(Baothanhhoa.vn) - Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, những cựu chiến binh (CCB) Vĩnh Lộc hôm nay vẫn luôn giữ vững bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới – mặt trận chống đói nghèo, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Hội Cựu chiến binh Vĩnh Lộc giúp nhau phát triển kinh tế

Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, những cựu chiến binh (CCB) Vĩnh Lộc hôm nay vẫn luôn giữ vững bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới – mặt trận chống đói nghèo, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Hội Cựu chiến binh Vĩnh Lộc giúp nhau phát triển kinh tế

Cán bộ Hội CCB huyện Vĩnh Lộc thăm mô hình kinh tế của hội viên Phạm Văn Hương, xã Vĩnh Hưng.

Phần lớn đời sống hội viên CCB huyện Vĩnh Lộc đều gắn bó với đồng ruộng. Để giúp hội viên phát triển kinh tế từ chính đồng đất địa phương, giai đoạn 2016 - 2021, hội CCB các xã, thị trấn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở địa phương tổ chức được 13 lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp cho 1.125 lượt hội viên; tổ chức 2 lớp nâng cao kiến thức sản xuất gắn với bảo vệ môi trường cho 500 hội viên. Các cấp hội cũng chủ động bám sát chương trình phát triển kinh tế và các chính sách kích cầu của Nhà nước, của hội CCB và của địa phương để vận động cán bộ, hội viên đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Hội CCB các xã, thị trấn cũng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hội viên được nhận khoán, nhận thầu đất đồng, đất đồi để phát triển trang trại, gia trại. Để giúp hội viên có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, hội CCB huyện đã ký hợp đồng nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 40 tỷ đồng cho hội viên vay vốn; đồng thời duy trì hiệu quả nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác (hơn 22 tỷ đồng), vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội CCB Việt Nam (80 triệu đồng) và quỹ nội bộ do cán bộ, hội viên đóng góp (hơn 5,3 tỷ đồng) cho hội viên vay với lãi suất thấp.

Để giúp nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo sự đoàn kết, gắn bó mật thiết trong hội viên, Hội CCB huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo các cơ sở hội thành lập được 5 câu lạc bộ “CCB giúp nhau phát triển kinh tế” ở các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Hưng, Minh Tâm và Vĩnh An. Trong đó, Câu lạc bộ “CCB giúp nhau phát triển kinh tế” xã Vĩnh Hưng đang hoạt động rất hiệu quả. Đưa chúng tôi về xã Vĩnh Hưng, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội CCB huyện Vĩnh Lộc, phấn khởi cho biết: “Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, xã Vĩnh Hưng đã có hàng chục mô hình kinh tế hiệu quả do CCB làm chủ trên nhiều lĩnh vực như: chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, chế biến gỗ... Mỗi hội viên chọn hướng đi riêng trong phát triển kinh tế, nhưng tất cả đều có điểm chung là nghị lực, quyết tâm vươn lên xây dựng đời sống khá giả và đóng góp vào sự phát triển của địa phương”.

Vĩnh Hưng là xã miền núi của huyện Vĩnh Lộc. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội CCB xã Vĩnh Hưng, năm 2020 câu lạc bộ “CCB giúp nhau phát triển kinh tế” được thành lập, với mục đích thắt chặt tình đoàn kết giữa các hội viên CCB đang là chủ các doanh nghiệp, trang trại, gia trại để giúp nhau cùng làm ăn hiệu quả. Anh Nguyễn Văn Điệp, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Hưng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “CCB giúp nhau phát triển kinh tế”, cho biết: “Câu lạc bộ có 7 thành viên tham gia. Để hoạt động hiệu quả, hàng quý, các thành viên trong câu lạc bộ duy trì sinh hoạt đều đặn để trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật, kiến thức kinh doanh, thông tin thị trường, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Mỗi thành viên sẽ đóng góp 5 triệu đồng/quý để cho nhau vay phát triển kinh tế. Sự ra đời và kết quả hoạt động của câu lạc bộ được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá rất cao, bởi ngoài tạo việc làm cho nhiều lao động, các thành viên trong câu lạc bộ còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương, nhất là việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, có một số CCB trong xã đang xin gia nhập câu lạc bộ, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các thành viên được tham gia để giúp nhau cùng phát triển”. Nổi bật là tấm gương CCB Phùng Ngọc Sinh (thôn 6), Giám đốc Công ty TNHH Quang Thành Thắng tạo việc làm cho 50 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 4,5 – 6,5 triệu đồng/tháng, tổng doanh thu 50 tỷ đồng/năm; CCB Phạm Văn Hương (thôn 6) với mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, cho thu lãi 600 triệu đồng/năm... CCB Lê Ngọc Thắng, thành viên câu lạc bộ chia sẻ: “Từ năm 1996, tôi đã bắt tay vào chăn nuôi bò và trồng mía. Năm 2018, giá mía xuống thấp, tôi chuyển sang trồng keo với diện tích 16 ha. Vì keo trồng phải 7 – 8 năm mới cho thu hoạch nên tôi kết hợp với chăn nuôi. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 25 con lợn nái, 200 con lợn thịt, hơn 30 con dê, trồng hơn 1 mẫu sâm báo và gần 2 ha dưa hấu. Với sự chăm chỉ, chịu khó cùng sự sẻ chia về kinh nghiệm, nguồn vốn của các thành viên trong câu lạc bộ, mô hình kinh tế của gia đình tôi đang cho hiệu quả với thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm”.

Với sự giúp đỡ của các cấp hội, sự nỗ lực vượt khó của mỗi cán bộ, hội viên, đến nay huyện Vĩnh Lộc có 20 công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ do CCB làm chủ; 11 HTX, 714 trang trại, gia trại do CCB làm chủ... Các doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại đã tạo việc làm cho 3.234 lao động. Qua 5 năm thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, các cấp hội CCB trong huyện đã xóa được 248 hộ CCB nghèo, 428 hộ cận nghèo. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 18 hộ CCB nghèo, 189 hộ CCB cận nghèo. Số hộ khá và giàu tăng 1.634 hộ, nâng tổng số hộ CCB khá, giàu của toàn huyện lên 3.498 hộ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội CCB huyện Vĩnh Lộc, cho biết: “Đạt được kết quả này, các cấp hội đã triển khai rất tích cực, sâu rộng nhiều biện pháp, cách làm phong phú, động viên được đông đảo hội viên tham gia với quyết tâm cao. Vì vậy, số hộ CCB nghèo giảm rõ rệt, số hộ khá và giàu tăng lên. Nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên trở thành chủ các công ty, doanh nghiệp, các trang trại, gia trại. Số lượng và quy mô sản xuất, kinh doanh do CCB làm chủ ngày càng mở rộng đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương”.

Bài và ảnh: Tố Phương


Bài và ảnh: Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]