(Baothanhhoa.vn) - Những tháng gần đây, giá thịt lợn liên tục tăng với tốc độ “phi mã” và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện đã đạt mốc giá cao nhất từ trước đến nay và cao gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm. Từ nay đến hết năm, dự báo giá thịt lợn sẽ còn có sự biến động lớn?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để kiểm soát và bình ổn thị trường thịt lợn

Để kiểm soát và bình ổn thị trường thịt lợn

Quầy bán thịt lợn tại chợ Cầu Đống, phường An Hưng (TP Thanh Hóa).

Những tháng gần đây, giá thịt lợn liên tục tăng với tốc độ “phi mã” và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện đã đạt mốc giá cao nhất từ trước đến nay và cao gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm. Từ nay đến hết năm, dự báo giá thịt lợn sẽ còn có sự biến động lớn?

Giá tăng cao - thị trường trầm lắng

Thịt lợn luôn là nguồn thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Vì vậy, sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại các chợ thường cao gấp nhiều lần so với những loại thịt khác. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10-2019, giá thịt lợn hơi tăng, nên giá thịt lợn bán tại các chợ cũng theo đó được đẩy tăng cao liên tục. Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, điều này đang khiến cho thị trường tiêu thụ trở nên trầm lắng.

Tại chợ Tây Thành, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), giá thịt lợn chiều ngày 10-12 đã đạt mốc 140.000 đồng/kg đối với thịt nạc, 150.000 đồng/kg đối với các loại thịt ba chỉ. Các loại thịt, xương khác giá cũng tăng khoảng 15.000 đến 25.000 đồng/kg so với tháng trước. Tuy giá thịt lợn tăng cao liên tục trong vòng nhiều tháng, song các quầy bán thịt lợn tại chợ vẫn được các tiểu thương duy trì. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, thay vì những bàn đầy ắp các loại thịt với số lượng lớn như trước đây, thì nay đã giảm đi khá nhiều. Quầy thịt của bà Nguyễn Thị Nga, thông thường vẫn duy trì số lượng bán ra khoảng 1 tạ/ngày. Song, gần một tháng nay, lượng thịt bán ra mỗi ngày chỉ còn khoảng 50 kg. Những quầy thịt khác tại chợ cũng trong tình trạng tương tự.

Ở chợ Cầu Đống, phường An Hưng (TP Thanh Hóa) những tháng trước, luôn có 7 quầy bán thịt lợn, nhưng những ngày này, chỉ còn 4 quầy bán thịt lợn đang hoạt động ở mức cầm chừng. Chị Mai Thị Oanh, chủ quầy bán thịt lợn còn duy trì bán tại chợ, cho biết: Nguyên nhân khiến một số quầy bán thịt tại chợ ngừng hoạt động là do giá các loại thịt lợn tăng cao gấp 2,5 đến 3 lần so với những tháng đầu năm, người dân không thường xuyên mua thịt lợn mà chuyển sang sử dụng các thực phẩm khác thay thế, nên lượng thịt bán ra hạn chế. Vì vậy, một số chủ quầy đã nghỉ bán để chuyển sang buôn bán các mặt hàng khác.

Tại khu vực nông thôn, thị trường tiêu thụ thịt lợn càng trở nên ảm đạm. Theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực chợ Vực, xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) vào sáng ngày 10-12, cho thấy, lượng khách vào các quầy thịt lợn để mua hàng khá khiêm tốn, nếu có thì chỉ mua với số lượng ít. Một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ, cho biết: Thời điểm giá thịt lợn chưa có sự biến động thì số lượng lợn tiêu thụ tại chợ đạt khoảng 7 đến 8 con/ngày. Tuy nhiên, giá thịt lợn liên tục tăng cao, nay đã đạt mức 160.000 đồng/kg thịt nạc, 150.000 đồng/kg thịt ba chỉ, nên lượng tiêu thụ giảm xuống chỉ còn khoảng 2 con/ngày.

Bà Trịnh Thị Minh, thôn Thành Tiến, xã Xuân Hồng (Thọ Xuân), cho biết: Thời điểm giá thịt lợn khoảng 70.000 đến 80.000 đồng/kg thì số lượng sử dụng thịt lợn vào bữa ăn chính của gia đình bà khoảng 3 đến 4 bữa/tuần. Tuy nhiên, do giá thịt lợn tăng nhanh, tính ra cao hơn cả thịt gà, ngan, vịt, nên bà đã sử dụng các loại thịt thay thế cho thịt lợn, giảm số lượng thịt lợn sử dụng vào bữa ăn chỉ còn 1 bữa/tuần. Cũng do giá thịt lợn tăng cao, nên gia đình bà Trịnh Thị Thủy, xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) đã cùng với một số gia đình khác trong xã đã chọn giải pháp góp chung tiền mua lợn hơi về làm thịt để giảm chi phí và thường xuyên có thịt lợn cho bữa ăn hằng ngày. Theo bà Minh, tuy giá lợn hơi tính đến ngày 10-12 đã đạt ở mức 84.000 đồng/kg, song tính ra thì tự mua về làm thịt vẫn tiết kiệm hơn nhiều so với mua ngoài chợ.

