(Baothanhhoa.vn) - Đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 10 - 2017, huyện Nga Sơn bị ngập lụt trên diện rộng, một số đoạn đê bị tràn, sạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tài sản của nhân dân nhiều xã trên địa bàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Nga Sơn chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai

Đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 10 - 2017, huyện Nga Sơn bị ngập lụt trên diện rộng, một số đoạn đê bị tràn, sạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tài sản của nhân dân nhiều xã trên địa bàn.

Vật tư tại chỗ tại xã Nga Vịnh nhằm triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2018.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện còn nhiều điểm đê xung yếu, chưa được kiên cố hóa, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi nước sông dâng cao. Mùa mưa bão năm 2018 đã đến gần, công tác triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) trở thành vấn đề bức thiết, phải được triển khai nghiêm túc.

Nhận thức rõ vấn đề này, từ tháng 12 - 2017, huyện Nga Sơn đã xây dựng và triển khai kế hoạch nạo vét kênh mương để khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện cho việc tiêu thoát lũ. Theo đó, trong các tháng đầu năm nay, các xã, thị trấn trên địa bàn đã đồng loạt ra quân, nạo vét được hơn 26.340 m3 bùn đất, vớt bèo, các vật cản trên hàng chục km kênh và sông trên địa bàn. Tháng 5 - 2018, UBND huyện đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCTT & TKCN năm 2017 để đúc rút những kinh nghiệm từ thực tiễn, đồng thời triển khai các phương án cho mùa mưa bão 2018. Theo đó, Ban Chỉ huy (BCH) PCTT & TKCN huyện đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên chịu trách nhiệm phụ trách đôn đốc từng địa phương triển khai các nhiệm vụ liên quan trong suốt mùa mưa bão. Các phòng, ban của huyện cũng được phân công các công việc liên quan đến đơn vị mình.

Trong tháng 5 - 2018, BCH PCTT & TKCN huyện đã tổ chức đi kiểm tra vật tư dự trữ theo phương châm “4 tại chỗ” tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Đến thời điểm này, cả 27/27 xã, thị trấn đã hoàn thành xây dựng các phương án PCTT & TKCN năm 2018 theo yêu cầu. 15/15 xã có đê đã thành lập được đội tuần tra canh gác đê với tổng số 460 người tham gia. Các xã ven sông, cửa biển cũng đã có phương án di dời dân sinh sống ngoài đê, bãi triều và các vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt. Qua tổng hợp, toàn huyện có 905 hộ dân nằm trong các phương án di dời khi có thiên tai; trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã có đê, 228 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn huyện đã được xây dựng phương án nơi neo đậu, chủ yếu tại khu vực cống Mộng Giường.

Trung tuần tháng 6 - 2018, UBND huyện Nga Sơn đã phối hợp với Hạt Quản lý đê Hà Trung (phụ trách hai huyện Hà Trung và Nga Sơn), tổ chức hội nghị tập huấn công tác PCTT & TKCN năm 2018 cho 265 người, nhằm bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ và lực lượng xung kích hộ đê nắm vững nội dung, phương pháp và hướng xử lý kịp thời khi có sự cố thiên tai, bão lụt. Công tác sửa chữa, khắc phục những đoạn đê hư hỏng, xuống cấp không bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão đã được huyện quan tâm ngay từ những tháng đầu năm. Điển hình nhất là việc khắc phục, sửa chữa đoạn đê hữu sông Hoạt từ K 30 + 840 đến K 33 + 840 qua thôn Chiến Thắng, xã Ba Đình. Có mặt tại hiện trường dự án sửa chữa này vào đầu tháng 6, chúng tôi ghi nhận có nhiều máy lu, máy xúc, xe ô tô tải và các nhân lực đang chia ca đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành việc kiên cố hóa đoạn đê từng bị hư hỏng trong đợt lũ tháng 10 - 2017 này để bảo đảm công tác PCTT 2018.

Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong công tác PCTT & TKCN là chuẩn bị vật tư tại chỗ đã được huyện Nga Sơn thực hiện khá nghiêm túc. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã chuẩn bị được 3.770 m3 đất dự trữ, 465 m3 đá hộc, 330 m3 cát, 270 m3 đá dăm, gần 14.000 kg rơm rạ, hơn 65.500 bao tải...; gần 18.000 cọc tre, hơn 6.100 bó rồng, hơn 17.200 phên liếp, gần 2.600 rọ tre và rọ sắt...; theo phương châm “4 tại chỗ” đã được các xã, thị trấn chuẩn bị. Gần những trọng điểm đê điều, các địa phương đều chuẩn bị các bãi đất đá dự trữ, các kho cất giữ vật tư PCTT & TKCN tại chỗ để sẵn sàng cho công tác khắc phục khi có sự cố đê. Tại xã Nga Vịnh, kho chứa vật tư tại chỗ phục vụ công tác PCTT & TKCN được xây dựng kiên cố, khá đầy đủ các danh mục vật liệu theo quy định; nhiều đống đá, cát dự trữ được tập kết ngay cạnh trụ sở UBND xã nên dễ dàng lấy để triển khai công tác PCTT & TKCN khi có yêu cầu. Tại xã Ba Đình, nhiều vật liệu tre luồng còn được xã tiến hành ngâm để tăng độ bền, sau đó mới đưa đi tập kết tại các kho...

Tuy đã có sự chủ động và đạt được nhiều kết quả, song công tác PCTT & TKCN ở huyện ven biển này vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Tại nhiều xã, vẫn còn tình trạng các loại vật tư dự trữ chưa bảo đảm về chất lượng, còn mang tính hình thức. Một số đơn vị bố trí nơi tập kết vật tư chưa khoa học, gây khó khăn cho việc huy động khi có lệnh khẩn. Huyện Nga Sơn đã có sự nhìn nhận để triển khai công tác khắc phục trong thời gian tới.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]