(Baothanhhoa.vn) - Họ, những người kinh doanh giỏi, hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một cuộc sống tốt đẹp ở thành phố. Nhưng, họ lại chọn ngược phố lên rừng làm trang trại để theo đuổi đam mê...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngược phố lên rừng

Họ, những người kinh doanh giỏi, hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một cuộc sống tốt đẹp ở thành phố. Nhưng, họ lại chọn ngược phố lên rừng làm trang trại để theo đuổi đam mê...

Khát khao được có 1 trang trại của riêng mình đã thôi thúc anh Huy bỏ lại công việc kinh doanh để ngược phố lên rừng.

Được sự giới thiệu của ông Vũ Hữu Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Thanh, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi lợn của anh Lê Hoàng Long, quê ở phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) vào một buổi chiều cuối tháng 7. Một nữ nhân công chỉ tay về hướng dãy chuồng nuôi lợn nái giới thiệu, người đang cầm kim tiêm tiêm lợn chính là “ông chủ” của trang trại. Người đàn ông với dáng vẻ cao gầy, da ngăm đen, vận bộ quần áo lao động đã bạc màu. Tôi bông đùa: “Trông anh giống người làm công hơn là ông chủ”. Anh cười hiền: “Công việc nào trong trang trại tôi cũng phải làm một chút mới yên tâm. Càng làm càng say mê, ngồi không là bủn rủn chân tay ngay”.

13 năm trước, khi công việc kinh doanh bánh kẹo đang khởi sắc, đột nhiên, anh Long đưa ra quyết định khiến tất cả người thân ngỡ ngàng: Bỏ phố lên rừng chăn nuôi lợn. Vợ anh hết khóc lóc phản đối rồi chuyển sang nhẹ nhàng khuyên nhủ. Nhưng, sau tất cả, anh vẫn quyết tâm bước sang ngã rẽ cuộc đời. Anh bán đi 6 xe ô tô tải chở hàng – nguồn sinh kế khá ổn định của cả gia đình thời điểm đó. Cộng thêm số tiền tích góp được, anh lặng lẽ lên thôn Đức Nhuận, xã Phú Nhuận (Như Thanh) mua đất đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Anh mua được 1 ha đất đồi rồi thuê nhân công, máy móc ngày đêm san nền, đào móng, xây dựng công trình. Ban đầu, với 2 dãy chuồng, anh Long “khai trương” trang trại với 41 con lợn nái. “Số lợn nái này sẽ đẻ ra nhiều lợn con, mình sẽ bán được lợn giống, nuôi lợn thịt. Thành công nhất định sẽ đến. Nhanh thôi!”. Những lạc quan, háo hức của anh Long vào thời điểm đó nhanh chóng bị nhấn chìm trong cơn “bão giá lợn” kéo dài suốt 2 năm 2006 - 2007. Đàn lợn thịt không thể xuất chuồng. Giá lợn chạm đáy, đẩy trang trại của anh vào cơn khủng hoảng. Để cứu vãn tình thế, anh phải thuê xe ô tô chở lợn ra tận Hà Nội, mổ bán. Nợ nần chồng chất, anh thấm bài học đầu tiên khi mạo hiểm với chính cuộc đời mình. Tưởng rằng cú vấp ngã đó sẽ làm anh nản chí, nào ngờ, lại càng khiến anh quyết tâm hơn. Anh đầu tư bài bản, mở rộng trang trại, thuê kỹ sư nông nghiệp về tư vấn,... Thành quả cuối cùng cũng đến với anh khi những lứa lợn được giá cứ nối tiếp nhau. Đến thời điểm hiện tại, với 7 dãy chuồng lợn, 250 con lợn nái, 800 lợn thịt và trung bình 5.000 lợn giống được xuất ra mỗi năm cho người chăn nuôi ở địa bàn các huyện: Như Thanh, Hoằng Hóa, Nông Cống... thu lãi mỗi năm hàng tỷ đồng; anh Long đã có thể tạm hài lòng với những thành công của mình.

