(Baothanhhoa.vn) - Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã chính thức xuất hiện trên địa bàn tỉnh gần 3 tháng. Đã có gần 8.100 con lợn với trọng lượng gần 530 tấn bị tiêu hủy và con số này chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó. Thực tế, đã có một thời gian ngắn bệnh dịch tạm thời được khống chế. Tuy nhiên, nó lại bùng phát trở lại với tốc độ lây lan rất nhanh, vượt khả năng dự đoán, gây thiệt hại lớn về kinh tế và hoang mang cho người chăn nuôi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngăn chặn lây lan, tiến tới đẩy lùi bệnh dịch tả lợn châu Phi

Ngăn chặn lây lan, tiến tới đẩy lùi bệnh dịch tả lợn châu Phi

Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại trạm kiểm dịch động vật Thạch Quảng (Thạch Thành). Ảnh: Minh Hằng

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã chính thức xuất hiện trên địa bàn tỉnh gần 3 tháng. Đã có gần 8.100 con lợn với trọng lượng gần 530 tấn bị tiêu hủy và con số này chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó. Thực tế, đã có một thời gian ngắn bệnh dịch tạm thời được khống chế. Tuy nhiên, nó lại bùng phát trở lại với tốc độ lây lan rất nhanh, vượt khả năng dự đoán, gây thiệt hại lớn về kinh tế và hoang mang cho người chăn nuôi.

Diễn biến phức tạp, khó kiểm soát

TP Thanh Hóa là một trong 3 địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh công bố DTLCP vào ngày 15-3 tại xã Đông Lĩnh. Ngày 15-4, TP Thanh Hóa cũng là 1 trong 3 địa phương đầu tiên công bố hết dịch. Cùng với việc chính thức công bố hết DTLCP tại xã Đông Lĩnh, kể từ ngày 16-4, TP Thanh Hóa cũng công bố hết vùng bị dịch uy hiếp tại các phường, xã thuộc thành phố, gồm: Đông Cương, Đông Thọ, Phú Sơn và Đông Tân. Các hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến tại địa bàn các phường, xã trên được hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, ngày 12-5, bệnh DTLCP bùng phát trở lại trên địa bàn với tốc độ nhanh và diện rộng tại 14 hộ thuộc 4 xã, phường: Quảng Cát, Quảng Phú, Quảng Đông, Phú Sơn. Tổng số đàn lợn phải tiêu hủy từ ngày 12-5 đến ngày 20-5 là 172 con với trọng lượng gần 8,6 tấn, gấp nhiều lần so với đợt dịch trước.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, bệnh DTLCP đã xảy ra trên địa bàn 264 thôn, 123 xã của 18 huyện, thành phố. Đáng nói, mặc dù tính đến thời điểm ngày 19-5, trên địa bàn tỉnh đã có 19 xã công bố hết dịch, nhưng có tới 3 xã tái dịch là Thiệu Phúc, Thiệu Quang (Thiệu Hóa) và Đông Ninh (Đông Sơn). Nghiêm trọng hơn, trong số 18 huyện, thành phố xảy ra bệnh dịch, có tới 8 địa phương DTLCP mới xâm nhiễm từ những ngày đầu tháng 5 nhưng tốc độ lây lan quá nhanh, khó kiểm soát, như: Quảng Xương, Triệu Sơn, Nông Cống, Tĩnh Gia...

Quảng Xương là một trong những địa phương bị xâm nhiễm bệnh DTLCP muộn trên địa bàn, nhưng, tốc độ “phủ” của dịch bệnh này tại huyện Quảng Xương đang khiến nơi đây trở thành “điểm nóng” đáng lo ngại. Chỉ từ ngày 2-5 đến ngày 19-5, DTLCP đã bùng phát, lây lan trên địa bàn 23/30 xã, thị trấn. Ngoài ra, 4 xã Quảng Vọng, Quảng Trạch, Quảng Văn, Quảng Định cũng đã phát hiện tình trạng lợn chết bất thường. Trạm thú y huyện đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng 3 xét nghiệm. Trên địa bàn huyện chỉ có 3 đơn vị chưa có biểu hiện mắc dịch là: Thị trấn Quảng Xương, xã Quảng Phúc và xã Quảng Lợi. Tại xã Quảng Phong, cả hệ thống chuồng trại gần 700 m2 của gia đình anh Mai Văn Tiến, thôn Nước Ngoại hiện đã trống không. Cách đây 15 ngày, gia đình anh đã phải tiêu hủy 125 con lợn với trọng lượng gần 7 tấn. Anh Tiến cho biết: Từ khi có thông báo dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, gia đình anh đã rất thận trọng trong việc chuẩn bị thức ăn, nước uống cho đàn lợn. Tuy nhiên, trước khi tiêu hủy 5 ngày, anh phát hiện 5 lợn nái và 20 lợn con có biểu hiện sốt, bỏ ăn và kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút DTLCP.

