(Baothanhhoa.vn) - Mỗi giai đoạn, ngân sách Trung ương và tỉnh phân bổ nguồn kinh phí không nhỏ cho xây dựng các mô hình sản xuất với mục tiêu phát huy được tiềm năng, lợi thế, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào khu vực miền núi của tỉnh. Vấn đề đặt ra là, phải biết khơi đúng những thế mạnh, tiềm năng sẵn có của từng địa phương, tránh xây dựng những mô hình kiểu hình thức, dàn trải, đồng thời gắn được thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các mô hình...

Hỗ trợ phát triển mô hình cây trồng, vật nuôi lợi thế ở miền núi – những vấn đề đặt ra (Bài 2): “Bắt mạch” lợi thế, phát huy tiềm năng

Mỗi giai đoạn, ngân sách Trung ương và tỉnh phân bổ nguồn kinh phí không nhỏ cho xây dựng các mô hình sản xuất với mục tiêu phát huy được tiềm năng, lợi thế, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào khu vực miền núi của tỉnh. Vấn đề đặt ra là, phải biết khơi đúng những thế mạnh, tiềm năng sẵn có của từng địa phương, tránh xây dựng những mô hình kiểu hình thức, dàn trải, đồng thời gắn được thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các mô hình...

Hỗ trợ phát triển mô hình cây trồng, vật nuôi lợi thế ở miền núi – những vấn đề đặt ra (Bài 2): “Bắt mạch” lợi thế, phát huy tiềm năngMô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại xã Thành Tâm (Thạch Thành) phát huy hiệu quả nhờ người dân tiếp thu tốt kỹ thuật chăm sóc. Ảnh: Lê Đồng

Tin liên quan:

Khu vực miền núi Thanh Hóa gồm 11 huyện, có diện tích tự nhiên hơn 799.000 ha, dân số hơn 1 triệu người, chiếm 71,8% diện tích và 27,2% dân số toàn tỉnh. Với 175 xã, thị trấn, 1.519 thôn, bản sau sáp nhập, khu vực miền núi rộng lớn của tỉnh có nhiều đồi núi, sông suối, có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế.

Để phát huy tối ưu những lợi thế ấy, khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo và hướng tới khá giả của người dân, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022–2025”. Ban Dân tộc tỉnh là đơn vị được giao soạn thảo, lấy ý kiến các sở, ngành, các địa phương và sẽ chủ trì triển khai đề án. Theo đó, dự kiến sẽ có 10 nhóm mô hình cây trồng, 7 nhóm mô hình vật nuôi, 2 nhóm mô hình dược liệu, 3 nhóm mô hình các sản phẩm lợi thế được hỗ trợ xây dựng trên địa bàn 11 huyện miền núi trong hơn 3 năm tới. Trên cơ sở phân tích các sản phẩm đặc trưng có thể phát triển ở từng địa phương, đơn vị soạn thảo đã hướng đến các sản phẩm trồng trọt triển vọng sẽ được xây dựng mô hình như: lúa hữu cơ, bí phấn, chè sạch hữu cơ, quýt bản địa, rau hữu cơ trái vụ, các loại cây ăn quả, các loại măng, trám xen hương bài... Nhiều đối tượng vật nuôi triển vọng như: các loài gà, vịt, lợn bản địa, dúi, cá tầm, cá dốc, thỏ Newzealand... cũng được đề cập. Dự thảo đề án còn đưa ra danh mục khá nhiều loại cây dược liệu có tiềm năng sẽ được triển khai thành các mô hình ở các huyện Bá Thước, Thường Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh. Các mô hình trồng nấm dược liệu ở các huyện Như Xuân và Thường Xuân cùng các cơ sở chế biến măng sạch hay cơ sở sơ chế dược liệu cũng được đưa vào danh mục các sản phẩm lợi thế xứ Thanh trong thời gian tới.

Tuy nhiên trên thực tế, tại các huyện miền núi của tỉnh, còn rất nhiều cây trồng, vật nuôi đặc sản, những sản vật mang tính đặc trưng có thể phát triển thành hàng hóa mà chưa được đề cập nhiều. Huyện Quan Hóa có thể bổ sung mô hình nuôi cá ké đặc sản, cá trắm lòng hồ thủy điện Trung Sơn hiện khá tiềm năng. Tại huyện Quan Sơn, giống vịt bản địa xã Sơn Hà gần đây đang được khôi phục và nhân rộng nhưng chưa đủ để cung cấp cho thị trường trong huyện, hoàn toàn có thể đầu tư phát triển thành những mô hình quy mô lớn. Huyện Thạch Thành có giống gà Mây bản địa của xã Thạch Lâm và vịt tiến vua Trạc Nhật của xã Thành Thọ, nay còn số lượng rất ít, cần được phát triển thành mô hình để khôi phục và bảo tồn. Vùng đồi phía Tây của huyện Ngọc Lặc, nhất là xã Ngọc Khê (cũ) và xã Mỹ Tân có giống na chất lượng tốt, nên quy hoạch và phát triển thành những mô hình tập trung để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng.