Tôi hỏi anh Long về quyết định ngược phố lên rừng chăn nuôi lợn của ngày đó. Một người đàn ông đã bước vào ngưỡng tuổi thích sự an toàn trong cuộc sống. Một gia đình hạnh phúc với vợ đảm, con ngoan. Một công việc kinh doanh đủ vững chắc để chu toàn kinh kế cho cả gia đình. Sự lựa chọn đó, phải chăng quá mạo hiểm? Với phong thái điềm tĩnh, anh Long chậm rãi cho biết: “Thời điểm đó, hoàn cảnh đó, lựa chọn của tôi có thể là “điên”. Nhưng, lý trí, cảm xúc của tôi vẫn cố chấp đi theo cái “điên” đó đến tận cùng. Bởi tôi tin, bản thân sẽ làm được”. Có bao giờ anh nghĩ đến việc mình sẽ thất bại? Lựa chọn đó buộc anh phải đánh đổi quá nhiều? Anh trả lời không chút bối rối: “Đàn ông trưởng thành, mỗi lần quyết định là một lần đánh đổi. Bỏ công việc kinh doanh đang khởi sắc với mức thu nhập cao để lên rừng lập nghiệp tôi đã đánh đổi sự sung sướng, nhàn hạ của bản thân... nghe oai đấy, nhưng, hàng đêm phải thức trắng thì nào ai biết, lúc làm ăn sa sút thì ai chịu rủi ro? Không theo sự sắp đặt của người khác mà quyết chí làm ăn... là đánh đổi sự kỳ vọng của những người thân. Ừ thì tự tin đấy, bản lĩnh đấy, nhưng không được mọi người ủng hộ, bứt phá khỏi vùng an toàn lỡ không thành công thì còn mặt mũi nào quay về? Nhưng ngẫm lại, đàn ông không đánh đổi thì không thể làm được việc lớn”. Giây phút đó, tôi đã cảm nhận rõ hơn bản lĩnh của người đàn ông này.

Suy nghĩ của anh Long chợt nhắc tôi nhớ đến hình ảnh của một người đồng hương. Anh tên Nguyễn Quốc Huy, 35 tuổi, xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa). Học xong đại học, duyên số đưa anh lên tận huyện Thường Xuân cưới vợ. Rồi, chẳng hiểu vì sao, anh đột nhiên cũng bỏ luôn công việc kinh doanh thiết bị điện ở thành phố để ngược lên quê vợ thuê đất, đào ao thả cá, dựng trang trại chăn nuôi, nhận đất trồng rừng. Tết Mậu Tuất 2018, lần gặp nhau gần nhất, tôi hỏi anh có hối hận về quyết định ngày đó. Anh im lặng, cười, rồi lắc đầu. Trước khi chia tay, anh có tâm sự: “Cuộc sống của hai vợ chồng có vất vả hơn. Thời gian đầu mới lên, anh không quen với nhịp sống. Nhưng đổi lại, hai vợ chồng được làm chủ cuộc sống của mình. Được ăn thực phẩm sạch, hít thở bầu không khí trong lành, sống chậm, không ồn ào, vội vã... Anh dự định sẽ mở rộng thêm trang trại. Kinh tế sẽ lên nhanh thôi. Nếu được lựa chọn lại, anh vẫn chọn ngược phố lên rừng”.

Ngày qua ngày, câu chuyện về những con người ngược phố lên rừng như anh Long, anh Huy... vẫn lặng lẽ được viết lên. Họ, hoặc vì lí do cá nhân, hoặc chạy theo lý tưởng của bản thân. Nhưng, có một điểm chung ở họ là bản lĩnh. Việc dám từ bỏ đi những thứ quen thuộc, dám thoát khỏi cuộc sống an toàn, bằng phẳng để đặt chân đến vùng đất mới, khó khăn hơn, thử thách hơn, chắc hẳn, không phải ai cũng làm được. Lựa chọn đó, có thể đúng hoặc sai. Không quan trọng, bởi họ dám thử thách, dám đối mặt và dám chịu trách nhiệm cho quyết định của cuộc đời mình.


Bài và ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]