(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương nâng cao, củng cố chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả về kinh tế.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp

Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương nâng cao, củng cố chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả về kinh tế.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp

Mô hình trồng bưởi tại HTX dịch vụ nông nghiệp Thăng Long (Nông Cống).

Ngoài trồng thành công với nhiều loại rau, củ, quả cho năng suất, chất lượng cao, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, từ năm 2018, HTX nông nghiệp hữu cơ Quang Minh (thị xã Bỉm Sơn) đã phát triển được gần 50 ha rau má theo quy trình VietGAP. Toàn bộ diện tích này đều được Công ty CP Liên minh HTX nông, lâm sản Thanh Hóa bao tiêu để phục vụ chế biến. Đến nay, HTX đã sản xuất và cung cấp rau theo tiêu chuẩn VietGAP ra thị trường với sản lượng hàng năm khoảng 120 tấn và sản phẩm đáp ứng đủ các yêu cầu khắt khe để có mặt trên kệ hàng của hầu hết các siêu thị trong tỉnh. Đồng thời, HTX đầu tư 100% hệ thống tưới tự động theo công nghệ Israel, cải tạo nhà xưởng sơ chế và đầu tư kho lạnh bảo quản rau. Ông Trịnh Quang Hiển, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Quang Minh, thị xã Bỉm Sơn, cho biết: Từ chỗ sản xuất đơn lẻ, manh mún, các thành viên của HTX đã liên kết với nhau mở rộng quy mô và áp dụng các biện pháp an toàn vào sản xuất để cho ra những sản phẩm chất lượng, từ đó thu nhập được nâng lên và hiệu quả kinh tế cũng ổn định hơn.

Đến nay, trên địa bàn huyện Nông Cống có 15 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 4 doanh nghiệp để sản xuất lúa giống thông qua hợp đồng, tổng diện tích liên kết 770 ha/vụ, năng suất bình quân đạt 64 tạ/ha, sản lượng đạt 98.560 tấn/năm. Mối liên kết này thực hiện thông qua việc các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào (giống nguyên chủng), hướng dẫn quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm, còn các HTX đại diện cho thành viên ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sản xuất theo hợp đồng. Điều này giúp các thành viên HTX giảm chi phí sản xuất, như lượng giống gieo sạ từ 180kg/ha xuống 120kg/ha, vật tư giảm 20 - 30%, không lo đầu ra sản phẩm với giá thu mua ổn định. Qua thống kê, mỗi ha lúa giống liên kết mang lại lợi nhuận gấp 1,2 lần so với sản xuất lúa thông thường.

Có thể nói, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào ổn định và có bước phát triển mới. Trên hành trình đó, xuất hiện thêm nhiều HTX kiểu mới, liên kết hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt trong phát triển kinh tế của địa phương. Các HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, cung ứng những dịch vụ thiết yếu cho khoảng 80% thành viên về thủy nông, vật tư, làm đất, giống, khuyến nông, thu hoạch và chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất. Đặc biệt, HTX tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cùng các doanh nghiệp, mỗi năm cung ứng hàng trăm tấn muối, rau, quả, lúa giống ra thị trường. Đến nay, số lượng HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 60%/tổng số HTX. Theo thống kê của Liên minh HTX Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 1.264 HTX, trong đó có 789 HTX nông nghiệp, tăng 63 HTX so với năm 2021. Các HTX đã phát huy được vai trò trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy sự liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác.

Bên cạnh những thành quả đạt được, quá trình phát triển HTX trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là, nội lực của các HTX chưa thật sự mạnh, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế, vốn đầu tư thấp, năng lực tổ chức các hoạt động dịch vụ và sản xuất, kinh doanh chưa đủ mạnh để cạnh tranh trong cơ chế thị trường, vị thế của HTX còn bị xem nhẹ.

Để HTX phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bản chất, vai trò của HTX. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ HTX để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Mạnh dạn triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ và thành viên các HTX nhằm đáp ứng nhu cầu công việc. Qua đó, từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của kinh tế hộ, để mạnh dạn góp vốn giúp HTX thay đổi về chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Bài và ảnh: Chi Phạm


Bài và ảnh: Chi Phạm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]