(Baothanhhoa.vn) - Sự phát triển của ngành chăn nuôi tỉnh ta những năm gần đây được khẳng định bằng sự ra đời của nhiều trang trại, gia trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp những trở ngại lớn về bệnh dịch và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đa phần người chăn nuôi vẫn sản xuất theo tập quán cũ, chưa chú trọng đến thực hiện các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước thực tế đó, liên kết trong chăn nuôi chính là một giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh liên kết để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi

Sự phát triển của ngành chăn nuôi tỉnh ta những năm gần đây được khẳng định bằng sự ra đời của nhiều trang trại, gia trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp những trở ngại lớn về bệnh dịch và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đa phần người chăn nuôi vẫn sản xuất theo tập quán cũ, chưa chú trọng đến thực hiện các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước thực tế đó, liên kết trong chăn nuôi chính là một giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.

Đẩy mạnh liên kết để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi

Mô hình chăn nuôi gà theo chuỗi liên kết của HTX dịch vụ chăn nuôi gà ta Thanh Hóa.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có hai hình thức liên kết trong chăn nuôi, đó là liên kết từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia sản xuất, kinh doanh (liên kết ngang). Trong mô hình liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người dân tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ. Người chăn nuôi được hỗ trợ một phần chi phí khi sản xuất, thực hiện chăn nuôi theo đúng quy trình được doanh nghiệp đề ra. Trong mô hình liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh, điển hình là các HTX, tổ hợp tác... liên kết lại, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các hộ chăn nuôi nằm trong chuỗi liên kết ngang được đơn vị kinh doanh bảo đảm cả đầu vào gồm con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật, đồng thời làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình cho mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất là mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Happy Farm (Thọ Xuân) đã liên kết với các hộ dân tại các huyện: Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Xuân để nuôi gà lông màu thả vườn, với quy mô tối thiểu đạt 1.000 con/lứa/trang trại, tối đa là 10.000 con/lứa/trang trại. Việc liên kết được thực hiện theo phương thức: Doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn, chịu trách nhiệm tiêm đầy đủ các loại vắc - xin phòng, chống dịch bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi con nuôi đến tuổi xuất bán. Mô hình liên kết được thực hiện theo hướng tập trung, quy mô lớn và theo chuỗi, nên con nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh, bảo đảm thị trường tiêu thụ và thu nhập của người chăn nuôi. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, bình quân người chăn nuôi lãi khoảng 10.000 đồng/con/lứa (4 tháng/lứa). Như vậy, với quy mô đã đặt ra, lợi nhuận của người chăn nuôi có thể đạt 10 triệu đồng/lứa, với trang trại 1.000 con và 100 triệu đồng/lứa với trang trại quy mô 10.000 con. Do bảo đảm được hiệu quả kinh tế và tính bền vững, nên mô hình ngày càng thu hút được nhiều hộ dân tham gia. Hiện, có 40 hộ dân thuộc 4 huyện đã và đang được công ty thực hiện liên kết chăn nuôi gà theo chuỗi, với tổng đàn đạt 120.000 con/năm.

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Thọ Sơn (Triệu Sơn) không còn chăn nuôi theo tập quán lạc hậu, tự cung, tự cấp mà đã đổi mới tư duy, chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, đầu tư con giống chất lượng, chuồng trại bài bản. Anh Lê Xuân Thịnh, thôn 4, chia sẻ: Trước đây gia đình chủ yếu sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ, song hiệu quả kinh tế chưa cao. Sản phẩm làm ra chất lượng nhưng luôn bị tư thương ép giá, việc tiêu thụ khó khăn. Từ cuối năm 2016, gia đình anh cùng 6 hộ khác trong xã đã liên kết thành lập HTX dịch vụ chăn nuôi gà ta Thanh Hóa để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà lai chọi, gà ri. Khi tham gia liên kết, phía HTX cung cấp toàn bộ giống gà đạt tiêu chuẩn, thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhờ liên kết sản xuất, các hộ chăn nuôi đã giảm được những rủi ro và hoàn toàn yên tâm về thị trường, không lo lắng về sự bấp bênh của giá cả như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ chăn nuôi gà ta Thanh Hóa, cho biết: Được thành lập tháng 11-2016, với mục tiêu liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm gà cho các hộ chăn nuôi để bảo đảm thị trường tiêu thụ, đồng thời hình thành vùng sản xuất gà ri, gà lai chọi quy mô lớn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau gần 3 năm thành lập, HTX đã mở rộng địa bàn liên kết tại 4 huyện Triệu Sơn, Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy, công suất nuôi của HTX đạt 20.000 con/lứa, hằng ngày cung cấp khoảng 2 tấn gà thịt cho thị trường. Hiện tại, HTX dịch vụ chăn nuôi gà ta Thanh Hóa đã liên kết được 24 hộ chăn nuôi, sản phẩm gà thương phẩm đã được cấp chứng nhận VietGAP và chỉ dẫn địa lý.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên trên địa bàn tỉnh đã hình thành, phát triển được nhiều mô hình chăn nuôi theo chuỗi, điển hình, như: Công ty TNHH Hoa Mai và Công ty CP Súc sản Hàm Rồng, thực hiện liên kết sản xuất và thu mua lợn với nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh để ổn định nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi lợn ngoại hữu cơ của Công ty CP Trang trại Trường Minh với Công ty Tiêu thụ chế biến Bảo Châu Farm Hà Nội tại xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc), có quy mô 1.000 con lợn thịt ngoại... Để việc liên kết trong chăn nuôi đạt được hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp cần xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, cần có sự chia sẻ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi để bảo đảm liên kết bền vững. Hiện tại, sự ra đời của phần mềm Kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa chính là cơ hội để các chuỗi liên kết trong chăn nuôi nâng cao được giá trị kinh tế và ưu thế vượt trội so với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]