(Baothanhhoa.vn) - Nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) đã tiếp sức cho nhiều nông dân trong tỉnh đầu tư phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đồng hành với nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) đã tiếp sức cho nhiều nông dân trong tỉnh đầu tư phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả...

Đồng hành với nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quảĐược vay vốn của Agribank, nhiều hộ dân xã Thọ Lập (Thọ Xuân) đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.

Men theo những cung đường bê tông mới mở, len lỏi giữa những vườn cam, bưởi, ổi xanh bạt ngàn, chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Trí Tám, thôn 5, xã Xuân Hồng (Thọ Xuân). Được biết, hiện nay, gia đình ông Tám đang được Agribank Thọ Xuân cho vay 4,5 tỷ đồng để đầu tư trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp khép kín, có hệ thống thông gió, hệ thống làm mát và hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, với quy mô 300 con lợn nái, 1.600 con lợn thịt; trồng gần 20 ha cam, bưởi. Hiện tổng thu nhập bình quân hàng năm của gia đình ông đạt khoảng 4 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Ông Tám, cho biết: “Trước đây, lăn lộn khắp nơi để làm ăn nhưng không hiệu quả, từ năm 2000, khi về lập nghiệp tại quê nhà tôi đã được Agribank Thọ Xuân tạo điều kiện cho vay hơn 100 triệu đồng để phát triển kinh tế. Mô hình trang trại của gia đình tôi từ đó đến nay đều phát triển và cho thu nhập tốt. Nếu không mạnh dạn vay vốn ngân hàng thì có lẽ tôi không thể có được cơ ngơi như bây giờ”.

Sau bao năm bôn ba làm ăn ở Đài Loan, anh Nguyễn Văn Mạnh, ở xã Xuân Trường (Thọ Xuân) trở về quê nhà mong muốn tìm cơ hội làm giàu. Toàn bộ vốn liếng anh Mạnh dành dụm được trong thời gian đi lao động ở nước ngoài quá ít, không đủ để anh lập một trang trại nuôi gà đẻ quy mô lớn hiện đại như mong muốn. Đầu năm 2017, với số vốn sẵn có cộng với hơn 500 triệu đồng được Agribank Thọ Xuân cho vay, anh Mạnh đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà, đem lại thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/tháng.

Thời gian qua, Agribank Thọ Xuân luôn đồng hành cùng với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Ông Phạm Ngọc Lai, Giám đốc Agribank Thọ Xuân, cho biết: Đến hết tháng 6-2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện đạt hơn 1.087 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cuối năm 2019. Nhờ nguồn vốn này, nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở Thọ Xuân đã hình thành. Những cánh đồng trồng cam, bưởi, ổi, cây rau màu đã và đang phủ xanh những vùng đất màu mỡ nơi đây. Thời gian tới, Agribank Thọ Xuân tiếp tục cam kết đồng hành cùng với nông dân các xã trong huyện, giúp nhà nông khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của đồng đất quê hương để làm giàu.

Thời gian qua, để hỗ trợ nhà nông đầu tư phát triển sản xuất, Agribank Thanh Hóa đã đẩy mạnh các chương trình cho vay. Tiêu biểu như chương trình hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường; hỗ trợ vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp... Để nhà nông tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, Agribank Thanh Hóa đã thông qua các đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ tạo điều kiện tín chấp cho nông dân vay vốn; tư vấn, hỗ trợ người dân sử dụng vốn hiệu quả và giám sát sử dụng vốn đúng mục đích. Để đưa ngân hàng số đến gần dân, nhiều năm qua, Agribank Thanh Hóa đã triển khai mô hình ngân hàng lưu động đến tận thôn, xóm, góp phần giúp bà con ở các vùng xa của tỉnh giao dịch thuận lợi, dễ dàng; tiền lãi được trả đúng hạn và an toàn... Bên cạnh đó, từ tháng 10-2009, thực hiện thí điểm “Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn”, Agribank Thanh Hóa đã phát hành cho khách hàng 4.590 thẻ nông nghiệp, nông thôn với hạn mức thấu chi 43 tỷ đồng. Theo đó, đối với khách hàng cư trú hoặc có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn có nhu cầu đều có thể đăng ký phát hành thẻ và được cấp hạn mức thấu chi lên tới 30 triệu đồng để thanh toán các chi phí sinh hoạt thiết yếu và các nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày, nhất là nhu cầu thanh toán đầu vào vật tư nông nghiệp. Tính đến ngày 30-6, tổng dư nợ của Agribank Thanh Hóa đạt 18.551 tỷ đồng, với hơn 110 nghìn khách hàng. Trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 86% tổng dư nợ.

Thời gian tới, Agribank Thanh Hóa tiếp tục tập trung ưu tiên vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, ưu tiên phát triển tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu; chú trọng đầu tư cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi vay, giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn vay của các đối tượng được vay. Củng cố và phát triển vốn vay thông qua các tổ vay vốn và tiết kiệm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn để vừa bảo đảm tính thanh khoản, vừa bảo đảm đủ nguồn vốn để tăng trưởng tín dụng hợp lý và an toàn.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]