Mường Lát - huyện vùng cao và xa nhất tỉnh, nhưng lại có nhiều sản phẩm lợi thế, cần được quan tâm hỗ trợ phát triển như cây khoai mán ruột vàng ở các bản Cá Tớp và Pù Ngùa thuộc xã Pù Nhi, loài vịt cổ rụt bản địa ở xã Quang Chiểu. Tại các xã Pù Nhi và Nhi Sơn, lâu nay vốn là “thủ phủ” của cây mận Tam Hoa nổi tiếng với vị ngọt thanh, màu đỏ bắt mắt, qua tìm hiểu, nhiều năm nay, sản phẩm mận ở đây chưa bao giờ ế hàng. Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu dịu mát của huyện vùng biên này cũng phù hợp với cây sa nhân, cây đào, nhất là các loài đào đá, nhưng lâu nay, chưa có mô hình trồng đào mang tính hàng hóa để cung ứng vào các dịp tết, chủ yếu vẫn là khai thác tự nhiên dẫn đến cạn kiệt. Tại các bản vùng xa của huyện Mường Lát, vẫn tồn tại loài gà Mông bản địa, chất lượng thịt ngon được đồng bào duy trì, nhưng cũng chỉ nhỏ lẻ mang tính tự cấp, tự túc trong các hộ gia đình, chưa thành sản phẩm đại trà.

Với diện tích rừng lớn, nuôi ong lấy mật hẳn là một lợi thế của các huyện miền núi xứ Thanh nhưng chưa được đề cập đến. Trên thực tế, nhiều địa phương đã coi phát triển đàn ong là hoạt động kinh tế quan trọng, điển hình như huyện Thạch Thành. Gần chục sản phẩm OCOP của tỉnh hiện nay chính là mật ong của các vùng miền, mà đa phần thuộc các huyện miền núi. Sản phẩm mật ong có thể cất trữ dài ngày nên không bị áp lực tiêu thụ theo thời vụ, hoàn toàn có thể mở rộng hơn nếu biết phát triển thị trường, đẩy mạnh quảng bá.

Về một số đối tượng thủy sản dự kiến được đề xuất phát triển mô hình cho giai đoạn tới, cần xem xét lại việc phát triển đại trà cá hồi và cá dốc. Khảo sát tại huyện Lang Chánh, mô hình nuôi cá hồi và cá tầm ở bản Năng Cát, xã Trí Nang đã khá nổi tiếng trong tỉnh, tuy nhiên qua nhiều năm nuôi thả, cá hồi thường xuyên bị bệnh, nhất là phụ thuộc nguồn giống và thức ăn từ châu Âu với chi phí khá đắt đỏ. Qua thực tế, các chuyên gia nông nghiệp của tỉnh cho rằng, mô hình nuôi cá hồi ở Lang Chánh đã thất bại, hiện chủ mô hình cũng chủ yếu nuôi thả cá tầm. Với con nuôi là cá dốc - chính là giống “cá thần” tại một số điểm du lịch như: Cẩm Lương, Cẩm Liên (Cẩm Thủy) hay Văn Nho (Bá Thước), từ nhiều năm qua, bà con ở các huyện miền núi cao như Quan Hóa, Mường Lát vẫn khai thác giống trên sông Mã và thả nuôi ở các ao nhà. Tuy nhiên, đây là giống cá rất chậm lớn, có khi 3 - 4 năm mới đạt trọng lượng 2kg, nếu phát triển nuôi thành mô hình đại trà thì khả năng lợi nhuận không cao.

Ngoài những tiềm năng đã lộ rõ, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa còn cho rằng: Toàn bộ khu vực miền núi của tỉnh đều có lợi thế lớn để phát triển cây dược liệu, nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng. Nhiều loài cây có giá trị như: sâm cau, sâm cát, sâm Báo, ba kích, sa nhân, xạ đen, dổi ăn hạt... đã phát triển nhiều đời nay trên thực tế nhưng chỉ rải rác nhỏ lẻ, cần có các dự án, chương trình để phát triển thành những vùng đại trà hay các mô hình dược liệu trồng xen dưới tán rừng. “Với các loài vật nuôi như gà, vịt, lợn cá, theo tôi, khu vực miền núi chỉ nên xây dựng mô hình cho các loài bản địa. Chẳng hạn như phát triển các mô hình, trang trại nuôi lợn thương phẩm bình thường thì khu vực miền núi sẽ không cạnh tranh được với các huyện đồng bằng, chưa nói đến quá trình vận chuyển sản phẩm khá xa, vừa không thuận lợi, lại phát sinh thêm chi phí” - ông Cao Văn Cường nêu quan điểm.

Các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào miền núi xây dựng các mô hình sản xuất với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Tuy nhiên, với đa số các mô hình, khi “bầu sữa” hỗ trợ hết thì mô hình cũng dần tan rã. Vấn đề đặt ra là, chính người thụ hưởng mô hình và chính quyền các địa phương phải có sự chủ động nhất định trong tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, nung nấu để nuôi dưỡng và phát triển mô hình. Việc Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí chỉ là “cần câu” chứ không phải là “con cá”.

Lê Đồng - Lê Hợi

Bài cuối: Để chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]