(Baothanhhoa.vn) - Dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề rèn cơ khí Tiến Lộc (Hậu Lộc) phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, làng nghề vẫn cố gắng duy trì sản xuất, chủ động tìm kiếm cơ hội bứt phá khi dịch đi qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng nghề rèn Tiến Lộc nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19

Dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề rèn cơ khí Tiến Lộc (Hậu Lộc) phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, làng nghề vẫn cố gắng duy trì sản xuất, chủ động tìm kiếm cơ hội bứt phá khi dịch đi qua.

Làng nghề rèn Tiến Lộc nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19

Các hộ gia đình ở Tiến Lộc vẫn duy trì hoạt động sản xuất.

Vẫn còn đó những khó khăn…

Được biết đến với nghề rèn truyền thống có từ lâu đời, hiện nay các sản phẩm của làng rèn Tiến Lộc không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đã phát triển đa dạng hơn với nhiều chủng loại, số lượng, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn. Ngoài phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh, sản phẩm của làng nghề đã vươn ra hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và sang tận các nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan... Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ trong xã, đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các nơi lân cận.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 khiến kinh tế suy giảm, sức mua giảm sút, thị trường tiêu thụ bị chững lại, nhiều đơn hàng bị hủy bỏ, ảnh hưởng lớn đến làng nghề và thu nhập của các hộ sản xuất trong làng nghề, đặc biệt là các đại lý, các cơ sở chuyên sản xuất hàng để xuất đi các tỉnh. Chủ đại lý dao kéo Phương Thiết cho biết: “Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều đơn hàng đã ký trước đó đều thông báo tạm hoãn, khách hàng mua lẻ cũng ít đi rất nhiều. Do đó, tôi phải cắt giảm nhân công do hàng sản xuất ra mà không bán được. Riêng đối với thợ khoán nhận việc về nhà làm, tôi đã cho nghỉ hơn 2 tháng nay, từ trước khi thực hiện giãn cách xã hội và chỉ giữ lại những thợ làm tại xưởng.”

Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn văn Dũng ở thôn Ngọ cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Dũng chia sẻ: “Trong thời gian xe cộ bị hạn chế lưu thông, các đơn hàng ngoài tỉnh đều bị hoãn, dẫn đến hàng hóa tồn đọng phải lưu kho. Tuy nhiên, nhóm hàng đen bao gồm các loại cuốc, vét, thuổng… không bị ảnh hưởng nhiều do người dân địa phương có nhu cầu sử dụng để canh tác đất nông nghiệp”.

Bước đầu ổn định sản xuất

Hiện tại, tình hình dịch bệnh đã tạm thời lắng xuống, hoạt động sản xuất của làng nghề cũng đã ổn định hơn tuy nhiên vẫn ở tình trạng sản xuất cầm chừng. “Trước đây, khi hàng bán chạy, khoán cho thợ 200 – 250 sản phẩm/ngày thì bây giờ chỉ khoán 100 – 150 sản phẩm/ngày, chỉ sản xuất cầm chừng vậy thôi”, chủ đại lý Phương Thiết cho biết. Cũng trong tình trạng đó, cơ sở sản xuất bánh lồng của anh Nguyễn Văn Tuấn những ngày gần đây thợ cũng đã trở lại xưởng làm việc bình thường, tuy nhiên số lượng thợ trong xưởng cũng chỉ lác đác 4 – 5 người.

Làng nghề rèn Tiến Lộc nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19

Một cơ sở sản xuất bánh lồng tại làng nghề rèn cơ khí Tiến Lộc.

Trước những diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh, người sản xuất, kinh doanh buộc phải có những cách làm cụ thể để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Vốn là những người thợ cần cù, sáng tạo, trong thời điểm làng nghề sản xuất đình trệ do dịch bệnh, những người thợ trở nên năng động hơn, tìm tòi, ứng dụng công nghệ cải tiến chất liệu, xây dựng hướng phát triển thị trường, chuẩn bị các điều kiện để phục hồi sản xuất khi dịch bệnh đi qua. Người dân tin tưởng rằng dịch bệnh sẽ sớm được dập tắt hoàn toàn để họ quay trở lại với công việc như trước đây.

Ông Lê Văn Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc cho biết: “Hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề vẫn được duy trì cả trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, tuy nhiên số lượng hàng hóa sản xuất ra và tiêu thụ có sự biến động tùy theo từng loại mặt hàng, từng hộ sản xuất và thị trường tiêu thụ loại hàng đó. Hiện tại, địa phương đang tập trung từng bước khắc phục khó khăn, giải quyết các tồn đọng, duy trì ổn định hoạt động sản xuất và tìm kiếm cơ hội phát triển khi dịch bệnh đi qua”. Cùng với đó, xã đang đấu mối với ngân hàng để các hộ sản xuất, kinh doanh được vay vốn với lãi suất thấp; tập trung vận động các hộ sản xuất, kinh doanh lớn thành lập doanh nghiệp để phát triển sản xuất theo quy mô lớn, thuận lợi trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và xây dựng thương hiệu sản phẩm của làng nghề. Biết là khó khăn sẽ còn kéo dài nhưng nếu chủ động chuẩn bị tốt mọi điều kiện thì chắc chắn sẽ phục hồi nhanh thôi…

Tiến Lộc hiện có hơn 1.500/1.680 hộ trong xã tham gia nghề rèn cơ khí. Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I năm 2020, tổng giá trị thu nhập của ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ của xã đạt 110,92 tỷ đồng, chiếm 94% cơ cấu kinh tế.

Thu Hoài


Thu Hoài

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]