(Baothanhhoa.vn) - Không hẳn là những cánh đồng, khu đồi rừng hay những trang trại rộng lớn, mà ngay trong vườn nhà, nếu biết phát huy lợi thế cũng có thể gây dựng những mô hình sản xuất cho lợi nhuận hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm. Đó chính là phong trào xây dựng “vườn hộ”, “vườn mẫu” mà Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã và đang hướng tới.

Khơi dậy quỹ đất vườn hộ để phát triển tiêu chí “sản xuất”

Không hẳn là những cánh đồng, khu đồi rừng hay những trang trại rộng lớn, mà ngay trong vườn nhà, nếu biết phát huy lợi thế cũng có thể gây dựng những mô hình sản xuất cho lợi nhuận hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm. Đó chính là phong trào xây dựng “vườn hộ”, “vườn mẫu” mà Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã và đang hướng tới.

Khơi dậy quỹ đất vườn hộ để phát triển tiêu chí “sản xuất”Vườn mẫu gia đình bà Cao Thị Cẩm ở xã Phú Lộc (Hậu Lộc) trồng cây cảnh, chuyên canh nhiều loại cây trồng giá trị cao.

Phú Lộc là xã thuộc top đầu trong phong trào XDNTM ở huyện Hậu Lộc và cũng là một trong những xã đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn NTM. Từ năm 2015 – 2016, địa phương đã vận động Nhân dân cải tạo vườn tạp để phát triển các mô hình sản xuất trong vườn nhà nhằm phát huy giá trị quỹ đất. Trong xã, gia đình bà Cao Thị Cẩm ở thôn Phú Đa là hộ hưởng ứng phong trào đầu tiên bằng cách phá bỏ cây tạp, tạo môi trường thoáng đãng để canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Mùa nào thức ấy, gia đình bà luân canh dưa hấu - khoai tây – rau màu, xây dựng vườn lan, trồng các loại hoa mẫu đơn, hoa hồng... Từ hiệu quả bước đầu, gia đình bà dồn đổi toàn bộ đất ruộng về giáp đất vườn nhà để mở rộng sản xuất. Những năm sau đó, gia đình tiếp tục đấu thầu diện tích đất lúa hoang hóa gần đó thành khu vườn rộng nhất xã để đầu tư áp dụng các kỹ thuật, phát triển sản xuất quy mô lớn.

Thăm vườn mẫu điển hình ở xã Phú Lộc này, ấn tượng đầu tiên là những giàn cây dây leo xanh mướt chạy dọc ngõ và các tuyến đường nội vườn. Những vườn lan cả trăm mét vuông được chăm sóc kỹ lưỡng hàng ngày trị giá hàng trăm triệu đồng. Dọc các lối đi là các luống cây cảnh tầng thấp như mẫu đơn, hoa hồng, các loại rau màu. Ở khu vực giữa vườn, gia đình đào ao thả cá để chủ động nguồn nước tưới cây quanh năm. Khu vực nuôi lợn rừng theo hướng bán thả rông được quây lưới, luôn duy trì hàng chục con để tận dụng các loại rau - củ - quả dư thừa trong vườn. Ở phía xa là khu vực trồng 100 cây na, 200 cây dừa xiêm, 200 cây bưởi da xanh. Đáng nói, na và bưởi ở đây được trồng thưa hơn bình thường, cắt tỉa cành khá gọn nên phần đất dưới gốc vẫn canh tác được khoai tây và các loại rau màu nên có thu nhập quanh năm. Theo tính toán từ chủ vườn Cao Thị Cẩm, năm 2021, tổng thu nhập từ khu vườn 4.600m2 của gia đình đạt khoảng 550 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lợi nhuận khoảng 360 triệu đồng. Năm 2022 chưa khép lại, nhưng thu nhập còn cao hơn năm trước, trở thành mô hình kinh tế điển hình ở địa phương. Do phát triển sản xuất lớn nên vườn gia đình bà phải thuê thêm 2 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ.

