(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, huyện Thường Xuân đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở huyện Thường Xuân

Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở huyện Thường Xuân

Mô hình tích tụ, tập trung đất đai để trồng cây ăn quả tại xã Thọ Thanh.

Thời gian qua, huyện Thường Xuân đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn...

Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, phát triển bền vững đã mang lại hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để nâng cao giá trị sản xuất, huyện Thường Xuân đã tập trung triển khai các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh gắn với tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích tụ 500 ha đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa; lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế, như: Ngô thâm canh, rau an toàn, mía thâm canh, cây ăn quả, cây làm thức ăn chăn nuôi... Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, HTX, người dân. Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi hơn 360 ha các loại cây có hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng giá trị kinh tế cao, như: Dưa Kim Hoàng hậu, dưa bao tử, ớt xuất khẩu, khoai tây xuất khẩu... Theo đánh giá, hiệu quả kinh tế của các cây trồng sau khi chuyển đổi tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với trồng lúa. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, UBND huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, như: Mô hình trồng cây ăn quả tập trung áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu, dưa leo trong nhà lưới; mô hình trồng ớt xuất khẩu... Các tiến bộ khoa học - kỹ thuật được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, trình độ sản xuất của người dân ngày càng nâng lên; nhất là các giống cây con có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu được đưa vào sản xuất góp phần nâng cao sản lượng, giá trị kinh tế... Cùng với chính sách của tỉnh, huyện cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ người dân sản xuất rau an toàn trong nhà lưới. Đồng thời, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân khi sử dụng các loại phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để tạo ra sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế gấp 5 đến 6 lần so với sản xuất rau truyền thống và gấp 7 đến 10 lần so với sản xuất lúa. Việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất được huyện quan tâm thực hiện bước đầu có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, trên địa bàn có 23 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đã và đang làm tốt nhiệm vụ là “cầu nối” cho người dân, doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, như: Dưa Kim Hoàng hậu, cây ngô sinh khối, ớt xuất khẩu... Trong chăn nuôi, huyện đã khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại; tổ chức lại chăn nuôi nông hộ, thay đổi về phương thức đầu tư con giống, quy trình chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi. Đồng thời, chuyển dần hình thức giết mổ tự phát trong dân, giết mổ trên sàn sang giết mổ tập trung, cách sàn để kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển con nuôi có lợi thế phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân, có đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao, như trâu, bò, dê, lợn cỏ, gà ri...

Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thường Xuân, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực hiện chuyển đổi khoảng 50 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp và 20 ha đất bãi sang trồng cây ăn quả; 170 ha đất bãi trồng mía, sắn hiệu quả thấp chuyển sang trồng ngô dày làm thức ăn chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Tập trung phát triển 5 sản phẩm có lợi thế là ngô thâm canh, rau an toàn, mía thâm canh, cây ăn quả, cây làm thức ăn chăn nuôi gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, bảo vệ môi trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; tập trung phát triển 2 sản phẩm có lợi thế là gà lông màu và con nuôi đặc sản. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn đã triển khai thực hiện thành công tại các xã Thọ Thanh, Ngọc Phụng, Xuân Dương... Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn. Chuyển giao nhanh và đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện... Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế của từng địa phương; tập trung hình thành và phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng trên các hồ thủy lợi, thủy điện gắn với khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản từ tự nhiên.

Lê Ngọc


Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]