(Baothanhhoa.vn) - Chia sẻ về cái nghề được gọi là phụ, nhưng mang lại nguồn thu nhập chính đối với người dân xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy), ông Lê Minh Đức, phó chủ tịch UBND xã, cho biết:

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Cẩm Thủy: Phát triển nghề làm miến dong

Chia sẻ về cái nghề được gọi là phụ, nhưng mang lại nguồn thu nhập chính đối với người dân xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy), ông Lê Minh Đức, phó chủ tịch UBND xã, cho biết:

Lãnh đạo huyện Cẩm Thủy và xã Cẩm Bình thăm mô hình trồng dong riềng tại thôn Tô 2, xã Cẩm Bình.

Nghề làm miến dong nơi đây đã có từ lâu đời. Hiện nay, số hộ phát triển nghề làm miến đã lên tới con số gần 200. Trước kia, người dân Cẩm Bình sản xuất miến hoàn toàn thủ công nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, vài năm gần đây, nhiều gia đình đã đầu tư máy móc vào một số công đoạn nên năng suất, chất lượng sản phẩm bảo đảm, thu nhập từ nghề làm miến dong của người dân được nâng lên đáng kể.

Chúng tôi tới thăm gia đình chị Phạm Thị Lệ, thôn Tô 2, xã Cẩm Bình, khi gia đình đang bận rộn với việc xây dựng thêm cơ sở vật chất để mở rộng quy mô sản xuất miến. Trong câu chuyện vội vã, chị Lệ cho biết: Từ khi lớn lên, chị đã gắn bó với nghề làm miến truyền thống của gia đình. Mặc dù chỉ làm trong 3 tháng cuối năm, nhưng nghề làm miến dong mang lại thu nhập khá ổn định. Vào “chính vụ”, gia đình chị phải thuê thêm lao động mới kịp đáp ứng các đơn hàng của khách. Trung bình mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, nghề làm miến mang lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 20 triệu đồng. Nhận thấy thị trường khá rộng mở, nhu cầu tiêu thụ cao nên gia đình chị đang đầu tư thêm máy móc, diện tích phơi sấy để sản xuất nhiều hơn vào vụ sản xuất cuối năm nay.

Người dân nơi đây cho biết, sở dĩ miến dong Cẩm Thủy được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn vì miến làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên là củ dong riềng, không hề có chất bảo quản, chất tẩy trắng. Quy trình làm miến cũng khá cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Để có sợi miến ngon, người sản xuất phải chọn loại dong củ to, già. Dong được cắt rễ, rửa sạch rồi cho vào nghiền, lọc bỏ bã để lấy tinh bột. Bột được lọc nhiều lần cho đến khi đạt độ trắng cần thiết mới đưa đi sơ chế, ngâm ủ, lọc tạp chất và tráng thành bánh. Bánh tráng xong được phơi trên các sào lớn để ráo tự nhiên, sau đó được cán bằng máy thành những sợi miến nhỏ. Với những công đoạn sản xuất cầu kỳ, miến dong Cẩm Thủy đã có tiếng trên thị trường với độ giòn, dai vừa phải, không bị sạn cát và không bị vữa khi chế biến. Hiện, nghề chế biến miến dong đang phát triển và nhân rộng ở 2 xã Cẩm Bình, Cẩm Liên và rải rác một số xã trên địa bàn huyện.

Thị trường tiêu thụ rộng mở là vậy, tuy nhiên, cái khó nhất để phát triển bền vững nghề làm miến dong ở Cẩm Thủy chính là vùng nguyên liệu. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cẩm Thủy, đã có thời kỳ, diện tích trồng dong riềng của huyện phát triển lên đến vài trăm ha. Tuy nhiên, do kinh nghiệm sản xuất, chăm bón không đạt yêu cầu nên năng suất cây dong riềng thấp. Cùng với quá trình sản xuất, cây dong đã bị thay thế dần bằng các cây trồng khác như ngô, sắn, mía. Đến nay diện tích trồng dong riềng trên địa bàn huyện rất khiêm tốn, chỉ còn vài chục ha. Để có nguồn nguyên liệu sản xuất miến dong, các hộ dân trong vùng phải đi tìm kiếm, nhập nguyên liệu từ các tỉnh phía Bắc. Điều này ảnh hưởng đến sản phẩm miến dong Cẩm Thủy do không kiểm soát được chất lượng bột. Do vậy, việc nghiên cứu, phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ đang được địa phương hết sức quan tâm.

Theo chân cán bộ huyện Cẩm Thủy, chúng tôi tới thăm mô hình trồng dong riềng quy mô 1 ha tại thôn Tô 2, xã Cẩm Bình của gia đình chị Phạm Thị Toán. Trước đây, diện tích này được gia đình sản xuất mía, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao, lợi nhuận chỉ đạt 25-30 triệu đồng/năm. Được hỗ trợ giống và một phần chi phí sản xuất theo đề tài khoa học “Khôi phục, phát triển nghề trồng và chế biến dong riềng truyền thống theo chuỗi giá trị tại huyện Cẩm Thủy” do Hội LHPN tỉnh thực hiện, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư thêm vốn để cải tạo đất và đưa cây dong riềng vào trồng từ tháng 3-2018. Đến nay, cây dong riềng đang phát triển tốt và đã bắt đầu “xuống” củ. Ước tính, năng suất dong riềng đạt khoảng 80 tấn/ha, người sản xuất lợi nhuận từ 60-80 triệu đồng/ha. Ngoài xã Cẩm Bình, mô hình này đang được triển khai thử nghiệm quy mô 1 ha tại xã Cẩm Liên.

Theo kế hoạch, mô hình trồng cây dong riềng theo đề tài sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Cẩm Thủy với quy mô 20 ha. Một số giống dong riềng có chất lượng, năng suất cao sẽ tiếp tục được đưa vào thử nghiệm. Trong quá trình thực hiện đề tài, các hộ trồng dong riềng còn được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến, được tham quan mô hình trồng dong riềng tại một số tỉnh. Cùng với vốn đối ứng của các hộ dân, đề tài sẽ hỗ trợ cho hộ 50% kinh phí thực hiện công đoạn chế biến, 100% kinh phí mua các loại máy chế biến miến dong. Cùng với các mô hình thử nghiệm của đề tài do Hội LHPN tỉnh triển khai, huyện Cẩm Thủy cũng đang nghiên cứu, quy hoạch các vùng có thổ nhưỡng phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây dong riềng để định hướng nhân dân chuyển đổi sản xuất, phát triển cây dong riềng theo hướng chuỗi giá trị.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]