(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa hiện có 155 làng nghề, nghề truyền thống trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Trong những năm qua, sự phát triển của các làng nghề đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động. Tuy nhiên, có một thực trạng là hầu hết các sản phẩm làng nghề vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề truyền thống

Thanh Hóa hiện có 155 làng nghề, nghề truyền thống trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Trong những năm qua, sự phát triển của các làng nghề đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động. Tuy nhiên, có một thực trạng là hầu hết các sản phẩm làng nghề vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

Sản xuất chao đèn lồng xuất khẩu tại xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa).

Tại thị trường trong tỉnh, các sản phẩm từ làng nghề truyền thống, như nước mắm Ba Làng (Tĩnh Gia), nghề rèn Tiến Lộc (Hậu Lộc), bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân)... vẫn được khách hàng biết đến và ưa chuộng. Tuy nhiên, khi vươn ra thị trường ngoài tỉnh hoặc quốc tế, sản phẩm làng nghề của Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn vì chưa xây dựng được thương hiệu.

Huyện Nông Cống có 28 làng nghề, nghề truyền thống, nhưng đến nay mới chỉ có làng nghề nón lá Trường Giang được công nhận thương hiệu. Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã tìm đến làng nghề làm miến gạo ở xã Thăng Long. Trước đây, nghề làm miến gạo ở đây đã khá nổi tiếng và quen thuộc đối với người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ông Trương Hữu Hoa, thôn Tân Giao, người đã gắn bó từ lâu với nghề này, chia sẻ: “Lâu nay, người nọ truyền người kia để giới thiệu sản phẩm miến gạo của mình làm ra. Nhưng người dân chúng tôi hy vọng thời gian tới, làng nghề miến gạo sẽ sớm được công nhận thương hiệu để bà con yên tâm gắn bó với nghề và hơn hết để cho sản phẩm làm ra có chỗ đứng trên thị trường”.

Trong quá trình phát triển, trải qua nhiều thăng trầm, những người thợ làng nghề mộc dân dụng Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) đã và đang góp phần gìn giữ giá trị văn hóa từ ngàn đời. Bằng bàn tay tài hoa, họ đã làm ra những sản phẩm gỗ tinh xảo như sập gụ, tủ chè, các loại bàn ghế theo kiểu Á, Âu. Những năm gần đây, thợ nghề Đạt Tài đã hướng đến sản xuất các mặt hàng dân dụng như cửa, trần gỗ, cầu thang... đồng thời đưa hàng thủ công mỹ nghệ (hàng khảm trai) vào sản xuất. Sản phẩm của làng nghề làm ra, bán trên thị trường thấp hơn nhiều so với làng mộc khác trong nước. Nguyên nhân các sản phẩm làng nghề Đạt Tài có giá thấp hơn là do các sản phẩm của làng nghề chưa tìm được thị trường ổn định và cũng chưa xây dựng được thương hiệu riêng; sản xuất của làng nghề hiện còn nhỏ lẻ theo hộ gia đình.

Thời gian qua, hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh tuy có bước phát triển, song chưa thực sự ổn định, bền vững. Số hộ làm nghề trong các làng nghề giảm, một số làng nghề bị thu hẹp quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, hầu hết các làng nghề truyền thống tại tỉnh ta chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm; việc tiêu thụ hàng phải qua nhiều khâu trung gian hoặc phải sử dụng thương hiệu của đối tác. Bên cạnh đó, tỷ lệ thành lập tổ chức làng nghề của các địa phương còn rất ít, hoặc có nhưng cán bộ kiêm nhiệm nên việc xây dựng chương trình quảng bá, tiếp thị, xúc tiến thương mại... còn hạn chế.

Để sản phẩm làng nghề thực sự có chỗ đứng trên thị trường thì mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề phải không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo sản phẩm mới, độc đáo, phù hợp với thị hiếu khách hàng. Bên cạnh đó, các làng nghề cần nâng cao trình độ người lao động, tiếp thu công nghệ mới, phát huy thế mạnh của các nghệ nhân trong cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ. Đồng thời, tổ chức giới thiệu sản phẩm, hàng hóa mới thông qua hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, từng bước tiến tới giao dịch bán hàng trực tiếp giữa cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ để giảm bớt chi phí trung gian. Xây dựng và phát triển thương hiệu là yếu tố quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của làng nghề. Khi xây dựng được thương hiệu sẽ tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]