(Baothanhhoa.vn) - Để hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, chúng ta phải chủ động tháo gỡ sớm những khó khăn, để năm mới không còn phải nhắc lại những câu chuyện không vui của năm cũ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gỡ nút thắt trong năm “bản lề”

Để hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, chúng ta phải chủ động tháo gỡ sớm những khó khăn, để năm mới không còn phải nhắc lại những câu chuyện không vui của năm cũ.

Gỡ nút thắt trong năm “bản lề”

Năm 2023 Thanh Hóa cần tiếp tục khơi thông thị trường, đẩy mạnh công tác xuất khẩu, nhất là với một số mặt hàng chủ lực như may mặc, da giầy (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Năm 2022 sắp khép lại với nhiều con số được xác lập và không ít chỉ tiêu mà tỉnh đạt được nằm trong tốp đầu cả nước. Song so với mục tiêu, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, dễ dàng nhận thấy vẫn còn những mặt hạn chế, tồn tại, có mặt yếu kém. Ẩn sâu trong những con số tăng trưởng vẫn thấp thoáng nỗi lo. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của tỉnh tuy cao nhưng chưa thực sự bền vững; vẫn còn 2 chỉ tiêu là huy động vốn đầu tư phát triển và tổng giá trị xuất khẩu chưa đạt kế hoạch. Cùng với đó, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm; việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự hấp dẫn; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư còn bộc lộ hạn chế…

Đáng nói, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của một số đơn vị cấp sở, cấp huyện, cấp xã trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm, năng lực công tác và tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu. Việc này dù đã được “lên dây cót” một số lần trong năm nhưng chuyển biến chậm.

Một trong những mặt yếu được chỉ ra tại nhiều hội nghị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm đó là “khoảng trống” trong xuất khẩu. Kết quả hoạt động xuất khẩu có vai trò hết sức quan trọng, đóng góp lớn vào thành tích tăng trưởng chung của nền kinh tế. Năm 2022 chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng khá cao là do có nhiều ngành kinh tế tăng trưởng mạnh “gánh đỡ”. Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại hoặc gặp bất ổn, thì xuất khẩu càng trở nên khó khăn hơn, tác động sâu sắc, tiêu cực hơn tới kinh tế trong nước, trong tỉnh. Từ dự báo này đòi hỏi chúng ta phải có sự chủ động tháo gỡ, mà trước tiên là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở những mặt hàng truyền thống, chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó cần có giải pháp đồng bộ để cùng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI, vì đây là những doanh nghiệp có số lượng đơn hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn như giầy da, may mặc… Một số doanh nghiệp FDI từ cuối năm 2022 đã bộc lộ sự khó khăn trong xuất khẩu khiến nhiều công nhân đã phải nghỉ việc.

Gỡ nút thắt trong năm “bản lề”

Năm 2023 Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Một vấn đề cần tháo gỡ nữa là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Đây được xác định là nguồn vốn “mồi” có vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn vốn khác vào tỉnh. Tuy nhiên, năm 2022 việc giải ngân vốn đầu tư công không hoàn thành kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân cản trở việc này, trong đó đáng nói là có một số thủ tục liên quan đến đầu tư công được cho là vẫn còn phức tạp và lòng vòng cản trở nhà đầu tư.

Cùng với đó là du lịch. Sau khi mở cửa trở lại đầu năm 2022, du lịch Thanh Hóa đón khá nhiều khách, nhưng doanh thu du lịch bình quân trên lượt khách còn thấp, tổng thu từ du lịch chưa như kỳ vọng; nhất là lượng khách du lịch quốc tế còn thấp. Từ yêu cầu này đòi hỏi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch phải đa dạng hơn nữa cách tiếp cận thị trường, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới phù hợp xu hướng du lịch thế giới hiện nay, đồng thời có chiến lược đột phá vào những thị trường phi truyền thống để hút khách đến xứ Thanh.

Cuối cùng, môi trường đầu tư kinh doanh là câu chuyện đã nói nhiều lần, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và gắt gao, nhưng chuyển biến chậm.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và phát động phong trào thi đua năm 2023 diễn ra ngày 28-12-2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đã chỉ ra rằng: Công tác quản lý Nhà nước, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của một số ngành, địa phương còn hạn chế; một số Ủy viên UBND tỉnh, một số ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết công việc có việc hiệu quả chưa cao. Kỷ luật, kỷ cương ở một số nơi chưa nghiêm, năng lực công tác, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, để xảy ra sai sót trong quá trình tham mưu giải quyết công việc...

Là tỉnh có lợi thế về quy mô, dân số, nhưng thật sự chưa phải là lúc nào và ở đâu cũng là nơi để “đất lành chim đậu”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đề cập bằng những hình ảnh rất cụ thể nhằm cảnh báo, nhắc nhở đội ngũ cán bộ: “Chúng ta cần khắc phục hiện tượng “tỉnh mở, sở thắt”, “trên trải thảm, dưới rải đinh” trong thu hút đầu tư; mặc dù chúng ta đã cải thiện được rất nhiều nhưng không ít doanh nghiệp trao đổi vẫn còn khó khăn”.

Và đồng chí khẳng định rằng: “Nếu lãnh đạo tỉnh có quyết tâm lớn đến mấy mà bộ phận cán bộ tham mưu, giúp việc chưa chịu thay đổi, vẫn sách nhiễu, quan liêu, thiếu năng lực thì không thể hiện thực hóa được quyết tâm của lãnh đạo cấp trên".

Từ những vấn đề này, đòi hỏi lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh cần tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, để có bước thay đổi nhanh, từng ngành, từng địa phương, cán bộ, công chức phải thực sự nhận thức việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là mệnh lệnh chính trị, trách nhiệm bản thân để chung sức cùng tỉnh…

Gỡ nút thắt trong năm “bản lề”

Tháo gỡ được những khó khăn đã chỉ ra, chắc chắn Thanh Hóa sẽ có bước đột phá, GRDP tăng trưởng mạnh hơn nữa trong năm 2023. (Đồ họa minh họa. Nguồn: Internet)

Năm 2023 được xác định là năm có tính chất “bản lề” trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Để hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, chúng ta phải chủ động tháo gỡ sớm những khó khăn, để năm mới không còn phải nhắc lại những câu chuyện không vui của năm cũ.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]