Gần trưa ngày 11-12, chúng tôi có mặt tại chợ Vạn Hà, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa). Lúc này, lượng người mua, bán tại chợ đã vãn, song lượng thịt lợn vẫn còn khá nhiều. Ông Hoàng Văn Khánh, Trưởng Ban Quản lý chợ Vạn Hà, cho biết: Tình trạng này đã kéo dài hơn 1 tháng nay. Cùng thời gian này, do sức mua thịt lợn giảm khiến số quầy bán thịt lợn tại chợ cũng giảm từ 45 quầy xuống còn 30 quầy, lượng thịt tiêu thụ trung bình của mỗi quầy giảm từ 50 kg xuống còn 20 kg/ngày. Chị Lê Thị Phương, chủ quầy bán thịt tại chợ, cho biết: Cuối năm là thời điểm “ăn nên làm ra” của các tiểu thương bán thịt. Thế nhưng, giá thịt lợn tăng từng ngày, nên lượng khách tiêu thụ ngày càng giảm.

Thực hiện các giải pháp kiểm soát chăn nuôi, bình ổn thị trường

Để tìm hiểu rõ về nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng cao liên tục những tháng gần đây, chúng tôi đã đi khảo sát tại một số hộ, trang trại nuôi lợn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Quảng Xương, cho thấy, việc tái đàn lợn vẫn đang được thực hiện tại nhiều hộ chăn nuôi có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Do bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp nên các hộ chăn nuôi không thực hiện tái đàn ồ ạt mà chỉ duy trì số lượng nuôi tùy vào khả năng kinh tế cũng như khả năng kiểm soát bệnh dịch. Vì vậy, số lượng lợn được tái nuôi không nhiều như những thời điểm trước.

Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên địa bàn tỉnh hơn 9 tháng qua, song tổng đàn lợn bị hao hụt của toàn tỉnh mới khoảng 211.000 con, chiếm khoảng 17% tổng đàn lợn của toàn tỉnh. Hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tổng đàn lợn đạt khoảng 955.000 con. Trong tổng số đàn lợn hiện có, có 126.190 con lợn nái, 317.162 con lợn theo mẹ, còn lại là lợn thịt ở các lứa tuổi khác nhau. Cũng theo phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì với số lượng lợn hiện có trên thì việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trên địa bàn tỉnh là không chính xác. Điều này càng được khẳng định khi bắt đầu thời điểm lợn tăng giá từ tháng 10 đến nay, toàn tỉnh đã xuất đi khoảng 10.000 con lợn thịt quá lứa và 2.413 con lợn đực.

Về phía người chăn nuôi, qua ý kiến của nhiều chủ trại chăn nuôi lợn cho thấy: Hiện nay, giá lợn hơi đang cao kỷ lục từ trước đến nay. Với mức giá lợn hơi dao động từ 80.000 đồng đến 85.000 đồng/kg như hiện nay, thì một con lợn đến tuổi xuất chuồng người chăn nuôi thu lãi từ 3,5 đến 4 triệu đồng. Vì vậy, chủ trang trại nào cũng muốn có lợn xuất bán trong thời điểm này, chứ không hề có tư tưởng găm hàng. Bởi, họ không dám mạo hiểm giữ lại lợn để chờ tăng giá khi mà bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, bất cứ lúc nào đàn lợn cũng có thể bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy, nên chỉ cần lợn khỏe mạnh đến tuổi xuất chuồng là họ lập tức cho xuất ngay để ăn chắc. Hơn nữa, tuy giá hiện nay đang cao, song thị trường giá cả diễn biến phức tạp theo từng ngày, nên nhiều hộ chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi với quy mô lớn không hề có tư tưởng giữ lợn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ trang trại nuôi lợn tại xã Xuân Hồng (Thọ Xuân), bày tỏ: Hiện nay, người chăn nuôi lợn đang sản xuất trong tâm thế “Nơm nớp lo sợ”. Bởi, bất cứ lúc nào đàn lợn cũng có thể bị nhiễm các loại bệnh dịch mà không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy. Do đó, chỉ cần giữ cho đàn lợn an toàn đến thời điểm xuất chuồng là xuất ngay, cầm chắc lợi nhuận trong tay, chứ không ai dám mạo hiểm đánh cược tiền của và công sức của cả một thời gian dài đầu tư để chờ một chút lợi nhuận trước mắt.

Xuất phát từ việc tìm hiểu, đánh giá, phân tích tình hình thực tế, ông Mai Thế Sang, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Nguyên nhân khiến thịt lợn liên tục tăng giá trên địa bàn tỉnh những tháng gần đây là do ảnh hưởng của biến động giá cả thị trường chung trên toàn quốc do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi chứ nguồn cung thịt lợn trên địa bàn tỉnh không bị thiếu hụt. Thực tế, từ nhiều tháng trước, ngành nông nghệp đã dự báo được tình hình giá lợn sẽ được đẩy lên cao, nhất là vào thời điểm cuối năm. Do đó, để ổn định chăn nuôi, góp phần ổn định thị trường thịt lợn trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời liên quan đến việc tái đàn. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm quy định, điều kiện về tái đàn lợn. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên khử trùng, tiêu độc.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lữ Minh Thư, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Để bình ổn, kiểm soát thị trường; đồng thời, giúp người tiêu dùng giảm áp lực về chi phí sinh hoạt, Sở Công Thương đã và đang tuyên truyền cho người tiêu dùng giảm bớt số lượng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn để thay thế bằng các thực phẩm khác, như: Trâu, bò, gà, vịt, cá... Cùng với đó, để bảo đảm chất lượng cho các sản phẩm thực phẩm, trong đó có sản phẩm thịt lợn trong dịp cuối năm, Sở Công Thương đã và đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hương Thơm


Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]