ dân trong xã khoanh nuôi và bảo vệ. Để hỗ trợ các hộ dân có diện tích rừng giao khoán bị cháy, UBND tỉnh đã có Công văn chỉ đạo số 8040/UBND-NN, ngày 25-7-2016, về việc hỗ trợ kinh phí trồng rừng thay thế rừng bị cháy tại các xã Châu Lộc, Triệu Lộc (Hậu Lộc) và Hoằng Khánh, Hoằng Trung (Hoằng Hóa). Sau khi có công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, đến cuối tháng 9-2017, xã Hoằng Khánh được hỗ trợ khoảng 169.600 cây keo giống để trồng thay thế 160 ha rừng đã thiệt hại. Chính quyền xã Hoằng Khánh đã bàn giao đầy đủ số cây giống cho các hộ dân nhận khoán có rừng bị thiệt hại. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, nhiều người dân đã phát hiện số lượng lớn các túi đựng cây keo giống bị vứt tại các khe, suối trên địa bàn xã. Việc phân bổ số lượng cây keo giống dựa trên cơ sở diện tích rừng của địa phương bị thiệt hại. Nên 160 ha đất rừng bị cháy của xã Hoằng Khánh có bảo đảm được độ che phủ?

Qua tìm hiểu, có hàng nghìn cây keo giống bị vứt bỏ tại khu vực ngã ba Khe Sâu, thuộc thôn 12 và khu vực mỏ quặng Huy Hoàng, thuộc thôn 2, xã Hoằng Khánh. Thời điểm được phát hiện các bịch đựng cây giống đã rách, thân cây khô, gãy nát nhưng còn nguyên các bao vỏ bọc gốc. Đây là những khu vực vắng vẻ, nằm xa khu dân cư nên ít người qua lại vì vậy một số lượng lớn cây keo giống bị vứt bỏ mà không ai hay biết. Một người dân địa phương (giấu tên) bức xúc: “Khi cây giống mới đưa về, người dân mừng lắm, vì số cây giống này sẽ được phủ kín khu vực xảy ra cháy rừng trước đây. Nhưng không hiểu vì lý do gì, cây giống lại bị vứt bỏ lãng phí, chết khô, chết héo nhiều như thế này. Giá như, số cây này được chuyển đến những địa điểm “cần” thì đã phát huy được hiệu quả”.

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Xuân Miền, đại diện một nhóm hộ trồng rừng và được biết: Gia đình ông và 3 hộ khác được giao khoán 20,8 ha rừng. Thời điểm được cấp phát cây giống vào cuối mùa mưa (tháng 9-2017), với số lượng 34.528 cây, nhóm hộ chỉ trồng được hơn 32.508 cây. Nguyên nhân do số lượng cây giống lớn, đoạn đường vận chuyển xa, thuê nhân công khó khăn, việc bảo quản tại khu tập kết chưa được bảo đảm, dẫn đến tình trạng trâu bò vào dẫm làm gãy cây, vỡ bầu. Vì vậy, còn lại 2.020 cây, các hộ không vận chuyển lên địa điểm trồng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với 8 hộ, đại diện là ông Đặng Ngọc Dong, tổng số cây keo giống bị bỏ lại khoảng 2.000 cây.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Khánh xác nhận, có tình trạng cây keo giống hỗ trợ bị người dân vứt bỏ tại ngã ba Khe Sâu, thôn 12 và khu vực mỏ quặng Huy Hoàng, thuộc thôn 2 với số lượng khoảng hơn 4.000 cây. Thông qua phản ánh của người dân, ngày 15-11-2017, UBND xã đã lập đoàn kiểm tra sự việc và có Báo cáo số 105/BC-UBND ngày 20-11-2017 gửi UBND huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa về việc một số hộ nhận cây giống trồng rừng nhưng để cây bị chết. Đồng thời, UBND xã đã nhận trách nhiệm buông lỏng, lơ là trong công tác quản lý giám sát, gây thất thoát, lãng phí cây giống và thất thoát nguồn ngân sách của Nhà nước. Khi được hỏi về hướng giải quyết, ông Hồng khẳng định: Đối với những hộ gia đình có cây giống bị chết, phải bồi hoàn theo giá trị cây của dự án 1.061 đồng/cây; đối với diện tích rừng trồng chưa hết, các hộ phải chịu trách nhiệm mua cây chắm dặm bổ sung.

Phục hồi lại diện tích rừng phòng hộ đã thiệt hại là chủ trương đúng đắn của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn đối với người dân sống trong khu vực. Sự việc diễn ra ở xã Hoằng Khánh, cần phải được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ trách nhiệm.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]