(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, huyện Thạch Thành đã tập trung thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng đưa giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, trong đó cây mắc ca (macadamia) xuất xứ từ Australia. Loại cây này bắt đầu trồng tại huyện Thạch Thành từ năm 2006, đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Khai thác tiềm năng, phát triển cây mắc ca trên đất Thạch Thành

Những năm gần đây, huyện Thạch Thành đã tập trung thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng đưa giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, trong đó cây mắc ca (macadamia) xuất xứ từ Australia. Loại cây này bắt đầu trồng tại huyện Thạch Thành từ năm 2006, đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Khai thác tiềm năng, phát triển cây mắc ca trên đất Thạch ThànhVườn mắc ca chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình bà Nguyễn Thị Dung ở khu phố 1, thị trấn Vân Du.

Ý tưởng đưa cây mắc ca vào trồng được bà Nguyễn Thị Dung, thị trấn Vân Du nhen nhóm sau thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu về những loại cây trồng mới trên những vùng đất đồi. Nhận thấy mắc ca là cây lâm nghiệp đa mục tiêu, tuổi thọ dài hơn 60 năm, góp phần cải tạo đất, chống xói mòn, thân gỗ của cây mắc ca còn có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao nên được thị trường ưa chuộng. Năm 2013, bà Nguyễn Thị Dung mạnh dạn kết hợp với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đưa cây mắc ca trồng thử nghiệm trên diện tích đồi của gia đình. Ban đầu, bà đầu tư 80 triệu đồng để trồng thử nghiệm 1,8 ha. Đồng thời, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác để lấy kinh phí chăm sóc, phát triển diện tích cây mắc ca. Sau 4 năm thử nghiệm, 1 ha cây mắc ca của gia đình bà Dung đã cho thu hoạch, với năng suất khoảng 1,3 tấn/ha, mang lại doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Nhận thấy loại cây trồng này tương đối phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, mang lại giá trị kinh tế vượt trội nên từ năm 2017 đến nay gia đình bà Dung tiếp tục đầu tư hơn 450 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng cây mắc ca và hệ thống máy sấy hạt. Hiện tại, gia đình bà đã có khoảng 2.200 gốc mắc ca, tổng diện tích gần 10 ha, trong đó có 4 ha đã cho thu hoạch từ vụ thứ 2 trở lên. Sản lượng đạt khoảng 7,5 tấn/năm, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, cây mắc ca trồng với mật độ 6m x 7m. Tận dụng khoảng đất trống gia đình kết hợp trồng nông - lâm kết hợp, phát triển chăn nuôi, trồng những loại cây ăn quả như: cam, mít Thái, ổi... góp phần tăng doanh thu.

Tương tự như gia đình bà Dung, ông Phạm Hữu Tú, ở thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ cũng là một trong những hộ tiên phong trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện. Năm 2006, gia đình ông Tú nhận khoán 20 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất để tiến hành trồng rừng và các loại cây có giá trị. Tìm hiểu thông tin về loại cây này qua các phương tiện truyền thông, ông Tú đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm 2 ha. Qua một thời gian trồng, chăm sóc, theo dõi, ông Tú khẳng định: cây mắc ca dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí ít, nếu trồng trên đất bằng phẳng thì cây phát triển rất tốt, ít gặp sâu bệnh. Mắc ca là loại cây lâu năm, có thể cho thu hoạch hơn 60 năm, thân gỗ của mắc ca còn có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ. Trong 3 đến 4 năm đầu khi mắc ca chưa khép tán, có thể xen canh các loại cây hoa màu, cây dược liệu ngắn ngày để tăng thu nhập. Hiện tổng diện tích trồng mắc ca của gia đình ông Tú đã được nâng lên 6 ha, đã và đang cho thu hoạch.

Để lựa chọn và đưa giống mắc ca có năng suất hạt cao vào trồng theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân, năm 2020, dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến mắc ca theo chuỗi giá trị tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa” do Công ty TNHH Hiếu Đạt, thị trấn Vân Du đã triển khai thực hiện, với quy mô 20 ha, trong đó 5 ha trồng tập trung có sử dụng hệ thống tưới bán tự động, với tổng kinh phí thực hiện trên 8,2 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 2,41 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 899 triệu đồng, nguồn vốn khác trên 4,9 tỷ đồng...). Dự án được triển khai thực hiện (từ tháng 12-2020 đến tháng 10-2023) do Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp - Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam hỗ trợ về công nghệ. Nội dung chuyển giao bao gồm đầy đủ các bước từ chuẩn bị các yếu tố như vật tư, phân bón, chuẩn bị mặt bằng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế sản phẩm. Đơn vị hỗ trợ công nghệ cử chuyên gia trực tiếp hướng dẫn từng công đoạn của quy trình sản xuất gắn với thực hiện các mô hình; thông qua đào tạo, tập huấn, kết hợp vừa học lý thuyết vừa thực hành ngay tại địa điểm thực hiện dự án... Sau hơn 1 năm đưa vào trồng và chăm sóc theo đúng quy trình, hiện cây mắc ca đang sinh trưởng và phát triển rất tốt. Có thể khẳng định, với các đặc điểm về sinh học và sinh thái của cây mắc ca kết hợp với các công nghệ về sản xuất cây giống tại Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp và các công nghệ tiên tiến về kỹ thuật trồng thương phẩm và chăm sóc cho mắc ca đã chuyển giao cho dự án kết hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hứa hẹn cây mắc ca sẽ phát triển mạnh tại huyện Thạch Thành để trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của huyện cũng như của tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, do hiệu quả và tiềm năng của cây mắc ca, từ năm 2012 đến nay người dân trên địa bàn huyện đã trồng được 100 ha cây mắc ca (chủ yếu là chuyển đổi từ diện tích đất trồng luồng bị suy thoái, kém hiệu quả), tập trung ở các xã: Thành Tân, Thành Mỹ, Thành Yên, thị trấn Vân Du... Sau một thời gian trồng thử nghiệm, cho thấy cây mắc ca rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên đồng đất Thạch Thành. Hiện nay, huyện đã sàng lọc được những dòng mắc ca thích hợp, sinh trưởng phát triển tốt, quả to đồng đều, hạt đã tách vỏ chất lượng cao, giá trị dinh dưỡng đạt yêu cầu để trồng trên địa bàn huyện. Theo đánh giá, cây mắc ca trồng năm thứ 3 bắt đầu cho ra hoa và quả bói, năm thứ 4 cây bắt đầu cho thu hoạch đạt 500 kg quả/ha và đến năm thứ 7 có thể đạt 1,5 tấn/ha trở lên. Ước tính năm 2022 trên địa bàn huyện Thạch Thành có trên 50 ha mắc ca cho thu hoạch quả, ước đạt 45 tấn quả tươi, thu nhập đạt từ 100 đến 250 triệu đồng/ha, giá trị mang lại cao hơn trồng một số loại cây lâm nghiệp.

Từ hiệu quả kinh tế bước đầu của cây mắc ca, huyện Thạch Thành định hướng giai đoạn 2021-2030 sẽ vận động người dân trồng mới 65 ha cây mắc ca, đến năm 2050 trồng thêm 80 ha tại diện tích đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, trong đó diện tích trồng thuần loài tập trung 5 ha, diện tích trồng xen 140 ha. Đồng thời, xây dựng chính sách đặc thù về phát triển cây mắc ca trên vùng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, như: hỗ trợ cây giống, khuyến nông, khuyến lâm, tín dụng đầu tư; tăng cường mở các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và xử lý, bảo quản sản phẩm và thực hiện kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]