(Baothanhhoa.vn) - Xã miền núi Điền Quang (Bá Thước) có diện tích tự nhiên lớn; trong đó có hơn 1.300 ha đất nông nghiệp, trồng cây hàng năm và rừng sản xuất. Đó chính là tiềm năng để phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhưng nhiều đời nay, trên vùng đất phía Đông Nam của huyện Bá Thước này chưa có nhiều mô hình hiệu quả kinh tế. Dù xã nằm ngay bên Quốc lộ 217, nhưng đồng bào ở đây phần nhiều vẫn còn khó khăn về kinh tế.

Khơi dậy các mô hình kinh tế lợi thế ở xã Điền Quang

Xã miền núi Điền Quang (Bá Thước) có diện tích tự nhiên lớn; trong đó có hơn 1.300 ha đất nông nghiệp, trồng cây hàng năm và rừng sản xuất. Đó chính là tiềm năng để phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhưng nhiều đời nay, trên vùng đất phía Đông Nam của huyện Bá Thước này chưa có nhiều mô hình hiệu quả kinh tế. Dù xã nằm ngay bên Quốc lộ 217, nhưng đồng bào ở đây phần nhiều vẫn còn khó khăn về kinh tế.

Khơi dậy các mô hình kinh tế lợi thế ở xã Điền QuangMô hình trồng cây gai xanh ở xã Điền Quang.

Để khơi dậy quỹ đất, nâng cao hiệu quả trồng trọt, thời gian gần đây, xã Điền Quang đang tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh đổi mới giống cây trồng, cơ cấu mùa vụ. Từ đó, nhiều chính sách tín dụng, hỗ trợ phát triển sản xuất đã được triển khai để các hộ đồng bào thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng thêm những mô hình lợi thế.

Từ nhiều đời nay, người dân ở xã Điền Quang vẫn phát triển nhỏ lẻ diện tích cây khoai mán ruột vàng để tự cấp, tự túc làm thực phẩm trong các gia đình. Thời gian gần đây, nhận thấy đây là cây trồng đặc trưng, chất lượng tốt, có nhiều tiềm năng để thành sản phẩm hàng hóa, xã Điền Quang đã khảo sát, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển thành mô hình lớn. Theo ông Trương Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Quang, cho biết, khoai mán ruột vàng địa phương đã được nhiều người tiêu dùng khen ngợi về chất lượng nên hoàn toàn có thể phát triển thành những mô hình chuyên canh tập trung. Vài vụ gần đây, xã đã khuyến khích người dân tận dụng những diện tích phù hợp để mở rộng trồng loại khoai mán bản địa nên diện tích mỗi vụ khoảng 2 ha và sản phẩm dễ tiêu thụ, một số cơ sở ăn uống, cơ sở du lịch trong huyện, nhất là tại Pù Luông cũng thu mua ngày càng nhiều sản vật địa phương này.

Nhằm giúp bà con thoát nghèo từ cây trồng bản địa, xã đã kiến nghị huyện Bá Thước xây dựng dự án phát triển các mô hình trồng khoai mán ruột vàng đại trà tại các thôn Đồi Muốn, Bái Tôm, Tam Liên, Mưỡn. Để có những bước đi bền vững, dự án được phát triển theo 2 giai đoạn, hiện là thời kỳ khôi phục giống và sau đó sẽ là giai đoạn phát triển mở rộng. Về thị trường tiêu thụ sản phẩm khi có diện tích lớn, xã đã có kế hoạch gắn phát triển mô hình với hoạt động du lịch tham quan thác Muốn tại địa phương. Mặt khác, đang kêu gọi dự án sấy khoai làm bánh tựa bánh khoai môn hiện nay.

Gần đây, nhận thấy cây gai xanh có nhiều triển vọng với những mô hình thử nghiệm hiệu quả, xã Điền Quang đã xác định phát triển đại trà. Trên các triền đồi dốc trồng sắn và các cây truyền thống kém hiệu quả, gần một năm qua, địa phương đã vận động Nhân dân phát triển cây trồng mới này. Tính đến nay, toàn xã đã có hơn 16 ha gai xanh, tập trung tại các thôn Bái Tôm, Khò và Mưỡn. Nhiều nhất là hộ anh Lê Văn Tuấn ở thôn Khò đã phát triển được 10 ha. Ông Bùi Văn Phương, cán bộ khuyến nông xã Điền Quang cho biết, so với trồng sắn truyền thống, cây gai xanh hiệu quả kinh tế hơn nhiều lần, có thể đạt lợi nhuận trung bình 80 triệu đồng/ha mỗi năm. Từ sự tuyên truyền và khuyến khích của chính quyền xã, hiện đã có nhiều hộ đăng ký sẽ phát triển cây gai xanh bởi diện tích vườn đồi ở địa phương lớn, sản phẩm sợi gai lại được doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm. Trên cơ sở đó, xã Điền Quang đã vạch ra kế hoạch trong năm 2022 sẽ phát triển thêm 11 ha gai xanh mới, nhiều diện tích trong kế hoạch đang được cải tạo đất và trồng.

Trong chăn nuôi, tiềm năng núi đồi và đất rừng địa phương cũng đang được khơi dậy. Tại thôn Bái Tôm, năm 2018, gia đình chị Phan Thị Thúy, một hộ cận nghèo địa phương được hỗ trợ một bê cái. Đến nay, bê được nuôi thành bò mẹ sinh sản, đã sinh thêm 2 lứa, bê đầu 1 năm tuổi chị mới bán được 15 triệu đồng, bê nhỏ đang tiếp tục nuôi lớn. 14 hộ nghèo và cận nghèo trong xã như gia đình chị Thúy cũng đang thoát nghèo nhờ chương trình hỗ trợ sản xuất trao bò giống cùng đợt... Tương tự là những đàn dê, những đàn gà đồi ở cấp hộ gia đình được nuôi theo hướng hàng hóa khi đã xóa bỏ được tư duy chăn nuôi tự phát nhỏ lẻ, nặng về tự cấp tự túc. Nhờ đó, đàn vật nuôi trong xã được tăng lên, các hộ nghèo và cận nghèo có thêm “cần câu” xóa nghèo.

Điền Quang có thác Muốn đẹp nổi tiếng, gần đây đang được giới thiệu, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch. Đây cũng chính là điều kiện để địa phương và đồng bào trong xã có thêm cơ hội phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ, bán các nông sản, thổ sản địa phương. Con đường đến với sự khá giả đang ngày càng gần hơn với các hộ đồng bào nơi đây, nhất là có sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc khơi dậy những tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]