(Baothanhhoa.vn) - Trong quá trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành có liên quan, các địa phương luôn quan tâm huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. trong đó có hệ thống thoát nước đô thị. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước ở đô thị hiện nay được đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm thoát nước hiệu quả, nhất là mùa mưa lũ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong việc thoát nước ở các đô thị trên địa bàn tỉnh

Trong quá trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành có liên quan, các địa phương luôn quan tâm huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. trong đó có hệ thống thoát nước đô thị. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước ở đô thị hiện nay được đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm thoát nước hiệu quả, nhất là mùa mưa lũ.

Khó khăn trong việc thoát nước ở các đô thị trên địa bàn tỉnh

Sông Cốc – một trong những nơi tiêu thoát nước chính trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Theo đánh giá của các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương, hệ thống thoát nước ở các đô thị, nhất là TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, chức năng thoát nước chưa bảo đảm, gây ô nhiễm môi trường; vào mùa mưa lũ vẫn còn xảy ra ngập nước cục bộ, kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ người dân. Để góp phần khắc phục những hạn chế này, được biết hiện các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đang triển khai thực hiện Quyết định số 4493/QĐ-UBND ngày 21–11–2016 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thoát nước đô thị vùng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 872/QĐ–TTg ngày 17–6–2015. Quy hoạch xác định rõ vị trí, chức năng của vị trí thoát nước đô thị trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, phát triển đô thị nói riêng. Định hướng về quy hoạch, đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng số lượng cần thiết về thoát nước mưa, thoát nước sinh hoạt, thoát nước công nghiệp, xử lý nước thải... của các đô thị với chất lượng hợp vệ sinh, góp phần không ngừng nâng cao sức khỏe của người dân. Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan trong thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, có kế hoạch bảo vệ môi trường thiên nhiên, xả nước thải, xả nước thải đã qua xử lý vào đúng nơi quy định, nhằm làm ổn định, bền vững môi trường, gìn giữ cân bằng sinh thái, cảnh quan thiên nhiên lâu dài cho đô thị. Về thoát nước mưa, phấn đấu đến năm 2020, xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị loại IV trở lên, tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 70% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị. Đến năm 2030, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng ngập úng thường xuyên và tỷ lệ bao phủ hệ thống thoát nước đô thị đạt 90% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị. Thoát nước thải sinh hoạt, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 60%. Đến năm 2030, tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 80%; hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng biệt đối với tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh... Muốn đạt được mục tiêu này, theo tính toán của Sở Xây dựng, chỉ tính riêng việc đầu tư xây dựng các nhà máy, trạm xử lý nước thải tại các đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 cần nguồn vốn hơn 5.927 tỷ đồng, đến năm 2030 nguồn vốn hơn 7.782 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 31 đô thị; trong đó, 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 28 đô thị loại V (24 thị trấn huyện lỵ và 4 thị trấn chuyên ngành), dân số 829.150 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 23,5%. Các đô thị trên địa bàn tỉnh đều được phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, các đồ án quy hoạch được phê duyệt bảo đảm theo quy hoạch, có tính thực tiễn và tầm nhìn dự báo cao. Chỉ tiêu phát triển đô thị đạt tỷ lệ đô thị hóa đạt 35% trở lên vào năm 2020 thì phải có 70 đô thị. Đây chính là một trong những điều kiện quan trọng để các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.

Sau nhiều năm đầu tư xây dựng, đến nay, hệ thống thoát nước của TP Thanh Hóa có các tuyến ống cấp 1 đường kính từ 1 đến 3m, tuyến ống cấp 2 đường kính từ 0,8 đến 1,4m, tuyến ống cấp 3 đường kính từ 0,4 đến 0,6m và nhiều tuyến sông, kênh trên địa bàn... Hệ thống thoát nước cơ bản phủ kín trên địa bàn các xã, phường của thành phố. Tuy nhiên, do hệ thống thoát nước ở nhiều xã, phường đầu tư xây dựng đã lâu, hiện xuống cấp, hư hỏng; hoặc chưa được duy tu, bảo dưỡng nên hiệu quả thoát nước không được như kỳ vọng. Nhất là vào mùa mưa lũ, nước ở nhiều tuyến phố, khu dân cư không tiêu thoát được nước kéo dài, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Bên cạnh đó, người dân vứt rác bừa bãi ra đường, kênh, mương...; đất, đá trên các tuyến đường giao thông, khi trời mưa đã làm vùi lấp các hố ga, dẫn đến ách tắc, giảm công năng của hệ thống thoát nước. Ngoài ra, nước thải sinh hoạt của toàn bộ cư dân thành phố chưa có đường gom riêng để xử lý mà đều xả chung vào hệ thống thoát nước mưa, khiến hệ thống quá tải và gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, các điểm xả nước từ hệ thống này ra môi trường lại chủ yếu là kênh, hồ, sông... qua địa bàn các xã, phường khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng. Trong quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn các đô thị trải qua nhiều giai đoạn khác nhau nên dẫn đến thiếu đồng bộ, không bảo đảm liên hoàn và ảnh hưởng đến chức năng vận hành của toàn hệ thống. Những năm qua, trên địa bàn TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, việc đầu tư xây dựng các công trình thoát nước được quan tâm đầu tư xây dựng.Tuy nhiên, trên địa bàn hai đô thị này, tình trạng ngập nước trong mùa mưa lũ cũng xảy ra, trong đó, một số tuyến phố, khu dân cư ngập nước kéo dài. Về cơ bản khu vực nội thành, nội thị, các khu đô thị, khu dân cư mới đã được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước... Tuy nhiên, hệ thống thoát nước tại các đô thị này cũng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả trong việc thoát nước, gây ô nhiễm môi trường... Tại các thị trấn (đô thị loại V), đa số mới được đầu tư xây dựng mương có nắp đan ở dọc hai bên trục đường chính đi qua trung tâm đô thị, các khu dân cư mới và các cụm công nghiệp. Còn lại các khu vực khác, nước mưa, nước thải sinh hoạt vẫn chảy tự nhiên theo địa hình hoặc chảy theo mương thu tạm và thoát ra các kênh, mương tiêu hoặc khe rạch, sông, suối của khu vực.

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: Sở Xây dựng đã và đang phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá các công trình thoát nước đô thị. Qua đó, đánh giá những tác động đến nguồn nước, đề xuất biện pháp quản lý các nguồn gây ô nhiễm. Áp dụng công nghệ mới trong việc vận hành, theo dõi hệ thống cấp nước nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời các sự cố rủi ro, bảo trì, bảo dưỡng công trình; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước. Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế kêu gọi đầu tư các dự án thoát nước; tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]