Tại xã miền núi Ngọc Liên (Ngọc Lặc), từ năm 2019, gia đình anh Phạm Phú Phục ở thôn 4 cũng mạnh dạn phá bỏ nhiều loại cây ăn quả phát triển kiểu tự nhiên thiếu tính quy hoạch để xây dựng nhà lưới. Mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng, người đàn ông xứ Mường quyết định trồng măng tây theo hướng công nghệ cao. Qua tìm hiểu các thông tin trên mạng internet và đi học tập nhiều mô hình trước đó, anh thuê kỹ sư về lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tư vấn kỹ thuật canh tác. Sau 3 năm canh tác cây trồng hoàn toàn mới, đến nay, măng tây trong 0,5 ha nhà lưới ở đây phát triển tốt, được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Thanh Hóa kiểm định và công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đều đặn hằng ngày, vườn măng tây đều cho thu hoạch với giá trị từ 1 đến 1,5 triệu đồng, được một doanh nghiệp ở huyện Hoằng Hóa bao tiêu sản phẩm. Theo anh Phạm Phú Phục, năm 2021, sản lượng măng tây thu được 8,4 tấn, trị giá hơn 500 triệu đồng; năm 2022 dự kiến thu 8,7 tấn với giá trị khoảng 530 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 3 lao động địa phương.

Ông Nguyễn Viết Võ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Liên, cho biết: Vườn mẫu gia đình anh Phạm Phú Phục được địa phương vận động xây dựng theo Chương trình XDNTM từ năm 2017, đã nhận được một số hỗ trợ của địa phương và cấp tỉnh. Với sự năng động và cần cù của gia đình anh, đến nay vườn cho thu nhập rất cao, hơn nhiều các cây trồng truyền thống ở địa phương. Không những thế, mô hình trồng măng tây trong nhà lưới theo hướng công nghệ cao này đã tạo được sự lan tỏa, thay đổi tư duy canh tác nên nhiều hộ trong và ngoài xã đã đến học tập kinh nghiệm, đã và đang triển khai xây dựng nhà lưới ngay trong vườn nhà.

Khơi dậy quỹ đất vườn hộ để phát triển tiêu chí “sản xuất”Mô hình trồng măng tây trong nhà lưới tại vườn nhà của anh Phạm Phú Phục xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) cho thu nhập cao.

Tuy chưa có thống kê cụ thể những “vườn mẫu”, “vườn hộ” được hình thành và phát triển nhờ Chương trình XDNTM, nhưng ở những xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đây là tiêu chí bắt buộc. Theo đó, mỗi xã này đều có trung bình từ 10 đến 20 “vườn mẫu”, chưa tính các “vườn hộ” có diện tích dưới 500m2. Nếu nhân với tổng số xã đã đạt chuẩn các cấp độ NTM thì trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn vườn mẫu, vườn hộ đang phát huy hiệu quả. Trên thực tế, các mô hình theo tiêu chí “sản xuất” này đang tiếp tục tăng lên nhờ sự vận động, cơ chế khuyến khích của các địa phương cũng như hiệu ứng lan tỏa từ những vườn đã phát huy hiệu quả.

Đồng hành cùng Chương trình XDNTM của tỉnh, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa đã xin chủ trương và hỗ trợ kinh phí từ UBND tỉnh, tổ chức cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu tỉnh Thanh Hóa năm 2022”. Từ những tháng đầu năm, việc khuyến khích các chủ vườn cải tạo vườn tạp để canh tác những cây trồng giá trị cao hơn, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã được triển khai về cơ sở. Nhiều chủ vườn đã thay đổi nhận thức, đăng ký tham dự cuộc thi để gây dựng nhiều mô hình sản xuất ngay trong vườn nhà.

Theo ông Trần Đức Năng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa: “Từ nhiều đời nay, nhiều gia đình vẫn có thói quen để nhiều loại cây với mong muốn loại cây nào, quả nào cũng có nên trở thành vườn tạp. Nhiều cây lưu niên gây rợp bóng khiến năng suất cây trồng không cao. Vấn đề khó hiện nay là chưa nhiều người đổi mới chặt bỏ để đầu tư canh tác các loại rau màu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để chuyên canh các cây trồng hàng hóa. Những năm gần đây khi phong trào XDNTM đi vào chiều sâu, nhiều địa phương đã tăng cường vận động, bước đầu đã có nhiều chủ vườn năng động cải tạo vườn tạp, đầu tư thâm canh các loại cây trồng hàng hóa, thậm chí kết hợp chăn nuôi nên đã gây dựng được nhiều vườn mẫu sản xuất hiệu quả”.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]