Đồng chí Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, cho biết: Với tổng đàn lợn số lượng lớn (55.000 con), chăn nuôi chiếm cơ cấu khá lớn trong ngành nông nghiệp của huyện. Tính đến 15h ngày 21-5, bệnh DLTCP đã khiến địa phương phải tiêu hủy 1.595 con lợn với trọng lượng gần 108 tấn, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của huyện. Khả năng các xã còn lại mắc dịch rất cao. Nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát với tốc độ nhanh trên địa bàn là do địa phương có tuyến Quốc lộ 1A đi qua, trong khi đó, công tác kiểm soát hoạt động vận chuyển chưa triệt để. Số lượng chăn nuôi nhỏ lẻ cao, tỷ lệ kiểm soát an toàn dịch bệnh kém. Hoạt động giết mổ nhỏ lẻ trong dân cư nhiều (71 điểm) và chưa được kiểm soát theo đúng quy định. Hơn nữa, một số xã trên địa bàn, như: Quảng Trung, Quảng Chính, Quảng Khê, Quảng Lĩnh, Quảng Trường có diện tích trồng thuốc lào lớn. Trong khi đó, bà con nông dân thu gom phân lợn để bón cây tại nhiều địa phương và chưa có quy trình xử lý qua ngâm, ủ mà chủ yếu dùng phân tươi, cũng là một trong những yếu tố phát sinh, lây lan bệnh dịch nhanh.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp

Trước những diễn biến phức tạp và nguy cơ phát sinh bệnh DTLCP trên diện rộng, chiều 20-5, UBND tỉnh đã tổ chức phiên họp trực tuyến với các địa phương để bàn các giải pháp đẩy lùi DTLCP trên địa bàn. Thực tế trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành hàng loạt các văn bản, hướng dẫn từ nhận diện dịch bệnh đến công tác tiêu hủy, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, một số địa phương, bộ phận vẫn còn biểu hiện lơ là, chưa nhận thức hết mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch, chưa vận dụng linh hoạt các giải pháp, chưa tập trung, huy động tối đa nhân lực, vật lực cho công tác khống chế bệnh dịch, dẫn đến hiện tượng tái dịch và bùng phát dịch khi thời tiết nắng nóng. Một nguy cơ khác có thể khiến DTLCP bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh chính là việc vận chuyển các nguồn lợn mang vi-rút DTLCP từ các tỉnh, thành phố lân cận vào tỉnh ta tiêu thụ. Trong đó, vụ việc 4 chiếc xe ô tô tải chở lợn từ tỉnh Hà Nam nghi làm giả giấy tờ kiểm dịch để qua mắt trạm kiểm dịch Thanh Hóa chính là một trong những vụ việc điển hình cho những mánh khóe trong hoạt động vận chuyển gia súc mắc bệnh giữa các tỉnh, thành phố hiện nay.

Xác định là địa bàn với dân số đông, khối lượng động vật và sản phẩm động vật tươi sống cung cấp vào thành phố với số lượng lớn, hoạt động phức tạp, nguy cơ tiếp tục lây lan nhanh, TP Thanh Hóa đã phân công cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đến tận các phố, thôn để phát hiện sớm các ổ dịch và bao vây dập tắt dịch ngay khi còn ở diện hẹp. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư, hóa chất, vôi bột để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, bao gồm cả phương án tiêu hủy, nơi chôn, đốt lợn, sản phẩm lợn khi phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh DTLCP. Đồng chí Lê Anh Xuân, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, kiến nghị: Cùng với các giải pháp trên, các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường cần phối hợp thực hiện hiệu quả việc kiểm soát khâu lưu thông, nhất là tại các chốt kiểm dịch trọng yếu để hạn chế lây lan ra các địa phương khác. Bên cạnh đó, xử phạt thật nghiêm minh, tạo sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trong vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh.

Với huyện Nông Cống, từ ngày 11-5 đến nay, bệnh DTLCP cũng đã xảy ra tại 11 thôn thuộc 7 xã. Đồng chí Mai Nhữ Thắng, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: Trên địa bàn hiện có 121 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ rất khó kiểm soát. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mầm bệnh phát tán, lây lan nhanh. Để hạn chế bệnh dịch lan ra diện rộng trên địa bàn, địa phương siết chặt công tác kiểm dịch, giết mổ tại các cơ sở này. Tiến hành khoanh vùng, dập dịch tại các xã đã có dịch và thực hiện việc trực 24/24h tại các chốt, hạn chế lây lan dịch bệnh sang vùng đệm, vùng uy hiếp. Đồng thời, tiến hành tuyên truyền đến từng hộ dân và triển khai ký cam kết về chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Vi-rút DTLCP hiện vẫn chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc- xin phòng bệnh, lại có sức đề kháng cao, sống lâu, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát, do đó, “cuộc chiến” với bệnh dịch này còn dài, gian nan đối với ngành nông nghiệp. Cũng tại phiên họp trực tuyến với các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ, kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng “ra tay” dập dịch. Hơn lúc nào hết, vai trò của người đứng đầu các địa phương cần được phát huy một cách cao độ. Ngoài ra, công tác kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ phải được các địa phương giám sát triệt để. Các lực lượng chức năng cần phải tịch thu, tiêu hủy tất cả sản phẩm từ lợn được bày bán mà không có nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch thú y. Tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp chăn nuôi an toàn, thực hiện cho lợn “ăn chín”, “uống sôi”, “cách ly” với các yếu tố gây bệnh. Quan tâm, chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật lực và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch một cách chặt chẽ nhất, sớm đẩy lùi bệnh DTLCP trên địa bàn.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]