(Baothanhhoa.vn) - Những tháng qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp gần như bị đóng băng. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong xuất khẩu, chế biến nông sản gần như bị tê liệt trong việc xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động và bà con nông dân, đồng thời giữ vững được vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp “tự cứu” mình. Trong đó, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đang được xem là giải pháp trọng tâm, hiệu quả giúp các doanh nghiệp và nhiều hộ dân trụ vững qua cơn bão dịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa các sản phẩm nông nghiệp

Những tháng qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp gần như bị đóng băng. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong xuất khẩu, chế biến nông sản gần như bị tê liệt trong việc xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động và bà con nông dân, đồng thời giữ vững được vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp “tự cứu” mình. Trong đó, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đang được xem là giải pháp trọng tâm, hiệu quả giúp các doanh nghiệp và nhiều hộ dân trụ vững qua cơn bão dịch.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa các sản phẩm nông nghiệp

Sản phẩm ngô ngọt của huyện Vĩnh Lộc được Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thu mua, chế biến.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà ta giữa HTX Nông trại 36, xã Tân Thành (Thường Xuân) với 21 hộ chăn nuôi tại các huyện Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy theo hợp đồng kinh tế, có quy mô 40.000 con/lứa, với sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 20.000 con/tháng. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu qua kênh xuất khẩu tiểu ngạch và tại chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố trong nước. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, số lượng gà xuất khẩu bị đình trệ, thị trường tiêu thụ tỉnh ngoài bị hạn chế đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của HTX và các hộ dân thực hiện liên kết chăn nuôi. Vì vậy, để duy trì sản xuất của HTX, bảo đảm thu nhập cũng như hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi, thời gian qua, nhất là vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, HTX đã đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, trong đó chú trọng thị trường tiêu thụ nội tỉnh. Theo đó, để vừa bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm, vừa thực hiện đúng theo quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, HTX đã lập một trang web riêng; đồng thời, xây dựng hệ thống đại lý đầu mối chân rết tại các huyện, thị xã, thành phố để bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng. Cùng với đó, tăng cường giới thiệu sản phẩm, cung ứng sản phẩm đến các chợ, cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Ông Hà Văn Phong, Giám đốc HTX Nông trại 36, cho biết: Việc đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa đã giúp HTX xuất bán được 80% lượng gà đến kỳ xuất bán của các hộ chăn nuôi, tương đương với 16.000 con. Trong đó, lượng gà tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh đạt 60%. Đây cũng là cơ hội để HTX giới thiệu sản phẩm gà ta đến người tiêu dùng nội địa nói chung và nội tỉnh nói riêng, từ đó mở rộng quy mô liên kết sản xuất và chủ động được thị trường tiêu thụ trong thời gian tới.

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, Công ty Xuất nhập khẩu Gralimex, xã Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) bị tồn đọng 1.400 tấn sản phẩm dứa xuất khẩu làm thức ăn chăn nuôi gia súc, tương đương 3,5 tỷ đồng. Nhận thấy việc xuất khẩu sẽ còn gặp khó khăn trong thời gian dài, do đó, công ty đã chủ động tìm kiếm các đơn hàng từ thị trường nội địa để tiêu thụ sản phẩm bị tồn kho thông qua việc giảm 50% giá bán so với giá xuất khẩu cho các đơn vị trong nước thu mua. Nhờ đó, công ty đã tiêu thụ được 400 tấn sản phẩm cho trại chăn nuôi bò thịt Đông Thành, TP Hà Nội; trại chăn nuôi bò thịt Đoàn Kết và Phú Quý, tỉnh Quảng Bình. Ông Lê Tuấn Minh, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Gralimex, cho biết: Việc tiêu thụ lượng sản phẩm nói trên cho các đơn vị nội địa tuy không mang lại lợi nhuận cho công ty, song cũng giúp công ty có nguồn vốn để xoay vòng, tiếp tục thu mua nguyên liệu cho bà con nông dân.

Vào cuộc cùng các doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh những ngày qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng chủ động đấu mối, tìm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Theo đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã đấu mối với các tỉnh bạn, các doanh nghiệp chế biến nông sản của tỉnh ngoài khắc phục khó khăn, nỗ lực thu mua sản phẩm đến kỳ thu hoạch cho bà con nông dân. Đơn cử như tại huyện Vĩnh Lộc, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện gieo trồng được 440 ha cây trồng xuất khẩu và chế biến. Nhận định đây sẽ là những loại cây trồng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, để chủ động thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nằm trong nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng dịch bệnh trước kỳ thu hoạch, huyện đã đấu mối với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để công ty thực hiện cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đối với diện tích cây trồng liên kết sản xuất. Đồng thời, mở rộng địa bàn tiêu thụ đối với các sản phẩm không nằm trong vùng liên kết, nhưng đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Qua đó, hầu hết diện tích cây trồng phục vụ xuất khẩu và chế biến, như: Ngô ngọt, dưa bao tử, một số diện tích ớt, chuối tiêu hồng đều được doanh nghiệp bao tiêu.

Ông Phạm Ngọc Thành, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và bà con nông dân của các tỉnh khác nói chung, công ty đã khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, huy động phương tiện đến tại ruộng thực hiện thu mua nông sản đến kỳ thu hoạch. Hiện, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công ty đã thu mua được 6.600 tấn nông sản các loại; trong đó, ngô ngọt khoảng 5.000 tấn, rau chân vịt 1.000 tấn, dứa 600 tấn.

Có thể nói, việc đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa đối với các sản phẩm nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đang là cứu cánh đối với các doanh nghiệp và bà con nông dân trong thời điểm này. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp phát triển tại thị trường nội địa trong bối cảnh nhiều sản phẩm nông sản nhập khẩu bị hạn chế vào được thị trường trong nước do dịch bệnh COVID-19 và xu hướng tiêu thụ hàng hóa của người dân đang chuyển dần từ hàng ngoại nhập sang nội địa.

Bài và ảnh: Hương Thơm


Bài Và Ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]